Thị trường bất động sản đang có cả “rừng” văn bản pháp luật với thủ tục rườm rà, xung đột như một ma trận, làm nản lòng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

‘Rừng’ thủ tục như ‘ma trận’ bủa vây doanh nghiệp bất động sản

Phan Diệu | 27/11/2020, 15:54

Thị trường bất động sản đang có cả “rừng” văn bản pháp luật với thủ tục rườm rà, xung đột như một ma trận, làm nản lòng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thông tin này được các chuyên gia cho biết tại hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức sáng 27.11.

Thủ tục bủa vây thị trường bất động sản

Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nói rằng trong 10 năm qua, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu không ổn định và phát triển thiếu bền vững. Điều này thể hiện qua sự thăng trầm của thị trường bất động sản. Có thời điểm, thị trường đã xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, có lúc sốt nóng "bong bóng", có lúc bị "đóng băng", có lúc phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Điển hình như khủng hoảng "bong bóng" năm 2007; "đóng băng" năm 2008; phục hồi năm 2009. Sau đó lại "bong bóng" năm 2010; "đóng băng" trong các năm 2011-2013; phục hồi từ năm 2014; tăng trưởng cao trong các năm 2015-2017; gặp khó khăn lớn trong các năm 2018-2020.

Kể từ tháng 3.2020, đại dịch COVID-19 cũng đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản. Thế nhưng, từ tháng 8.2020 đến nay, đi đôi với việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch, thị trường bất động sản đã từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Chủ tịch HoREA cho rằng trong lĩnh vực bất động sản thì hoạt động đầu tư kinh doanh dự án nhà ở thương mại có nhiều yếu tố đặc thù, nên rất cần có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp. Tuy nhiên, ông Châu nói rằng hiện nay có cả “rừng” văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản.

“Nhìn chung thủ tục rất rườm rà, phức tạp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, xung đột như một ma trận làm nản lòng nhà đầu tư. Do những vướng mắc về thể chế pháp luật mà tại TP.HCM, từ tháng 12.2015 đến tháng 9.2018 đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ngừng triển khai vì ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng”, ông Châu thông tin.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói rằng trong 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam trải qua 4 lần thay đổi, bao gồm giai đoạn 2009 – 2010 phát triển nóng do nới lỏng tín dụng, giai đoạn 2011 – 2013 trầm lắng, đóng băng.

Sang giai đoạn 2014 – 2019, thị trường phục hồi và phát triển trở lại. Còn giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tồn tại. Điển hiình như hệ thống pháp luật liên quan còn chồng chéo, chưa đồng bộ; cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp tại một số địa phương; dư thừa nguồn cung nhà ở trung, cao cấp nhưng lại thiếu nhà ở thương mại giá thấp…

Đặc biệt, thị trường hiện vẫn còn tình trạng nhiều dự án nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng, bền vững, vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng.

tt-bds-tphcm-mua-ban-sap-nhap.jpg
Thị trường bất động sản đang lệch pha cung - cầu, phát triển thiếu ổn định

Thị trường phát triển chưa bền vững

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng thị trường bất động sản hiện vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa bền vững, có nguy cơ mất ổn định.

Theo ông Hiển, việc phát triển bất động sản có nơi chưa theo quy hoạch, không có kế hoạch, chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện. Trong khi đó, chính sách phát triển thị trường bất động sản còn tồn tại nhiều hạn chế.

Chính sách về đất đai cũng chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài. Vai trò của Nhà nước trong kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản thông qua thị trường quyền sử dụng đất sơ cấp chưa thực sự hiệu quả.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Đức Hiển nhìn nhận thị trường bất động sản còn dư địa lớn phát triển, nhu cầu nhà ở 2021 – 2030 tiếp tục gia tăng, nhất là tại các đô thị.

Đáng chú ý, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nói rằng trong năm 2020, cơ quan này sẽ nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung 3 nghị định liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội, xây dựng lại nhà chung cư và dự án nhà ở thương mại.

Đặc biệt, Nhà nước còn đẩy mạnh mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ giá thấp, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ chi phí thực hiện trong đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản gắn với việc tăng cường kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn không để thị trường “sốt”, “nóng” hoặc “đóng băng”.

Bài liên quan
Doanh nghiệp bất động sản hết thời ồ ạt phát hành trái phiếu
Hiện nay, sức hút trái phiếu đã nguội dần nên các doanh nghiệp bất động sản cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại sử dụng kênh tín dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Rừng’ thủ tục như ‘ma trận’ bủa vây doanh nghiệp bất động sản