Ba phần tư đất đai của Trái đất trở nên khô cằn hơn trong những thập kỷ gần đây, Liên Hợp Quốc cho biết
Kiến thức - Học thuật

Sa mạc hóa do biến đổi khí hậu đang đẩy châu Âu vào nguy hiểm

Anh Tú 18:10 10/12/2024

Ba phần tư đất đai của Trái đất trở nên khô cằn hơn trong những thập kỷ gần đây, Liên Hợp Quốc cho biết

Vào 9/12, tại hội nghị thượng đỉnh do Liên Hợp Quốc về ngăn chặn sa mạc hóa tổ chức ở Riyadh, Ả Rập Saudi, các nhà khoa học đã phát đi cảnh báo. Họ cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra đã góp phần làm tăng tình trạng khô hạn trên mọi châu lục.

Cuộc chiến chống khô hạn

Từ miền Tây nước Mỹ đến miền Đông Trung Quốc, hơn ba phần tư đất đai của Trái đất liên tục trở nên khô cằn hơn trong những thập niên gần đây. Báo cáo mới của Liên Hợp Quốc gọi sự thay đổi này là "mối nguy hiểm hiện hữu trên toàn cầu".

Báo cáo cho biết khí thải công nghiệp làm nóng hành tinh là thủ phạm chính. Nếu các quốc gia không ngăn chặn nhiệt độ tăng, tình trạng khô hạn có thể khiến nhiều nơi hơn phải hứng chịu bão cát và bụi, cháy rừng, thiếu nước, mất mùa và sa mạc hóa. Báo cáo cũng cho biết gần dân số sống ở những khu vực thiếu độ ẩm, đã tăng từ một phần năm vào năm 1990 lên một phần ba.

Narcisa Pricope là một trong những tác giả của báo cáo, đồng thời là nhà khoa học về hệ thống đất đai tại Đại học bang Mississippi. Theo Tiến sĩ Pricope, nhiều nơi trong số này là những nơi sản xuất lương thực chính, chẳng hạn như Argentina, Tây Ban Nha và khu vực Biển Đen. Những nơi khác, như Nam Sudan, dễ bị xung đột và bất ổn chính trị. Tiến sĩ Pricope cảnh báo cuộc khủng hoảng khô hạn đang diễn ra "trong cuộc đời chúng ta" và nhấn mạnh: "Điều này đang ảnh hưởng đến con em chúng ta".

Trên toàn thế giới trong những năm gần đây, gần 1 triệu cây số vuông đất đai màu mỡ của hành tinh đã bị thoái hóa hằng năm. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Chống sa mạc hóa đã có từ 30 năm trước, các quốc gia đã cam kết ngăn chặn sự tàn phá này.

Hội nghị thượng đỉnh về sa mạc hóa là hội nghị lớn đầu tiên của Liên hợp quốc tổ chức tại Ả Rập Saudi, nơi có một trong những sa mạc lớn nhất trên Trái đất. Nhưng với tư cách là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, quốc gia này đang chịu xung đột lợi ích với các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tác hại đối với môi trường.

Tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc tại Azerbaijan vào tháng trước, các nhà đàm phán cho biết phía Saudi vẫn chưa mặn mà với việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch mặc dù họ là một trong gần 200 quốc gia đã tán thành cam kết này vào năm ngoái..

Báo cáo được công bố vào 9/12 đã nêu ra các hành động có thể tăng cường khả năng phục hồi của đất theo hướng xã hội hóa, gồm cả việc xem xét lại nơi trồng các loại cây trồng cần nhiều nước như lúa mì và cỏ linh lăng. Nhà khoa học hàng đầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống sa mạc hóa, Barron Orr cho biết những nơi chịu thách thức về nước trong thời gian dài, chẳng hạn như Los Angeles hiện đã và đang khám phá những thay đổi như vậy.

Tiến sĩ Orr cho biết: "Tôi không nói rằng điều đó dễ dàng, nhưng ít nhất họ biết cách thực hiện", nhưng thừa nhận: "Điều đó sẽ không đúng đối với nhiều khu vực đô thị rất lớn trên khắp thế giới".

Châu Âu mất nước, châu Phi có thể hưởng lợi

samac.jpg
Châu Âu đang nứt nẻ nhiều hơn thời gian gần đây

Những nơi mà các nhà khoa học phân loại là vùng đất khô cằn không chỉ phải đối mặt với tình trạng thỉnh thoảng hạn hán. Tình trạng liên tục hơn là thiếu độ ẩm: Lượng nước thoát khỏi mặt đất thông qua quá trình bốc hơi và hơi nước do thực vật giải phóng nhiều hơn là nước lượng nước tiếp nhận từ mưa hoặc tuyết.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tính đến năm 2020, hơn 40% diện tích đất của Trái đất (không tính Nam Cực) được coi là vùng đất khô cằn. Báo cáo cho biết việc có thêm bao nhiêu diện tích đất bị khô cằn trong thế kỷ này phụ thuộc vào mức độ chúng ta sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tiến sĩ Pricope cho biết: "Miễn là chúng ta tiếp tục làm ấm bầu khí quyển, về cơ bản bầu khí quyển sẽ cần nhiều nước hơn". Khí quyển cần nhiều nước hơn tức là bề mặt sẽ bị hút nước nhiều hơn.

Theo báo cáo, châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương. Hơn 95% diện tích đất đai của lục địa này đã trở nên khô cằn hơn trong những thập niên gần đây và xu hướng này có thể gia tăng nếu lượng khí thải tăng lên mức rất cao.

Ngược lại, một số khu vực khô cằn có thể trở nên ẩm ướt hơn khi hành tinh nóng lên, chẳng hạn như một số vùng ở Trung Phi và Ấn Độ. Với bầu khí quyển ấm hơn, mưa và tuyết có thể rơi thành từng đợt lớn hơn, ở một số khu vực có thể giúp bù đắp cho tình trạng khô hạn gia tăng do nhiệt độ cao hơn.

Nhà khoa học về nước và khí hậu Peter Greve tại viện nghiên cứu Helmholtz-Zentrum Hereon ở Đức, cho biết hậu quả về môi trường của xu hướng khô hạn không phải lúc nào cũng có thể đảo ngược, ít nhất là không phải theo thang thời gian của đời người.

Tiến sĩ Greve cho biết: "Ở những vùng đất khô hạn này, nhiều hệ sinh thái đã thích nghi rất tốt với các điều kiện hiện tại". Ông cho biết, thật nhẹ nhõm khi nghĩ rằng thực vật và các sinh vật khác có thể chỉ cần dịch chuyển về phía bắc hoặc lên những vùng cao hơn để thích nghi với điều kiện ấm hơn. Nhưng ông nói thêm: "Đôi khi điều đó là không thể, nếu những thay đổi diễn ra quá nhanh".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên 40, xem xét nhiều nội dung quan trọng
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Sáng 10.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTBQH) khai mạc phiên họp thứ 40 nhằm xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sa mạc hóa do biến đổi khí hậu đang đẩy châu Âu vào nguy hiểm