Mạng xã hội và truyền thông lập tức lên tiếng, người ta cho rằng: Giá như ông Hiệu trường ngăn không cho phụ huynh vào tận trường để bắt cô giáo quỳ. Giá như ông Hiệu trưởng ở lại phòng họp, kiên quyết bảo vệ cô giáo hơn thì chuyện đó đã không xảy ra...
Ngày... tháng... năm 2018,
Con yêu quý! Đợi con ngủ rồi bố mới lôi cuốn nhật ký ra để viết vài dòng tâm sự, nếu sau này lỡ may con có theo nghề giáo, đọc được những dòng nhật ký này thì thông cảm cho bố.
Cuộc đời bố muốn sống bình yên với chức danh hiệu trưởng cỏn con của mình, vậy mà cũng không bình yên được. Đúng là "đang yên đang lành bỗng mảnh sành chọc đít". Một tay phụ huynh cha căng chú kiết nào đó bước vào trường của bố, bắt cô giáo phải quỳ vì trước đó cô giáo bắt con hắn quỳ. Bố đã cố giảng hòa nhưng không được, bố phải lánh đi với lý do rất cấp bách "đi kiểm tra xem có học sinh nào bị cô thầy bắt quỳ không".
Mạng xã hội và truyền thông lập tức lên tiếng, người ta cho rằng:
- Giá như ông Hiệu trường ngăn không cho phụ huynh vào tận trường để bắt cô giáo quỳ.
- Giá như ông Hiệu trưởng ở lại phòng họp, kiên quyết bảo vệ cô giáo hơn thì chuyện đó đã không xảy ra.
Nhưng cuộc đời thì làm gì có "giá như". Nếu có "giá như" thì chưa chắc bố đã vào ngành sư phạm bởi mơ ước của bố thời trẻ là ngành y hoặc bách khoa, bèo lắm cũng là ngành ngân hàng... Tiếc là điểm thi của bố quá thấp, với số điểm đó thì vừa đủ "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Điểm vô trường sư phạm để thực hiện cái sự mệnh cao cả "trăm năm trồng người" còn thấp hơn "mười năm trồng cây" của trường nông lâm.
Rồi khi ra trường đâu có dễ xin việc, nộp hồ sơ đâu có trường nào nhận. May nhờ một hôm chạy xe ôm chở một bà đi chùa đầu năm xin lộc. Trong lúc bà ta đang quỳ để cầu khấn thì có một thằng trộm móc cái điện thoại của bả. Bố nhào tới tóm gọn lấy lại được cái điện thoại (thời đó cái điện thoại rất quý và hiếm). Bà ta cảm ơn rối rít, hóa ra là bả làm to ở ngành giáo dục tỉnh nhà. Biết bố đang thất nghiệp, bà ta móc điện thoại "A lô! A lô!...", thế là ngay ngày hôm sau bố được ký hợp đồng làm giáo viên ở một trường tiểu học.
Ổn định công việc rồi, bố mới cưới mẹ con. Mẹ con thời trẻ rất xinh, biết bao người săn đón. Họ giàu có, địa vị cao, nghề nghiệp ổn định… Riêng bố, một giáo viên hợp đồng nghèo với chiếc nhẫn cỏ trên tay quỳ xuống trước mẹ cầu hôn. Cảm động trước cái quỳ chân thành của bố, mẹ nhận lời và con ra đời.
Lương thì thấp, ngoài giờ dạy ở trường bố phải dạy thêm. Ở lớp dạy thêm chẳng có học sinh nào bị quỳ. Đơn giản là nếu học sinh bị quỳ thì phụ huynh sẽ không cho con cái họ học nữa, biết lấy đâu ra tiền mua sữa, mua tã cho con...
Thời gian hợp đồng quả thực là một quãng thời gian đầy sự lo lắng, chỉ cần một sai phạm nhỏ cũng dễ dàng không được tiếp tục sự nghiệp trồng người cao quý. Con biết gần 500 giáo viên ở Đắk Lắk bị cắt hợp đồng cái rụp mới thấy phận làm thầy, cô giáo nó bạc bẽo đến nhường nào. Bây giờ họ có quỳ đi chăng nữa cũng khó mà được giữ lại làm việc.
Hiệu trưởng về hưu, bố nhờ cái bằng tiến sĩ cấp học viện với đề tài " Hành vi quỳ trong nền záo zục Việt Nam" với gần 1.000 loại quỳ (cũng may thời bé đi học bố bị thầy cô bắt quỳ nhiều nên kiến thức về quỳ của bố rất phong phú): quỳ kiểu ngang; quỳ kiểu dọc; quỳ có mặt hiệu trưởng; quỳ không có mặt hiệu trưởng... đã vượt qua các ứng cử viên để ngồi vào ghế hiệu trưởng.
Hôm cái tay phụ huynh đến trường bắt cô giáo quỳ, bố phải tìm lý do để lánh mặt. "Tránh voi chẳng xấu mặt nào" con ạ. "Voi" là còn đỡ, chứ lỡ may cái tay phụ huynh đó thuộc loại "đồng chí này là con đồng chí nào?" thì cái chức hiệu trưởng của bố cũng khó mà giữ được.
Đấy! Nghề giáo nó mong manh như thế đấy mà giờ đây người ta trách bố là sao!?
Bố chỉ tiếc là cái tay phụ huynh có bằng luật hẳn hoi mà kém thế (không biết có học thực không hay là bằng mua, bằng giả cũng nên). Nó bắt cô giáo quỳ lâu quá, tới 40 phút lận, Trong luận án tiến sĩ của bố có đoạn: "Nếu quỳ trong thời gian ngắn thì không gọi là quỳ". Lúc đó bố sẽ giải thích với lãnh đạo, báo giới và dư luận là "cô giáo chỉ khuỵu chân xuống..." và hắn sẽ không bị kỷ luật khai trừ Đảng, bố cũng không rơi vào tình thế khó xử như bây giờ...
Thôi, ngủ ngon con nhé!
Thuannovo Tran