Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định rằng Việt Nam đang có những thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm rau, thịt, hoa quả... sạch, không dùng thuốc trừ sâu và chất tạo nạc. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên hiện nay thực phẩm sạch vẫn chưa đến tay người tiêu dùng nhiều.
Đólà ý kiến được đưa ra tại hội thảo "Thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nữ nông dân" do Trung tâm Tây Bắc và Trung tâm CECAD cùng Tổ chức Kenan phối hợp tổ chức ngày 26.12 tại Hà Nội
Góp mặt tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định rằng Việt Nam đang đương đầu với những thách thức lớn về an toàn thực phẩm do tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm.
Tình trạng ô nhiễm môi trường sống cũng đang có những tác động xấu đến chất lượng thực phẩm, sức khỏe, sự an toàn và cuộc sống người tiêu dùng. Vì thế, hiện nay người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm mua sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và có thương hiệu uy tín trên thị trường.
Trước tình hình này, việc định hướng phát triển một nền nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trong xu thế hội nhập thế giới là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.
Theo xu hướng này, nông nghiệp hữu cơ được xem là một lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang đến một cuộc sống "sạch" theo đúng nghĩa cho người tiêu dùng.
Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp đi theo hướng nông nghiệp hữu cơ đã có nhiều sản phẩm hữu cơ được cấp giấy chứng nhận PGS (chứng nhận PGS là chứng nhận cấp cho các nhóm hoặc nhưngnông dân sản xuất tuân theo quy trình và các tiêu chuẩn PGS; đảm bảo sản phẩm được chứng nhận được sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ) từ rau củquả, thịt, tômcá, gạo, hoa quả, hải sản, đồ khô…
Tuy nhiên, hiện những sản phẩm này vẫn chưa có mặt nhiều ở thị trường nội địa. Giải đáp thực trạng ấy, ông Thái Anh Tuấn - đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Tâm Đạt cho rằng đó là do giá thành các sản phẩm hữu thường khá cao và bấp bênh so với sản phẩm thông thường cùng loại. Bên cạnh đó, những sản phẩm này còn thiếu tiêu chí nhận dạng thương hiệu sản phẩm; liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền vững nên tính cam kết còn yếu; người tiêu dùng vẫn chưa hiểu được những lợi ích rau hữu cơ mang lại vì trong nước chưa có đơn vị đứng ra đánh giá chất lượng.
Về phía Bộ Nông nghiệp -Phát triển Nông thôn, năm 2006 Bộ đã ban hành hành tiêu chuẩn ngành số 10TCN 602-2006 cho các sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chỉ như một nghị định hướng dẫn về mặt nguyên tắc sản xuất mà chưa có các hướng dẫn chi tiết về việc sản xuất hữu cơ.Do đó, người sản xuất hữu cơ không thể dựa vào đó để sản xuất hữu cơ, các cơ quan chứng nhận cũng không thể dựa vào đó để hướng dẫn, chứng nhận. Thực tế này khiến thời gian qua, một số công ty còn gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm hữu cơ có giá cao nhưng lại không có chứng nhận.
Từ đó, chuyên gia nông nghiệp Bùi Thị Bời cho rằng khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp hữu cơ là cả “đầu vào” và “đầu ra”. Khi mới bước vào lĩnh vực này, công ty phải tìm những nguồn cung cấp thực phẩm hữu cơ đảm bảo chất lượng, sau đó phải tìm cách liên kết chặt chẽ với người nông dân. Chi phí sản xuất cao nhưng "đầu ra" thì kém hiệu quả nên doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ kỳ vọng Nhà nước sớm có bộ quy định cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ để giúp doanh nghiệp khẳng định niềm tin với người tiêu dùng; người tiêu dùng cũng an tâm hơn khi phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm hữu cơ. Đây cũng là giải pháp thiết thực giúp "đầu vào" và đầu ra" của doanh nghiệp được ổn định hơn so với hiện nay.
Tuyết Nhung