91,51% đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Quốc hội thông qua hàng loạt cơ chế đặc thù cho TP Hà Nội

19/06/2020, 12:48

91,51% đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Quốc hội biểu quyết thông qua cơ chế đặc thù cho Hà Nội - Ảnh: VPQH

Tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, sáng ngày 19.6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Kết quả, 91,51% đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Cho Hà Nội hưởng 50% khoản thu từ đất khi bán tài sản công

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công, vì đây là khoản thu lớn, có thể làm mất cân đối NSTW.

UBTVQH cho rằng theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, các cơ quan, đơn vị phải di dời trụ sở được sử dụng tối đa 70% (riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh là 100%) số thu tiền sử dụng đất và tài sản trên đất của trụ sở cũ để trang trải chi phí liên quan đến việc bán, di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới; phần nộp NSNN là 30% còn lại.

Việc quy định cho ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% số thu nộp NSNN sau khi đã trừ chi phí liên quan cũng không ảnh hưởng lớn đến cân đối NSTW trong ngắn hạn, nhưng có ý nghĩa động viên, khuyến khích chính quyền địa phương cùng các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh sắp xếp các cơ sở nhà, đất nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài sản công.

Thành phố sẽ có thêm nguồn lực để xử lý những vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho phù hợp. Quy định này tương tự như cơ chế thí điểm cho TP.HCM tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị cần cho phép ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

UBTVQH cho biết theo quy định của văn bản pháp luật hiện hành, từ trước đến nay, Thành phố Hà Nội chưa có cơ sở pháp lý sử dụng các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 và 2015.

Vì vậy, để tạo điều kiện cho UBND Thành phố sử dụng số thu từ cổ phần hóa nhằm tăng nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng của thủ đô, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin Quốc hội cho phép bổ sung cụm từ “theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước” như thể hiện tại khoản 5 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết mới.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21.12.2016 của Chính phủ để việc tổ chức thu thoái vốn từ các tổ chức kinh tế do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý được thực hiện đúng quy định của Luật NSNN.

Nâng trần tỷ lệ nợ vay lên 90% có cao?

Một số ý kiến cho rằng, việc nâng tỷ lệ trần nợ vay từ 70% lên 90% là cao, cần cân nhắc đến mặt bằng bội chi chung của ngân sách địa phương trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia.

Theo UBTVQH, việc tăng mức giới hạn dư nợ vay bảo đảm cho thành phố có thêm dư địa được vay (trong nước và ngoài nước), và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay (đây là giới hạn luỹ kế dư nợ vay tối đa của Thành phố).

Mặt khác, hằng năm, căn cứ vào mức trần nợ công đã được Quốc hội quyết định. Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định cụ thể về mức bội chi, mức vay của từng địa phương, bảo đảm việc tăng mức vay của Thành phố Hà Nội được đặt trong mối quan hệ với nhu cầu vay, bội chi của các địa phương khác và yêu cầu giữ mức nợ công trong giới hạn cho phép.

Do đó, để quản lý bội chi ngân sách và nợ công chặt chẽ có hiệu quả, dự thảo Nghị quyết quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN, thể hiện tại khoản 1 Điều 5 Dự thảo Nghị quyết. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ nguyên quy định về nội dung này như dự thảo Nghị quyết đã trình Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, khoản tăng thu về phí, lệ phí chỉ chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng là quá hẹp, nên mở rộng chi cho sự nghiệp kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội và quy định mức đầu tư xây dựng mới các công trình thiết yếu phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nâng lên. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung hai nội dung trên như thể hiện tại khoản 3 Điều 1 và điểm a, khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị quyết mới.

Lam Thanh

Bài liên quan
Quán quân Giọng hát hay Hà Nội Bùi Huyền Trang ra mắt MV về Hà Nội
Bùi Huyền Trang - nữ ca sĩ trẻ vừa đoạt giải quán quân cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2024 đã cho ra mắt khán giả MV đầu tay trong sự nghiệp ca hát của mình, với tên gọi đầy thân thương: Cô gái Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội thông qua hàng loạt cơ chế đặc thù cho TP Hà Nội