Bắc Kinh đã thiết lập trung tâm giải quyết khủng hoảng Hồng Kông ở Thâm Quyến, và đang cân nhắc thay thế ông Vương Chí Dân (Wang Zhimin), chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hồng Kông.

Reuters: Trung Quốc lập khu giám sát Hồng Kông, cân nhắc thay chủ nhiệm Văn phòng liên lạc

26/11/2019, 18:19

Bắc Kinh đã thiết lập trung tâm giải quyết khủng hoảng Hồng Kông ở Thâm Quyến, và đang cân nhắc thay thế ông Vương Chí Dân (Wang Zhimin), chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hồng Kông.

Vương Chí Dân, Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hồng Kông - Ảnh: SCMP

Trong bối cảnh Hồng Kông đã rung chuyển trong 6 tháng qua bởi các cuộc biểu tình của phe ủng hộ dân chủ, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc trong những tháng gần đây đã đưa ra phản ứng từ một biệt thự ở ngoại ô Thâm Quyến - ranh giới giữa đặc khu và đại lục, bỏ qua bộ máy chính thức mà Bắc Kinh sử dụng để giám sát trung tâm tài chính này trong suốt 2 thập kỷ.

Thông thường, thông tin liên lạc giữa Bắc Kinh và Hồng Kông được thực hiện thông qua một cơ quan của chính phủ Trung Quốc: Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hồng Kông, được đặt trong một tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông xếp chồng với nhiều camera giám sát, bao quanh bởi hàng rào thép và một quả cầu thủy tinh được đặt trên nóc tòa nhà.

Trong một dấu hiệu được cho là không hài lòng với cách xử lý khủng hoảng của văn phòng trên, Bắc Kinh đang xem xét việc thay thế giám đốc của cơ quan này, ông Vương Trí Dân (Wang Zhimin) - quan chức cao cấp nhất về chính trị của đại lục tại Hồng Kông, Reuters hôm 26.11 dẫn hai nguồn thạo tin tiết lộ.

Văn phòng đã hứng chỉ trích ở Hồng Kông và Trung Quốc vì đánh giá sai tình hình đặc khu hành chính này. "Văn phòng chỉ liên lạc với những người giàu có và thượng lưu ở Hồng Kông và tự cô lập với người dân. Điều này phải được thay đổi", một quan chức Trung Quốc cho hay.

Văn phòng Liên lạc cũng phải đối mặt với áp lực gia tăng khi phe dân chủ Hồng Kông giành được hơn 80% số ghế tại hội đồng quận ở Hồng Kông trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật tuần trước 24.11.

Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao thuộc Quốc vụ viện và Văn phòng liên lạc Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hồng Kông không phản hồi thông tin trên từ báo giới. Văn phòng của Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cũng từ chối bình luận.

Tòa nhà của Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hồng Kông - Ảnh: Internet

Biệt thự Bauhinia (Dương Tử Kinh)

Theo nguồn tin của Reuters, trung tâm giải quyết khủng hoảng được đặt tại biệt thự Bauhinia hẻo lánh, một tòa nhà thuộc sở hữu của Văn phòng Liên lạc Hồng Kông. Bauhinia là tên khoa học của loài hoa phong lan được in trên cờ và tiền Hồng Kông - Dương Tử Kinh.

Ngôi biệt thự, nằm ngay bên kia ranh giới Hồng Kông với đại lục, đã từng là một trung tâm giải quyết khủng hoảng trước đây: Các quan chức cao cấp của Trung Quốc đã ở lại khu nghỉ dưỡng này khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ "Dù Vàng" gây chấn động Hồng Kông hồi năm 2014.

Các quan chức hàng đầu của đại lục đã tập trung tại khu nghỉ dưỡng này để vạch ra chiến lược và đưa ra phương hướng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông. Chính quyền Bắc Kinh đã triệu tập các quan chức Hồng Kông tại đây trong suốt năm tháng qua khi các cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng dữ dội, các nguồn tin cho biết.

Trong số những người đã tham dự các cuộc họp tại biệt thự này, có lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), người vào tháng 9 đã hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi vốn châm ngòi cho các cuộc biểu tình, với sự chấp thuận của lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Các cảnh sát Hồng Kông, lãnh đạo doanh nghiệp và các chính trị gia địa phương ủng hộ Bắc Kinh cũng đã được triệu tập đến căn biệt thự này.

Bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của các hoạt động tại đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận được biên bản các cuộc họp hàng ngày từ Biệt thự Bauhinia, các quan chức Trung Quốc đại lục và Hồng Kông được cho biết với điều kiện giấu tên, do sự nhạy cảm của vấn đề.

Một doanh nhân người Thâm Quyến có quan hệ mật thiết với các quan chức Trung Quốc cũng đã mô tả tổ hợp biệt thự này là một “trung tâm chỉ huy tiền tuyến”, nơi chính quyền đang sử dụng làm căn cứ để điều phối và giám sát tình hình Hồng Kông trong một môi trường an toàn. Khu phức hợp này có rất nhiều người, doanh nhân này nói.

Các nhà ngoại giao cho biết việc thành lập biệt thự Thâm Quyến như một trung tâm giải quyết khủng hoảng với kênh liên lạc thẳng tới lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy sự nghiêm trọng của tình hình tại Hồng Kông.

Khung cảnh ven hồ của biệt thự, trong một khu vực nhiều cây cối, cho phép các quan chức Bắc Kinh và Hồng Kông tránh xa sự chú ý từ truyền thông Hồng Kông và tình trạng hỗn loạn trên những con đường bị tắc nghẽn bởi dòng người biểu tình.

Bên ngoài biệt thự "hẻo lánh" Bauhinia - Ảnh: Reuters

Song hành với trụ sở chính

Việc sử dụng Biệt thự Bauhinia để quản lý khủng hoảng đã thiết lập một kênh bổ sung cho hệ thống mà Bắc Kinh dùng để giám sát Hồng Kông sau khi Trung Quốc giành lại quyền kiểm soát đặc khu tài chính này từ Anh năm 1997.

Văn phòng Liên lạc, chịu trách nhiệm báo cáo cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, từ lâu đã đóng vai trò là nền tảng để Bắc Kinh gây ảnh hưởng tại Hồng Kông. Văn phòng này thúc đẩy mối quan hệ với chính quyền Hồng Kông cũng như các nhân vật chủ chốt và một loạt các nhóm thân Bắc Kinh và các nhóm giới trẻ, bao gồm các hiệp hội doanh nghiệp và các cộng đồng từ các tỉnh và các khu vực khác thuộc Trung Quốc.

"Tình hình Hồng Kông đang ngày càng khiến chính quyền Bắc Kinh khó chịu. Do vậy, mong muốn của họ về an ninh và toàn quyền hành động, chính là lý do họ chọn Thâm Quyến chứ không phải Hồng Kông làm một trụ sở chính song song để đối phó với cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông", nhà bình luận chính trị kỳ cựu của Hồng Kông Sonny Lo cho biết.

Giới chức cấp cao Trung Quốc ban đầu đã cố gắng tìm một điểm trung gian giữa việc không đáp ứng yêu cầu của người biểu tình, trong khi cố gắng tránh một cuộc đàn áp bằng vũ lực có thể phá hủy tầm vóc của Hồng Kông như một trung tâm tài chính, theo nguồn tin của Reuters. Bắc Kinh tìm cách tỏ ra rằng không can thiệp vào Hồng Kông ngay cả khi 1 triệu người đã xuống đường biểu tình vào ngày 9.6.

Tuy nhiên, ngay sau màn trình diễn thách thức hàng loạt đó, nhà lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc phụ trách các vấn đề Hồng Kông đã hành động. Vị quan chức đó, Phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng), đã ủy quyền cho trưởng đặc khu Lâm liên lạc trực tiếp với văn phòng của ông thay vì thông qua Văn phòng Liên lạc và thiết lập một đường dây nóng một cách hiệu quả.

Sau đó, các quan chức cấp thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, Bộ An ninh Nhà nước, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và các bộ khác đều đã đến biệt thự này, Reuters dẫn nguồn tin thể hiện việc Bắc Kinh đã đánh giá tình hình tại Hồng Kông nghiêm trọng đến mức nào.

Hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc đã giám sát Hồng Kông bằng cách thông qua sử dụng biệt thự Bauhinia để liên lạc chặt chẽ hơn với các nhà lãnh đạo Hồng Kông, trong khi vẫn ở phía sau hậu trường.

Người đầu tiên là ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao. Ông Trương đã có mặt thường xuyên tại biệt thự trong cuộc khủng hoảng. Người còn lại là Phó Thủ tướng Hàn Chính. Một ngày sau khi những người biểu tình ngăn chặn lối vào cơ quan lập pháp của Hồng Kông vào ngày 12.6, ông Hàn đã đến biệt thự Bauhinia và triệu tập trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đến họp.

Biệt thự Bauhinia từ lâu đã là tiền đồn cho các liên lạc của Trung Quốc đại lục với đặc khu tài chính Hồng Kông. Ngoài vai trò là trung tâm giải quyết khủng hoảng trong các cuộc biểu tình năm 2014, biệt thự này còn được sử dụng làm địa điểm trọng yếu để các quan chức Trung Quốc gặp gỡ các nhân vật Hồng Kông, với các cơ sở lưu trú và không gian rộng rãi cho các hội nghị và sự kiện. Bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có thời gian dừng chân tại Bauhinia trước khi ông lên nắm quyền vào năm 2012 và trồng một cây bên trong khu nghỉ dưỡng bên hồ.

Hoàng Vũ (theo Reuters)

Bài liên quan
Hãng robot hình người hàng đầu Mỹ tham gia cuộc đua công nghệ chạy bằng điện do Trung Quốc thống trị
Boston Dynamics, một trong những công ty robot hàng đầu thế giới, tuyên bố sẽ ngừng phát triển robot hình người chạy bằng thủy lực và thay vào đó tập trung chế tạo robot chạy bằng động cơ điện. Đây là phân khúc mà các hãng công nghệ Trung Quốc đang ngày càng thống trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Reuters: Trung Quốc lập khu giám sát Hồng Kông, cân nhắc thay chủ nhiệm Văn phòng liên lạc