Phiên chất vấn sẽ được tổ chức theo hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn” (người hỏi đặt 1 câu hỏi, người trả lời giải đáp ngay). Mỗi đại biểu hỏi 1 câu chỉ 1 phút và Bộ trưởng trả lời mỗi câu trong 3 phút. 3 đại biểu hỏi 3 câu một lúc để Bộ trưởng trả lời 3 câu trong 9 phút, nếu quá thì sẽ cắt.

Rút ngắn thời gian họp kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ ‘hỏi nhanh, đáp gọn’

Trí Lâm | 17/04/2018, 13:55

Phiên chất vấn sẽ được tổ chức theo hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn” (người hỏi đặt 1 câu hỏi, người trả lời giải đáp ngay). Mỗi đại biểu hỏi 1 câu chỉ 1 phút và Bộ trưởng trả lời mỗi câu trong 3 phút. 3 đại biểu hỏi 3 câu một lúc để Bộ trưởng trả lời 3 câu trong 9 phút, nếu quá thì sẽ cắt.

Sáng 17.4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019.

Dự kiến, kỳ họp thứ 5 cũng diễn ra trong thời gian ngắn nhất từ Quốc hội khoá 12 đến nay khi khai mạc ngày 21.5, bế mạc ngày 14.6.

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét 16 dự án luật, thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết. Trong đó, có 1 dự án luật điều chỉnh 13 luật khác theo hình thức rút gọn. 4 dự án Luật được rút ra khỏi dự kiến chương trình là Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Dân số để tiếp tục hoàn thiện. Rút các báo cáo công tác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Kỳ họp tới, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.

Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Đồng thời, xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn sẽ được tổ chức theo hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn” (người hỏi đặt 1 câu hỏi, người trả lời giải đáp ngay). Mỗi đại biểu hỏi 1 câu chỉ 1 phút và Bộ trưởng trả lời mỗi câu trong 3 phút. 3 đại biểu hỏi 3 câu một lúc để Bộ trưởng trả lời 3 câu trong 9 phút, nếu quá thì sẽ cắt.

Hình thức hỏi đáp này đã được thí điểm tại phiên họp thứ 22 UBTVQH (3.2018) với việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh.

“Đây là áp lực rất lớn đối với Bộ trưởng trước gần 500 đại biểu, hàng trăm nhà báo, hàng triệu cử tri theo dõi trực tiếp. Vì thế, chúng ta cũng cần chia sẻ với các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn tại hội trường”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Nhiều cử tri nhắn tin cho tôi hoan nghênh cách chất vấn như vậy: Hấp dẫn, tăng cường đối thoại, lại tránh được tình trạng hỏi trùng lặp; rồi hỏi nhiều câu quá thì người trả lời nghe, ghi chép không kịp nên khi trả lời không đầy đủ”.

Tại kỳ họp này cũng không gợi ý thảo luận bằng văn bản nữa, mà gợi ý vào ngay trong báo cáo thẩm tra để đại biểu nghiên cứu, lựa chọn vấn đề quan tâm để thảo luận.

Ngoài ra, Tổng thư ký Quốc hội cũng đề nghị tăng cường hơn nữa việc truyền hình trực tiếp các nội dung của kỳ họp trên kênh Truyền hình Quốc hội. Đồng thời, bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp một số nội dung về: giám sát chuyên đề; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); quyết toán ngân sách nhà nước (kết hợp thảo luận cùng kinh tế-xã hội và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí).

Bên cạnh đó, cần chủ động thông tin nhiều chiều về các dự án luật, tránh hiện tượng nhiều vấn đề mà UBTVQH chưa nghe ý kiến mà trên mạng xã hội đã ồn ào, cơ quan soạn thảo bị “ném đá”.

Trước đó, trao đổi với phóng viên báo điện tửMột Thế Giới, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên-Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ hình thức chất vấn này sẽ tạo thêm nhiều áp lực đối với người bị chất vấn.

“Như trong cuộc chất vấn vào chiều 19.3 thì đúng là áp lực rất lớn đối với các đồng chí Bộ trưởng, bởi vì, đại biểu hỏi trăm hoa đua nở, không phải lĩnh vực nào cũng có ngay số liệu. Áp lực rất lớn, mà trả lời chung chung thì đại biểu lại đánh giá không nắm được vấn đề. Bây giờ 170 người hỏi biết thế nào mà chuẩn bị được”, ông Kiên nói.

Vị này cũng nêu ví dụ như Bộ Tư pháp, “Bộ này làm sao mà biết hết được các nghị quyết của HĐND đã ban hành. Chỉ khi người ta ban hành và phản ánh trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị thì Bộ Tư pháp cũng mới biết, vậy thì phải đọc và tìm hiểu một thời gian sau mới biết được chứ không phải lúc nào cũng ngay và luôn nắm được những điều ấy”.

Do đó, ông Kiên cho rằng đây cũng là áp lực khi mà đại biểu hai bên không chia sẻ cùng nhau thì dễ có những cái hai bên không cảm thông, rất nguy hiểm. Cho nên rủi ro nhiều, rủi ro cho cả người hỏi và người trả lời.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rút ngắn thời gian họp kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ ‘hỏi nhanh, đáp gọn’