Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp UBND TP.Hà Nội về việc đóng góp ý kiến xây dựng đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỉ lệ 1/2.000 (gọi tắt là Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội).

Quy hoạch ga Hà Nội: Bộ Xây dựng không tán thành xây nhà cao tầng mới

Trí Lâm | 21/12/2017, 13:17

Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp UBND TP.Hà Nội về việc đóng góp ý kiến xây dựng đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỉ lệ 1/2.000 (gọi tắt là Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội).

Đề cập đến đề xuất xây công trình cao tầng tại khu vực phía tây ga Hà Nội, Bộ Xây dựng cho rằng các quy hoạch phân khu do thành phố lập tại đây chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở xác định chiều cao và số lượng công trình cao tầng. Khu vực nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị ga Hà Nội nằm trên địa bàn 4 quận nội thành, là khu nội đô lịch sử hạn chế phát triển, không xây dựng nhà ở cao tầng mới và gia tăng dân số.

Bộ Xây dựng đã có văn bản góp ý cụ thể về nội dung của các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-3, H1-1 và H1-4, trong đó yêu cầu có giải pháp quy hoạch cụ thể đối với khu vực ga Hà Nội trước khi phê duyệt đồ án quy hoạch.

Theo Bộ này, đề xuất nhiều nội dung cải tạo chỉnh trang đô thị với quy mô lớn về xây dựng công trình ngầm và công trình nổi, tái định cư, trong đó xây dựng mới một số công trình cao tầng (từ 40-70 tầng, chiều cao tới 200m) sẽ có tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị đối với khu vực ga nói riêng và khu nội đô lịch sử Hà Nội nói chung, chưa phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011.

Bên cạnh đó, dân số khu vực này khoảng 40.300 người, dự kiến sau quy hoạch sẽ tăng lên khoảng 44.000 người (tương đương10%). Ngoài ra, việc hình thành các loại hình dịch vụ thương mại, tài chính, vui chơi giải trí… sẽ làm tăng một số lượng lớn khách vãng lai đến sử dụng các dịch vụ trong khu vực.

Vì vậy, quy hoạch phân khu cần nghiên cứu, dự báo và tính toán kỹ về dân số để đảm bảo không gây ra tình trạng quá tải về cở sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông.

Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồ án của Hà Nội chưa phân tích, tính toán đầy đủ khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị đối với việc gia tăng dân số và hình thành các công trình cao tầng, đa năng, dịch vụ tổng hợp.

Do đó, cần bổ sung và làm rõ quy mô dự báo nhu cầu giao thông cho từng loại hình giao thông trong khu vực (đường bộ, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị), đặc biệt là dự báo lưu lượng hành khách của các tuyến đường sắt đô thị đường sắt đô thị số 1, số 3 và tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội cần làm rõ giải pháp và sự gắn kết giữa hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, công nghệ quản lý khai thác gắn với mạng lưới đường bộ, đường hầm đi bộ, giải pháp quy hoạch sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc…) nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch và đầu tư xây dựng. Bổ sung và làm rõ các nội dụng tiếp thu, giải thích các ý kiến góp ý của các tổ chức, các nhân và nhân dân trong khu vực trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch…

Trước đóvào giữa tháng 9.2017, TP.Hà Nội đã gửi văn bản số 4417/UBND-ĐT xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận. Đồ án Quy hoạch khu vực ga Hà Nội có tổng diện tích 98,1ha.Tổng dân số của khu vực này được quy hoạch khoảng 44.000 người, trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người. Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 23.800 tỉ đồng, thành phố sẽ đảm nhận khoảng 700 tỉ đồng.

Thành phố đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng cao 40-70 tầng, trong đó có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40-70 tầng gồm: khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40-70 tầng); khu truyền thông bố cục phía đông khu đất (cao 40-70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía tây nam khu đất (cao 40 - 60 tầng); khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40-60 tầng) và khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40-70 tầng). Ngoài ra, có 3 khu vực thấp tầng gồm: khu văn hóa thấp tầng (phía bắc khu đất); khu công viên (phía đông khu đất); khu thương mại quốc tế (phía tây nam khu đất).

Đối với đề xuất nói trên của TP.Hà Nội, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại. TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng và hiện là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Namcho rằng đề xuất này có động cơ mang lại lợi ích từ bất động sản cho một nhóm người nào đó, hơn là vì mục tiêu chung cho Hà Nội. Khu vực này không phải đầu tư vào hạ tầng nhiều, chỉ bán nhà là thu được tiền.

“Những năm gần đây, công tác quản lý quy hoạch của Hà Nội bị buông lỏng, nhà cao tầng mọc lên tùy tiện, dân số tập trung ngày càng cao. Cái thiếu ở khu vực này là công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân chứ không phải nhà cao tầng”, TS. Phạm Sỹ Liêm phân tích.

Theo ông Liêm, “TP.Hà Nội sẽ không có lợi ích gì vì dự án sẽ tạo nên một khu vực mật độ siêu cao và phải tái định cư một lượng dân lớn, chẳng ai dại gì đầu tư”.

Ông cũng bày tỏ sự lo lắng về tình trạng ùn tắc nghiêm trọng ở khu vực này nếu dự án được thực hiện, bởi vì đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội có tổng diện tích 98,1ha mà có tới 44.000 dân. Đây là mức cao thuộc hàng đầu thế giới và rất không phù hợp. Thông thường, trong đô thị chỉ 2-2,5 vạn dân/100ha.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội "thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững".

Thanh Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy hoạch ga Hà Nội: Bộ Xây dựng không tán thành xây nhà cao tầng mới