Nhà nằm ngoài ranh giới quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm nhưng vẫn bị cưỡng chế, thu hồi. Một cử tri cho biết thêm chỉ nhận đền bù 18 triệu đồng/m2 nhưng doanh nghiệp bán đất lên đến 350 triệu đồng/m2.
Nhiều cử tri ở quận 2 đã nói như khóckhi tiếp xúc Đại biểu Quốc hội khóa XIV vào chiều 9.5.
Trước thời gian bắt đầu hội nghị, khi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.HCM xuất hiện, nhiều cử tri đã trao đổi trực tiếp với bà Tâm về vấn đề quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm. Thậm chí, nhiều cử tri đã căng bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm khiến hội trường “nóng” hơn bao giờ hết. Ban tổ chức phải liên tục thông báo các cử tri ổn định để hội nghị bắt đầu.
Phát biểu đầu hội nghị, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó chủ tịch quận 2 cho biết, buổi tiếp xúc hôm nay có hơn 50 phiếu phát biểu ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến về quy hoạch Thủ Thiêm.
Ông Khiết cũng nói rằng, nội dung kiến nghị về quy hoạch Thủ Thiêm đang chờ kết luận Thanh tra Chính phủ. Còn các vấn đề cưỡng chế đã ngừng từ năm 2016, sau khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri nói rằng họ rất bức xúc khi nhà không nằm trong ranh quy hoạch nhưng vẫn bị UBND quận 2 thu hồi đất, cưỡng chế. Nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh không nhà không cửa, bị đẩy ra đường trong khi tiền đền bù không đủ để mua nhà tái định cư.
Đáng chú ý, nhiều cử tri yêu cầu hội nghị tăng thêm thời gian tiếp xúc bởi 14 giờ bắt đầu mà 16 giờ kết thúc thì không giải quyết được những bức xúc của người dân.
Theo cử tri Lê Thị Bạch Tuyết, bà từng gọi lên phòng kinh doanh khu đô thị Sala của Đại Quang Minh để hỏi giá thì được biết doanh nghiệp này bán 350 triệu đồng/m2/căn hộ. Dù giá cao nhưng doanh nghiệp này nói rằng đã bán hết căn hộ và chờ dự án khác có giá tầm 23 tỉ đồng/căn hộ.
“Nhà nước đền bù cho tôi chỉ có 18 triệu đồng/m2 mà Sala bán 350 triệu đồng/m2, như vậy thì bóc lột dân quá. Nếu Nhà nước đền bù ít nhất 50 triệu đồng/m2 thì tôi mới đồng ý”, cử tri này nói.
Cử tri Nguyễn Ngọc Thanh nói bà cả đời làm ăn, gom góp mua được căn nhà hai mặt tiền ở đường Lương Định Của với giá hơn 50 cây vàng. Thế nhưng, dù không nằm trong ranh quy hoạch Thủ Thiêm, TP.HCM vẫn thu hồi và chỉ đền bù cho bà số tiền 94 triệu đồng. Số tiền này không đủ để bà mua căn hộ tái định cư, muốn lấy căn hộ thì phải đóng thêm 800 triệu đồng/m2.
Cử tri Bùi Văn Thông cũng cho biết, ông có nhà mặt tiền đường Lương Định Của nhưng Nhà nước chỉ đền bù 4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất tại khu vực này lại bán đến 200 triệu đồng/m2. Như vậy, không khác gì “cưỡng chiếm” đất của dân.
Trong khi đó, cử tri Lê Thị Hồng Vân nói nhà của bà không nằm trong ranh giới quy hoạch nhưng vẫn bị thành phố cưỡng chế. “Tôi đã 10 năm đi kiện nhưng đến nay vẫn không được giải quyết. Chồng của tôi vì quá bức xúc, không chịu nổi mà đã qua đời. Nhà cửa ở hơn 20 năm đã dột nát, gần sập đổ, nước ngập đầy nhà nhưng vẫn không được xây dựng. Vì vậy, gia đình tôi xin chính quyền TP.HCM giải quyết sớm để có thể tái định cư tại chỗ”.
Cử tri Lê Hùng Phong nói nhà ông nằm trong khu đô thị Thủ Thiêm, khi quy hoạch thì được bồi thường đất tại khu Nam Rạch Chiếc. Thế nhưng, từ khi cưỡng chế nhà đến nay, dù gia đình ông có khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết. “Nhà tôi hơn 400m2 mà đền bù chỉ có 4 tỉ đồng, trong khi gia đình hơn 10 nhân khẩu thì giờ sao tôi mua được nhà khác? Nhà tái định cư Nam Rạch Chiếc cũng chờ mãi không được cấp”, cử tri bức xúc.
Cử tri Nguyễn Thị Dung cũng có nhà nằm ở mặt tiền đường Trần Não, không nằm quy hoạch Thủ Thiêm nhưng quận 2 vẫn bị thu hồi và đập hết nhà. Bà nói dù chưa nhận được tiền nhưng thành phố lại dúi vào tạm cư đã xuống cấp, tháng nào cũng đưa giấy báo tiền điện, tiền nước, phí quản lý… nhưng không có tiền. “Từ người có nhà ở thành phố mà giờ tôi phải đi ăn xin để đóng phí quản lý”.
“Nghe người dân kể chuyện thu hồi đất, đẩy ra ngoài đường mà tôi không cầm nổi nước mắt. Gia đình tôi hơn 3.000m2 bị thu hồi, chỉ đền bù 150.000 đồng/m2, bằng tiền mua 3 tô phở. Cả nhà và tài sản gắn liền trên đất cũng bị đền bù rẻ mạt. Sau bao nhiêu năm trở lại Thủ Thiêm thì toàn dự án nhà ở cao tầng với giá hàng trăm triệu đồng/m2, nghĩ mà chua xót. Tôi đề nghị chính quyền giải quyết dứt điểm cho người dân, không thể chần chừ như hiện nay”, cử Tri Nguyễn Thị Bạch Tuyết nói.
Mặc dù đã hơn 16 giờ nhưng cử tri quận 2 vẫn tiếp tục phát biểu những bức xúc về quy hoạch Thủ Thiêm. Một số cử tri đề nghị ban tổ chức kéo dài thời gian đối thoại thêm để người dân có thể trao đổi, cùng làm rõ những nội dung. Cử tri nói rằng lãnh đạoTP.HCM cần ngồi trực tiếp để nói chuyện với người dân. Thành phố cũng cần nhìn nhận vấn đề, có sai thì sửa.
Phan Diệu