Muốn lấy lại niềm tin của Nhân dân hoàn toàn không khó nếu tất cả nói đi đôi với làm. Kỷ niệm ngày Quốc khánh 2.9 nhắc nhở chúng ta về điều ấy.

Quốc khánh 2.9 và niềm tin của Nhân dân

Vũ Trung Kiên | 02/09/2023, 08:52

Muốn lấy lại niềm tin của Nhân dân hoàn toàn không khó nếu tất cả nói đi đôi với làm. Kỷ niệm ngày Quốc khánh 2.9 nhắc nhở chúng ta về điều ấy.

Năm 1950, kỷ niệm 5 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ đã cảm xúc trong tác phẩm Tháng Tám trời mạnh thu những dòng sau đây: “Từ lâu và từ lâu, ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, người ta thì thầm một cái tên, đập nhịp theo trái tim của người ta: Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc ở trong lòng của mỗi người nô lệ (…). Ngang qua họ, từ lâu và từ lâu, Cách mạng Tháng Tám được nghiền ngẫm, tưởng tượng, mơ mộng, ao ước, hy vọng trong nhà tù, trong trại giam, trong rừng thẳm, trong hang núi. Chết khô, chết đói, chết lạnh, chết súng, chết gươm. Cuộc đời tràn ngập nơi họ nhiều quá nên họ khinh cái chết (…). Giết họ thì được nhưng không thể giết được kỷ luật của Đảng họ. Kỷ luật của Đảng Nguyễn Ái Quốc đã thắng tất cả. Họ ở trong trái tim của một anh hùng mãi mãi, vô địch trong thời gian và không gian. Ấy là nhân dân”. Đó chính là niềm tin của Nhân dân. Cách mạng tháng 8 là kết tinh sức mạnh và niềm tin của Nhân dân.

1567392421.jpg
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khẳng định với quốc dân và toàn thế giới về sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Lênin từng khẳng định rằng tất cả các đảng tiền phong dầu mạnh tới bao nhiêu cũng chỉ có thể khuấy động trong một phạm vi nào đó, sức mạnh của họ chính là khơi dậy và phát huy được sức mạnh vĩ đại của toàn dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là cuộc cách mạng của toàn dân, của tất cả mọi người con dân đất Việt. Đại bộ phận người dân Việt Nam khi ấy không phân biệt tôn giáo, dân tộc, thành phần giai cấp đã tự nguyện đứng dưới lá cờ tập hợp của Mặt trận Việt Minh với chương trình và mục tiêu đúng đắn là giành độc lập cho Tổ quốc và đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, thế nhưng bằng niềm tin vào Lãnh tụ Hồ Chí Minh, niềm tin vào sự chí công, vô tư vì nước, vì dân của Chính phủ, nhiều gia đình tư sản giàu có đã đóng góp nhiều tiền của cho cách mạng.

Cụ Ngô Tử Hạ - một nhà tư sản lớn ở Hà Nội đã mua đấu giá chiếc áo trấn thủ của cụ Hồ với giá nhiều vạn đồng Đông Dương khi ấy. Ở miền Nam, khi biết tin này, cụ Cao Triều Phát – một tín đồ cao cấp của phái Cao Đài Minh Chơn Đạo, Hội trưởng Cao đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất, Chưởng quản Cửu Trùng Đài Hội thánh Cao Đài Duy Nhứt đã ủng hộ tiếp cho cách mạng một số tiền lớn. Căn nhà 48 Hàng Ngang Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập là tư dinh của cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ.

Không những thế, trong những ngày đầu cách mạng ấy, gia đình các cụ đã đóng góp rất nhiều tiền vàng cho sự chi dùng của Chính phủ. Trước đó, để vận động kinh phí cho cách mạng, một thành viên của Ủy ban Dân tộc Giải phóng, sau này là Thứ trưởng Bộ Thanh Niên trong chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà là Nguyễn Hữu Đang đã được rất nhiều người dân hưởng ứng, ủng hộ. Thậm chí, nhiều người cương quyết không lấy biên nhận bởi họ tin rằng tất cả những đóng góp của họ sẽ được dùng đúng mục đích và vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

ngotuha1.jpg
Cụ Ngô Tử Hạ đọc diễn văn trong cuộc Vận động cứu đói Hà Nội đầu năm 1946 - Ảnh: TL

Đảng lãnh đạo nhưng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối; nhà nước quản lý xã hội bằng chính sách, pháp luật. Nhân dân nhìn Đảng và Nhà nước bằng lăng kính của mình, đó là ở việc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có phù hợp, có đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Nhà nước có thật sự tôn trọng Nhân dân, thật sự tận tâm, tận lực với chức trách, nhiệm vụ được giao hay không.

78 năm từ ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, trong bối cảnh mới hiện nay đã và đang xuất hiện những câu chuyện đau lòng đánh vào niềm tin của Nhân dân, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Không thể không tự hào nói rằng sau 78 năm, đất nước và dân tộc chúng ta đã tiến những bước tiến rất dài trên con đường độc lập, phồn vinh và hạnh phúc, song vẫn còn đó những vụ việc, những câu chuyện làm cho những con người thật sự đau đáu với đất nước và dân tộc cảm thấy chua xót.

Đó là các hạn chế, yếu kém mà chính các nghị quyết của Đảng cũng mạnh dạn chỉ ra như: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền vẫn diễn ra ở nhiều nơi mà những vụ án “Chuyến bay giải cứu”, “Việt Á”... là những nhát dao chí mạng đâm thẳng vào niềm tin của Nhân dân.

Trong lịch sử Việt Nam, nhà Hồ là triều đại đã xây dựng được một đội quân rất đông đảo, song khi giặc tràn sang cả triều đình nhanh chóng bị bắt giải về nhà Minh. Trước khi quân giặc tràn sang, Tả tướng Quốc Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Cách mạng Tháng Tám thành công khi Đảng Cộng sản Đông Dương – lực lượng giữ vai trò lãnh đạo chỉ có hơn 5 nghìn đảng viên, trong đó có rất nhiều người vẫn đang bị giam giữ trong nhà tù của thực dân, đế quốc. Sở dĩ Cách mạng Tháng Tám thành công nhanh chóng là bởi Nhân dân tin vào đường lối của Đảng, của Mặt trận Việt Minh. Trong cuộc cách mạng ấy, nhiều quan lại, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng cũng đã đứng về phía Nhân dân, bởi họ cũng tin tưởng vào đường lối của Mặt trận Việt Minh khi ấy, tin vào những nhà cách mạng đã từng vào tù, ra khám đấu tranh vì nền độc lập tự do của đất nước.

Lâu nay chúng ta đã nghe đến nhàm chán ở nhiều diễn đàn câu nói là ai cũng phải “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Không sai, nhưng thực ra nhiều người đã và đang lạm dụng câu nói ấy. Vì lợi ích quốc gia dân tộc đối với mỗi người, nhất là đối với mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở cương vị nào hãy làm tròn trách nhiệm của cương vị ấy.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” ngày 17.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “… nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Sau đó, Bác căn dặn: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Chúng ta đang đẩy mạnh việc học và theo Bác Hồ. Học và theo Bác Hồ, nhất thiết phải khắc cốt, ghi tâm và thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Bác ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, đó là: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Muốn có niềm tin của Nhân dân hoàn toàn không khó nếu tất cả nói đi đôi với làm. Kỷ niệm ngày Quốc khánh nhắc nhở chúng ta về điều ấy.

Bài liên quan
Lễ Quốc khánh 2.9 người dân được nghỉ 4 ngày
Công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 kéo dài 4 ngày liên tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiều và tối 5.5, nhiều khu vực trên cả nước có mưa dông
một giờ trước Sự kiện
Kết thúc đợt nắng nóng diện rộng, nhiều khu vực trên cả nước xuất hiện mưa dông, có nơi mưa to.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc khánh 2.9 và niềm tin của Nhân dân