Có lẽ giáo dục từ nhiều năm qua đã trở thành một vấn đề nhiều bức xúc trong xã hội, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể khiến đám cháy bùng lên, và mọi nỗ lực can thiệp đủ loại đang chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng, để dập tắt một ngọn lửa, một làn nước mát có lẽ sẽ cần thiết hơn.

Suy nghĩ về Mẹ và Cô sau vụ giáo viên quỳ gối

09/03/2018, 07:50

Có lẽ giáo dục từ nhiều năm qua đã trở thành một vấn đề nhiều bức xúc trong xã hội, chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể khiến đám cháy bùng lên, và mọi nỗ lực can thiệp đủ loại đang chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng, để dập tắt một ngọn lửa, một làn nước mát có lẽ sẽ cần thiết hơn.

Giáo dục trẻ em là trách nhiệm của cả nhà trường và gia đình - Ảnh: Internet

Truyền thông và mạng xã hội Việt Nam những ngày gần đây xôn xao bởi sự kiện một cô giáo ở trường học nọ bị phụ huynh học sinh bắt quỳ suốt hơn nửa giờ như một cách chuộc lỗi cho hình phạt tương tự mà con cái họ phải nhận trước đó. Có người phản đối, có người đồng tình, thậm chí có ý kiến còn đòi khởi tố vì đã xúc phạm nhân phẩm, vv vv... Có lẽ giáo dục từ nhiều năm qua đã trở thành một vấn đề nhiều bức xúc trong xã hội, nên chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể khiến đám cháy bùng lên, và mọi nỗ lực can thiệp đủ loại đang chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng, để dập tắt một ngọn lửa, một làn nước mát có lẽ sẽ cần thiết hơn.

Trong cuốn sách thiếu nhi kinh điển thế giới “Những tấm lòng cao cả” của văn hào người Italia Edmondo De Amicis mà có lẽ nhiều người Việt Nam đã từng đọc, có một thông điệp đơn giản nhưng vô cùng quan trọng: giáo dục trẻ em là công việc của cả nhà trường lẫn gia đình. Cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” là những câu chuyện ngắn và xúc động, được lồng ghép giữa bối cảnh nhà trường và gia đình của những cậu bé, cô bé, nơi những bài học của thầy cô giáo và cha mẹ được đan xen một cách hài hòa.

Ở đó, thầy giáo khuyến khích cả lớp nói về quê hương của mình để giúp em học sinh mới chuyển đến bớt bỡ ngỡ và hòa nhập với bạn bè. Còn ở nhà, người cha khuyên con nên cất bức tranh anh hề gù lưng trên tường để người bạn học tàn tật sắp đến nhà chơi bớt cảm thấy tủi thân. Ở đó, người thầy và người cô được xem như cha và mẹ, có những người dõi theo học trò của mình đến hơi thở cuối cùng như những đứa con ruột. Và ở đó, cha mẹ vẫn viết thư răn dạy con cái như người thầy và người cô dù sống chung dưới một mái nhà.

Dù bối cảnh câu chuyện trong cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” diễn ra ở Italia, nhưng có lẽ bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng cảm nhận được thông điệp giản dị ấy một cách tự nhiên nhất. “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, một bài hát mà có lẽ bất cứ người Việt Nam nào cũng biết, cũng mang thông điệp đó. Khi một đứa trẻ cảm thấy vui vẻ khi đến trường, và vẫn tự giác khi ở nhà, thì sự giáo dục của nhà trường và gia đình có thể xem là hài hòa.

Sự phát triển nhanh chóng của xã hội Việt Nam những năm gần đây khiến cho không ít bậc cha mẹ quên mất điều tưởng như giản dị ấy. Có lẽ không ít bậc phụ huynh vẫn đang nghĩ rằng trách nhiệm dạy dỗ trẻ em là của nhà trường và thầy cô, chứ không phải của gia đình. Cuộc sống ngày càng bận rộn hơn và cha mẹ dường như cũng ngày càng ít có thời gian quan tâm và chăm sóc con cái hơn trước đây. Vô hình trung khiến cho không ít bậc phụ huynh nghĩ rằng thầy cô giáo – những người dành phần lớn thời gian trong ngày dạy dỗ và kèm cặp học trò của mình – mới là những người có trách nhiệm lớn nhất đối với sự trưởng thành của con cái họ.

Sự bất cập của hệ thống giáo dục cũng khiến mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn. Các môn học thiên về phát triển trí tuệ với khối lượng nặng nề không chỉ đang khiến học sinh mệt mỏi và căng thẳng, mà còn khiến sự phát triển cá nhân của con trẻ trở nên thiếu hài hòa. Và như đã không ít lần diễn ra, trách nhiệm lại dồn hết vào vai của thầy cô giáo.

Cùng với một loạt các bất cập khác về điều hành của hệ thống giáo dục, lại càng khiến khoảng cách giữa gia đình và nhà trường trở nên lớn hơn. Khi các khoản tiền đóng góp ngày càng lớn hơn, còn chương trình học ngày càng dài hơn và nặng nề hơn, thì cũng không khó hiểu khi ngày càng có nhiều phụ huynh có xu hướng coi việc giáo dục của con em mình như một món hàng hay một loại dịch vụ, nơi nhà trường và thầy cô giáo phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự phát triển của con trẻ.

Nếu như có thể nói một điều gì về câu chuyện lần này, từ tận trái tim, thì có lẽ tất cả chúng ta – những người lớn – mới là những người có lỗi. Chúng ta có lẽ không chỉ quên mất cách yêu thương học trò khi ở trường, mà còn quên mất sự quan tâm và dạy dỗ con trẻ khi ở nhà. Có lẽ từ một lúc nào đó, mà cô giáo đã không còn là mẹ, và mẹ thì cũng không còn là cô nữa. Chính chúng ta – những người lớn – đang tước mất sự háo hức khi đến trường và niềm vui khi trở về nhà của con trẻ.

Trẻ em, những mầm non của chúng ta, đâu có cần những tranh cãi hay những cái quỳ gối, chúng chỉ cần được ở trong vòng tay của cả mẹ và cô mà thôi.

Nhàn Đàm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suy nghĩ về Mẹ và Cô sau vụ giáo viên quỳ gối