Kỷ nguyên tự động hóa đang đe dọa trở thành báo động đỏ cho các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á, khi chiến lược phát triển kinh tế quen thuộc trong hàng thập kỷ qua dựa trên thâm dụng lao động giá rẻ và xuất khẩu đang có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Robot Trung Quốc và nỗi lo cho các láng giềng nhỏ

Nhàn Đàm | 23/06/2017, 10:05

Kỷ nguyên tự động hóa đang đe dọa trở thành báo động đỏ cho các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á, khi chiến lược phát triển kinh tế quen thuộc trong hàng thập kỷ qua dựa trên thâm dụng lao động giá rẻ và xuất khẩu đang có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Thế giới đang dần bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nơi được dự báo sẽ tạo ra sự thay đổi lớn nhất trong cách thức sản xuất cũng như điều hành và quản lý các nền kinh tế trên thế giới từ trước đến nay. Tại các nền kinh tế mới nổi, các nhà lãnh đạo quốc gia đang cố gắng tìm cách giảm thiểu những tác động mà sự tự động hóa, một thành tố quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có thể gây ra với những ngành sản xuất thâm dụng lao động quy mô lớn của mình trong tương lai gần. Nhưng dường như, những gì mà kỷ nguyên tự động hóa có thể tạo ra còn lớn hơn thế rất nhiều: nó đang đe dọa trở thành một báo động đỏ cho các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á, khi chiến lược phát triển kinh tế quen thuộc dựa trên thâm dụng lao động giá rẻ và xuất khẩu đang có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Mất khoảng 30 phút đi xe hơi từ Korla (thuộc Tân Cương, Trung Quốc), xuyên qua một sa mạc để đến được nhà máy sản xuất hàng dệt may khổng lồ mới được xây dựng của tập đoàn Jinsheng. Nhà máy này có tổng số vốn đầu tư lên tới 16 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2,4 tỉ USD) với các nhà xưởng và kho chứa hàng hóa quy mô lớn. Tuy nhiên, nó lại vô cùng vắng vẻ. Chỉ có thể quan sát được một vài kỹ sư người Đức thỉnh thoảng mới xuất hiện, họ chịu trách nhiệm quan sát và đảm bảo các dây chuyền sản xuất tự động hoạt động ổn định với hiệu quả cao nhất. Những gì đang diễn ra tại nhà máy sản xuất hàng dệt may tự động của tập đoàn Jinsheng được xem là viễn cảnh sẽ xảy ra trong tương lai gần của ngành dệt may, lĩnh vực đóng vai trò chủ chốt vô cùng quan trọng đã đưa hàng triệu người châu Á thoát khỏi đói nghèo.

Nhà máy sản xuất hàng dệt may của Jinsheng có diện tích lên tới khoảng 15 triệu feet vuông, gấp hơn 5 lần tổng diện tích sàn của tòa tháp Empire State Building ở New York, nhưng nó chỉ cần khoảng vài trăm công nhân cho mỗi ca sản xuất. Ông Pan Xueping, chủ tịch đồng thời là giám đốc điều hành của nhà máy, cho biết: “Dệt may là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, tuy nhiên khoa học công nghệ đangbiến nó trở thành một ngành sử dụng lao động ở mức độ ít nhất có thể”.

Trên thực tế, công ty của Pan Xueping đang ở vị trí tiên phong của một xu hướng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tàn phá khủng khiếp đối với các quốc gia nghèo nhất châu Á. Sản xuất quần áo, giày dép và những mặt hàng tương tự với chi phí thấp chính là những nấc thang đầu tiên mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác đã phải đi qua trên con đường thoát khỏi nghèo đói sau thế chiến thứ 2. Trong suốt nhiều thập kỷ, cách thức phát triển này đã trở thành một mô hình quen thuộc ở châu Á: khi một số nền kinh tế bắt đầu chuyển sang những lĩnh vực phức tạp hơn như điện tử, thì các nước nghèo hơn ngay lập tức thế chỗ vị trí trong các ngành như dệt may bằng cách cung cấp lao động quy mô lớn với giá thành rẻ.

Nói cách khác, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đi liền với kỷ nguyên tự động hóa, mô hình phát triển quen thuộc này ở châu Á đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn. Cánh cửa đang khép lại với các nền kinh tế mới nổi như Campuchia hay Myanmar, họ sẽ không có được cơ hội mà Trung Quốc đã có trong quá khứ. Ở thời điểm hiện tại, Bangladesh, Campuchia và Myanmar đang trong giai đoạn tiến lên những nấc thang đầu tiên của mô hình quen thuộc này. Nhưng, thay vì chuyển nhà xưởng sản xuất sang các nước này để tận dụng giá lao động rẻ, thì các công ty Trung Quốc lại đang tiến hành mở rộng xây dựng các nhà xưởng sử dụng robot và những dây chuyền sản xuất tự động hóa ở quê nhà.

Sự chuyển đổi chết người này, đang có vẻ như diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà lãnh đạo ở những nền kinh tế mới nổi. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc bắt đầu đưa các dây chuyền sản xuất tự động sử dụng robot thay thế công nhân có thể sẽ chỉ mất khoảng 2 năm mà thôi.

Theo Chang Jaehee, nhà nghiên cứu về sản xuất tiên tiến thuộc ILO, thì sẽ có khoảng hơn 80% công nhân trong lĩnh vực dệt may ở các quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ bị mất việc do tự động hóa, nghĩa là hàng chục triệu người. Điều này nếu xảy ra có thể dẫn tới những bất ổn dân sự và xã hội nghiêm trọng, trong khi đó những giải pháp để các chính phủ đưa ra cải thiện tình hình thì vẫn chưa có nhiều.

Một chút hy vọng mà các nền kinh tế mới nổi có thể dựa vào, đó là việc máy móc và robot hiện vẫn chưa thực hiện được một số công đoạn cắt may phức tạp, và chi phí để sản xuất các robot có thể thực hiện các công đoạn này đắt hơn nhiều so với lao động thủ công. Tuy nhiên, không có gì là không thể. Công ty khởi nghiệp SoftWear Automatic ở Atlanta (Mỹ) đã thử nghiệm tương đối thành công các mẫu robot thực hiện các kỹ thuật cắt may phức tạp. Vào năm 2015, startup này đã bắt đầu bán ra các robot này cho một số công ty Mỹ, doanh thu của công ty đã tăng lên 1.000% vào năm 2016 và dự kiến sẽ có mức tăng tương tự trong năm 2017 khi đơn đặt hàng đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc ngày càng lớn.

Những người thua cuộc lớn nhất trong xu hướng này sẽ là những nền kinh tế mới nổi, các nước nghèo đang ở mức phát triển cơ bản là dựa vào lao động giá rẻ để xây dựng sự thịnh vượng cho mình. Khi tiền lương tăng mạnh ở Trung Quốc, nhà sản xuất vali Transit Luggage Co.Ltd có trụ sở tại thành phố Dongguan đã đứng trước hai lựa chọn: chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam nơi có giá lao động rẻ hơn, hoặc đầu tư vào các dây chuyền tự động tại các nhà xưởng trong nước. Các nhà quản lý của công ty đã chọn phương án hai.

Theo giám đốc phụ trách bán hàng của công ty là Yang Yuanping, một robot có năng suất bằng khoảng 30 công nhân, và hiện tại Transit Luggage đang có quy mô sản xuất gấp 3 lần so với cách đây một thập kỷ nhưng lại sử dụng số lao động thấp hơn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phân nửa vấn đề. Transit Luggage hiện đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh từ các quốc gia khác cũng đang thúc đẩy tự động hóa mạnh mẽ, như Ba Lan và Cộng hòa Séc, vì tự động hóa đang cho phép các nước châu Âu lần đầu tiên có thể cạnh tranh về giá cả vốn là thế mạnh của các nền kinh tế châu Á.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Robot Trung Quốc và nỗi lo cho các láng giềng nhỏ