Đúng quy trình”, một cụm từ vô cảm nhưng đang là cụm từ gây xúc cảm nhiều nhất trong dư luận thời gian gần đây. Cứ “sợt” trên Google người ta sẽ thấy có đến hàng triệu kết quả cho từ khoá này. Có biết bao người giận dữ, ngao ngán, chán nản, bất lực khi nghe đến cụm từ này…

Quy trình mà biết nói năng…

17/12/2016, 14:11

Đúng quy trình”, một cụm từ vô cảm nhưng đang là cụm từ gây xúc cảm nhiều nhất trong dư luận thời gian gần đây. Cứ “sợt” trên Google người ta sẽ thấy có đến hàng triệu kết quả cho từ khoá này. Có biết bao người giận dữ, ngao ngán, chán nản, bất lực khi nghe đến cụm từ này…

Ảnh minh họa

Đơn giản là vì hiện nay cụm từ ấy đang được nhiều người sử dụng như một “tấm khiên” để bảo vệ, biện minh những hoạt động gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, đất nước. Chỉ đơn cử trường hợp tiêu biểu như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, cựu Tổng giám đốc PVC và Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang thôi đã rõ. Từ cả một quá trình dài quản lý gây thua lỗ hàng ngàn tỉ mà vẫn được tuyên dương khen thưởng của ông ta cho đến việc được điều động về làm phó chủ tịch một tỉnh rồi sau đó âm thầm “chui lọt lỗ kim” trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố, những cá nhân liên quan liên đới không ai bị buộc tội tòng phạm mà tất cả đều biện minh là thực hiện “đúng quy trình”! Ai mà chẳng biết được rằng chỉ đơn độc một mình Trịnh Xuân Thanh thì ông ta không thể “một tay che cả bầu trời” nếu không có sự giúp sức, hỗ trợ hay làm ngơ của những cá nhân liên đới…

Có đến hàng chục, hàng trăm vụ việc, lớn có, nhỏ có, “đại án” có, liên quan đến những chuyện làm “đúng quy trình”. Mới đây nhất là vụ thăng chức “siêu tốc” cho một “thần đồng” vào vị trí Phó vụ trưởng tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Vâng, đúng thì đúng quy trình thật đấy, nhưng lại có thể và đã có gây ra những hậu quả nghiêm trọng, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy như đã kể…

Trước hết, có lẽ chúng ta phải xem xét đến khái niệm “quy trình” là gì và tại sao nó lại được nhiều người sử dụng như một “con dê tế thần” cho những hoạt động của mình. Quy trình đơn giản là những trình tự hành động hợp lý của một hoạt động để cho ra kết quả tốt nhất. Thế cho nên không thể có khái niệm “tréo cẳng ngỗng” là “làm đúng quy trình gây hậu quả nghiêm trọng” trong những hoạt động bình thường. Có chăng đó chỉ là một thuật ngữ mà pháp luật có lẽ cần phải cân nhắc để đưa thêm vào bộ luật hình sự với tình hình như hiện nay!

Thật ra, nếu xem xét toàn bộ các vụ “làm đúng quy trình” trên, người ta sẽ thấy chẳng có quy trình nào để nhiều người biện minh cả. Chẳng có một quy trình cụ thể nào quy cho việc thiếu kiểm tra, kiểm soát Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy để các đối tượng này gây hại cả. Chẳng có một quy trình nào để cho “cả họ làm quan” hay “cả cơ quan đều là quan” cả. Cũng chẳng có một quy trình cụ thể bắt buộc nào để phải cất nhắc một “ông thạc” măng sữa, một “thần đồng ngoại ngữ” nào đó vào chức vụ vụ phó cả, trong khi chỉ riêng những “ông nghè” (tiến sĩ) Việt Nam có cả hàng chục ngàn.

Có chăng chẳng qua đó là những quy định, cơ chế, pháp luật để cho người ta có thể dựa vào đó mà lách, tránh, tạo “chứng cứ ngoại phạm” mà thôi. Thật dễ dàng né tránh trách nhiệm khi đổ lỗi cho cơ chế, cho sự bất cập của pháp luật. Quả thật, đã có không ít những vụ “hạ cánh an toàn” hay “cao bay xa chạy” mà pháp luật không thể hồi tố hoặc ngăn chặn vì thiếu những quy định. Như Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra chính phủ) Phạm Trọng Đạt mới đây có phát biểu, rằng “như Hải Dương 44/46 người lãnh đạo cả, không thấy ai là nhân viên, cũng quy trình đúng thì đó là quy trình bậy”.

Năm nay, 2016, là dịp kỷ niệm 30 năm ngày đổi mới. Mọi người hẳn còn nhớ đến đợt cải cách “quy trình”, thể chế lớn nhất, quan trọng nhất của đất nước ta để đưa nước ta từ tình trạng thiếu đói trở thành một trong những nước ấm no và phát triển với tốc độ khá cao bắt đầu từ 1986. Sự khác biệt giữa những người thực hiện việc đổi mới năm xưa với những người làm “đúng quy trình” hiện nay có thể dễ dàng chỉ ra: một bên là những người tiên phong “xé rào” làm “sai quy trình” nhưng đem lại những kết quả tích cực, một bên có vẻ như nhất nhất tuân theo quy trình, không chệch ra đâu nhưng lại đưa đến những kết quả tiêu cực. Sự khác biệt chính yếu hơn giữa họ chính là cái tâm, là lương tâm, là lòng yêu nước. Quả thật, tuy khó có thể có những chứng cứ cụ thể để kết tội như thừa nhận của ông Phạm Trọng Đạt, nhưng không khó để mọi người nhận ra những động cơ nào trong những việc “đúng quy trình” đang diễn ra cả.

Các kết quả đắng cay mà chúng ta phải chấp nhận trong những sự kiện này nên là động lực mạnh mẽ cho việc cải đổi những “quy trình”. Với tình hình suy thoái đạo đức, “tự diễn biến” nội bộ khá trầm trọng như các nhà lãnh đạo thừa nhận, tại sao chúng ta không thực hiện một cuộc tổng rà soát các “quy trình” lạc hậu, yếu kém để thực hiện một đợt “đổi mới lần hai”, một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ để khó có ai còn có thể đổ thừa cho quy trình, quy định như hiện nay…?

Cuối cùng có lẽ cũng phải minh oan một chút cho “quy trình”: nếu quy trình là một con người chứ không phải là những dòng văn bản khô khan cứng nhắc, nếu “quy trình mà biết nói năng”, thì có bao nhiêu hàm răng các quan chức sẽ không còn…?

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy trình mà biết nói năng…