Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thể chế là gì? Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý.

Sẽ phá bỏ rào cản về chính sách hạn điền để phát triển nông nghiệp

Trí Lâm | 26/12/2016, 20:10

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thể chế là gì? Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý.

Nhiều điểm nghẽn trong việc phát triển nông nghiệp

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triền khai kế hoạch 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, ba điểm sáng lớn mà ngành nông nghiệp đạt được năm qua là tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm; xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỉ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có chuyển biến căn bản, rõ nét.

Tại hôi nghị này, lãnh đạo các địa phương đều kiến nghị Bộ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong việc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao…

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng đạt doanh thu hàng tỉ đồng trên 1ha canh tác. Đồng thời phát triển nhanh về hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, không phải nợ đọng và góp phần cho việc khởi nghiệp cho thế hệ trẻ…

Do đó, Lâm Đồng kiến nghị cần xây dựng khu công nghệ cao tập trung. Khu này khác hoàn toàn với 10 khu công nghệ cao mà Thủ tướng đã quyết định; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự cho biết, để tái cơ cấu nông nghệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn và phát triển bền vững, hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh cần ưu tiên công nghệ và thị trường. Đây là 2 điểm nghẽn lớn.

Theo đó, cần phải đầu tư mạnh vào công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành. Sản xuất phải gắn kết từ nơi sản xuất cho đến bảo quản, vận chuyển, chế biến, hình thànhchuỗi giá trị, liên kết giữa hộ cá thể với hợp tác xã, doanh nghiệp. Nếu mỗi hộ một sản phẩm, một thương hiệu thì không thể thành công.

Cần phải điều chỉnh quy hoạch để phát triển sản phẩm có thế mạnh của địa phương, vùng và liên vùng, của quốc gia chứ không thể sản phẩm nào cũng mũi nhọn, chủ lực.

“Đề nghị điều chỉnh luật đất đai để tích tụ ruộng đất. Muốn có nền nông nghiệp công nghệ cao thì phải quy mô, muốn có quy mô thì dứt khoát phải điều chỉnh lại Luật Đất đai, không còn cách nào khác” – ông Cự nói.

Chia sẻ về rào cản đất đai, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, đất đai cần phải được chuyển dịch dễ dàng hơn từ những người nông dân có đất mà không thiết tha đến với doanh nghiệp.

Theo ông Phát, Điều 193 Luật Đất đai quy định chỉ được chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường. Vì vậyngười có vốn, có kinh nghiệm từ nơi khác muốn đến bỏ vốn đầu tư sẽ không được. Đây là điểm nghẽn lớn cần phải sửa đổi.

Một quy định khác nữa là tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tức là những nhà đầu tư có vốn chưa làm nông nghiệp thì cũng không được nhận. Điểm này cũng khiến việc đầu tư vào nông nghiệp thêm khó khăn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng rà soát lại các quy định về đầu tư công để có thể thực hiện tái đầu tư công trong nền kinh tế và toàn ngành. Bộ Nông nghiệp dù rất cố gắng cũng chỉ giải gần được hơn 80%, vướng mắc có nguyên nhân từ thủ tục rất phức tạp.

Không được tái cơ cấu trên giấy

Đánh giá nông nghiệp, nông thôn là trụ đỡ của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỉ USD với nhiều mặt hàng xuất khẩu “tỉ đô”, Thủ tướng cho rằng có thành quả đó phải cảm ơn người nông dân, ngư dân, người diêm dân đã lăn lộn một nắng hai sương vất vả canh tác, nhất là thời gian qua, thiên tai và nhân tai khủng khiếp nhất trong 10 năm trở lại đây ập đến Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, khu vực nông nghiệp, nông thôn còn khá nhiều bất cập. Đó là tình trạng hạn điền, “sản xuất li ti trong nông nghiệp còn phổ biến”, doanh nghiệp không thể làm lớn, tích tụ ruộng đất được.

Cùng với đó, doanh nghiệp trong nông nghiệp, hợp tác xã, khoa học trong nông nghiệp còn nhiều yếu kém; lao động nông thôn còn quá lớn, năng suất lao động thấp. Tình trạng an toàn thực phẩm, đầu vào trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống còn nhiều bất cập... Đây là những quả bom nguy hiểm đang treo trên đầu người dân.

Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: “Những thể chế nào, chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn không phát triển được hoặc chậm phát triển cần phải bãi bỏ. Thể chế là gì? Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý”.

Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị, không chạy theo sản lượng và số lượng. Theo đó, cần vừa phải lắng nghe người nông dân, vừa phải nghiên cứu xu hướng của thời đại trong phát triển nông nghiệp.

“Ngay sau hội nghị này, các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức triển khai quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp, không được tái cơ cấu trên giấy, tái cơ cấu nửa vời” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, với điều kiện “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, nông nghiệp Việt phải phát triển toàn diện hơn, đầu tư mạnh hơn cho lâm nghiệp, thủy hải sản, không chỉ dựa vào cây lúa và phải xây dựng nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ, hướng tới giá trị cao hơn.

Hoàng Long
Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ phá bỏ rào cản về chính sách hạn điền để phát triển nông nghiệp