Theo đánh giá của IMF, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1,05 nghìn tỉ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 nghìn USD.
Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành kế hoạch – đầu tư (31.12.1945 – 31.12.2020) diễn ra ngày 31.12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết IMF đánh giá, đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỉ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.
Theo đánh giá của IMF, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế nước ta đạt 1,05 nghìn tỉ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10 nghìn USD.
Theo Bộ trưởng, sau khi giành được độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 31.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch Kiến thiết, tiền thân của cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm ủy viên là tất cả các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Tiểu ban chuyên môn, đặt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Chính phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “sự nghiệp kiến quốc cần phải có một chương trình cụ thể được nghiên cứu một cách kỹ càng” và giao nhiệm vụ “Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ”.
Theo ông Dũng, những năm qua, ngành KH-ĐT đã thực hiện tốt chức năng cơ bản của ngành là quản lý nhà nước về công tác chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Đến nay, đã có 3 chiến lược 10 năm và 10 kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội. Với trách nhiệm được giao là cơ quan thường trực của Tổ Biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương tổng hợp, xây dựng, tham mưu cho Đảng và Nhà nước Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ 4 giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - Xã hội 5 năm lần thứ 11 giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, ngành cũng thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp, chiến lược cho Đảng và Nhà nước về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt vai trò “tổng tham mưu trưởng”, chủ trì, điều phối, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương và địa phương, tổ chức tốt công tác theo dõi, nghiên cứu, tham mưu các giải pháp, chính sách trong điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô…
Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành đã có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, cởi mở, theo hướng kiến tạo phát triển; chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp, chính sách có tính chất nền tảng để nền kinh tế tiến về phía trước...
Đặc biệt, trước tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 năm 2020, Bộ KH-ĐT đã nhanh chóng, chủ động, bám sát diễn biến tình hình, ngay từ đầu năm, đã xây dựng các kịch bản điều hành nền kinh tế, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời, chính xác, hiệu quả các quyết sách nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi và duy trì tăng trưởng nền kinh tế.
“Nhờ đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là một trong số ít các quốc gia không chỉ thành công trong kiểm soát dịch bệnh, mà còn đạt được kết quả tăng trưởng dương, đạt trên 2,91%”, ông Dũng nêu.
Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, từng cán bộ ngành kế hoạch phải duy trì được bản lĩnh kiên định, dám nghĩ dám làm; phải bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo. Phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; nhưng cũng cần một trái tim nóng để nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, khát vọng, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, hướng tới vì hạnh phúc của nhân dân.