Vừa qua, Bộ Nội vụ vừa đưa ra kế hoạch xây dựng Đề án Văn hoá công vụ, trong đó có việc luật hoá, chế tài “các hình thức nịnh bợ, lấy lòng sếp vì động cơ không trong sáng”. Dư luận có người phì cười, có người lại băn khoăn: không biết chuyện nịnh bợ sếp đã ở mức nghiêm trọng nào mà phải “luật hoá” và các bước xây dựng dự luật này như thế nào, liệu có khả thi?

Ra luật cấm nịnh bợ hay tìm cơ chế tuyển dụng cán bộ thực tài, có lòng tự trọng?

11/05/2019, 16:13

Vừa qua, Bộ Nội vụ vừa đưa ra kế hoạch xây dựng Đề án Văn hoá công vụ, trong đó có việc luật hoá, chế tài “các hình thức nịnh bợ, lấy lòng sếp vì động cơ không trong sáng”. Dư luận có người phì cười, có người lại băn khoăn: không biết chuyện nịnh bợ sếp đã ở mức nghiêm trọng nào mà phải “luật hoá” và các bước xây dựng dự luật này như thế nào, liệu có khả thi?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại buổi họp báo

Phàm là những gì thuộc về phạm trù đạo đức như việc nịnh bợ, lấy lòng thủ trưởng, lãnh đạo, khi đã phải “luật hoá” ắt phải ở mức tác hại nghiêm trọng, cần “cây gậy” của pháp luật để ngăn ngừa, răn đe. Tất nhiên là chẳng ai có thể đo lường, định lượng được mức độ thiệt hại cụ thể của xã hội là bao nhiêu từ việc nịnh bợ gây ra. Thế nhưng, xem lại lịch sử, người ta có thể thấy rõ là ở các triều đại như thời vua Trần Dụ Tông, bè đảng nịnh thần chính là một trong những nguyên do khiến cho triều đình này suy vong và đi đến sụp đổ.

Xét ở góc độ luật pháp, việc nịnh bợ bằng lời nói hay hành động có thể được xem là một hành vi hối lộ. Kẻ “nịnh thần” thường là những kẻ bất tài, không có khả năng đi lên bằng thực tài nên sẵn sàng đi lên bằng “đầu gối” hay bằng “đầu lưỡi” và thường gièm pha, xúc xiểm những người có tài đức khác.

Họ rất nhạy cảm với ý thích được bợ đỡ của các sếp của mình, sẵn sàng hối lộ cả tặng phẩm lẫn nhân phẩm của mình cho các sếp. Về phía các sếp ưa nịnh bợ, những người thường xuyên nhận những của hối lộ từ vật phẩm đến ngôn từ, thì thường cũng là những kẻ bất tài nhưng luôn thấy mình là quan trọng, tài giỏi, đáng được khen tụng, nịnh bợ.

Người thích nịnh và kẻ nịnh hót thường là một “cặp bài trùng” mà tiêu biểu hơn cả trong lịch sử là cặp “hôn quân - nịnh thần”. Và trong thế giới này, những người tài đức thì không có đất dụng võ, họ đành phải cay đắng ngậm ngùi lặng lẽ từ quan lui về ở ẩn. Can đảm như danh nho Chu Văn An thì dâng Thất sớ trảm, tâu vua xử trảm bảy tên nịnh thần rồi mới chịu lui về ở ẩn...

Trong thực tế, rất khó cho những nhà làm luật có thể đưa ra những định chế rõ ràng để chế tài việc nịnh hót. Bởi còn khó hơn “hối lộ tình dục”, hối lộ bằng “lời nói gió bay” đâu dễ có chứng cứ. Trong các “giao dịch” này, người “bị hại” đâu có phải là kẻ nịnh bợ hay kẻ được nịnh bợ, nên làm sao để có được sự tố giác? Thật hiếm hoi thì mới có được một vụ nịnh bợ tai tiếng như vụ “xe biển xanh rước phu nhân bộ trưởng tận thang máy máy bay”, và khi đã “luật hoá” cấm nịnh bợ, liệu có vụ nào tương tự dám ngang nhiên xuất hiện để những người thi hành pháp luật có cơ chế tài không? Lại nữa, cho dù khó, nhưng nếu giả định là đã xác định được một nhân thân nào đó phạm tội nịnh bợ, làm sao xác định được được là y ta nịnh bợ với động cơ trong sáng hay không trong sáng để có thể xử phạt?

Một triều đại có minh quân, một cơ quan có người lãnh đạo tài đức thì hầu như không có đất sống cho nịnh thần, bợ đỡ. Khi một vị quan đức độ, liêm khiết thì chẳng có một hình thức hối lộ nào có thể ảnh hưởng đến ông, dù đó là tiền bạc, của cải, tình dục hay những lời nịnh bợ, ton hót.

Chính vì vậy, đối với những việc mơ hồ, trừu tượng như nịnh hót, rất khó để định lượng mà xử phạt, chế tài. Chuyện loại trừ tệ nịnh bợ ra khỏi các cơ quan nhà nước có lẽ không cần đến “đao to búa lớn” như việc “luật hoá” mà chỉ cần việc tuyển chọn cho đúng những công bộc tài đức, liêm chính cho những vị trí lãnh đạo, điều hành công sở. Có phải chính vì việc thiếu những người lãnh đạo, quản lý tài đức, liêm khiết ở nhiều cơ quan nên tệ nịnh hót, bợ đỡ mới phổ biến đến mức Bộ Nội vụ phải ra luật cấm?

Vì vậy, nhiều người hẳn không biết nên khóc ròng hay cười trừ với dự luật cấm nịnh bợ sắp ban hành tới đây...

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ra luật cấm nịnh bợ hay tìm cơ chế tuyển dụng cán bộ thực tài, có lòng tự trọng?