Tập đoàn điện tử Samsung quyết tâm ngưng dùng nhiên liệu hóa thạch, và sẽ sử dụng điện sạch cho các hoạt động toàn cầu từ năm 2050.
Đây là một mục tiêu đầy thách thức, với các chuyên gia nhận định nó có thể cản trở các cam kết ít ỏi của Hàn Quốc trong việc chống biến đổi khí hậu (BĐKH), theo AP ngày 15.9.
Nhà máy Samsung ở Việt Nam sẽ dùng điện sạch từ cuối năm 2022
Trong tuyên bố mục tiêu hôm 15.9, Samsung Electronics cho biết hãng muốn đạt đến mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 từ năm 2030 đối với các nhánh sản xuất điện thoại, truyền hình và thiết bị dùng điện, và từ năm 2050 đối với toàn bộ hoạt động cấp toàn cầu gồm cả lĩnh vực chất bán dẫn.
Các hoạt động tại Việt Nam, nơi có cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của Samsung, sẽ sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo vào cuối năm nay, theo báo Korea Herald ngày 15.9.
Samsung lên kế hoạch đầu tư 7 ngàn tỷ won ( 5 tỉ USD) cho đến năm 2030, vào các dự án giảm thải phát khí carbon từ việc dùng gaz trong quá trình sản xuất chip bán dẫn, kiểm soát và tái chế rác điện tử, tích trữ nước và hạn chế các chất gây ô nhiễm.
Hãng còn dự tính phát triển các công nghệ mới nhằm giảm tiêu thụ điện các thiết bị dùng điện và các trung tâm dữ liệu vốn đòi hỏi có nhiều chip ghi nhớ hiệu quả. Samsung cũng sẽ đặt mục tiêu giảm thải phát khí C02 ở các chuỗi hậu cần và cung ứng.
Samsung cũng cam kết sẽ làm việc để phát triển các chip nhớ siêu tiết kiệm điện được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu và thiết bị di động vào năm 2025.
Hơn nữa, các mặt hàng thiết bị gia dụng, TV và điện thoại thông minh của hãng sẽ sử dụng ít năng lượng hơn 30% vào năm 2030, so với những sản phẩm được sản xuất vào năm 2019.
Các nhà máy sản xuất chip của Samsung cũng sẽ chuyển sang sử dụng các công nghệ thu nhận và lưu trữ carbon, với mục tiêu đưa vào sử dụng từ năm 2030. Tất cả các loại xe do Samsung sản xuất sẽ chạy bằng điện hoặc hydro vào năm 2027.
Tổng giám đốc Samsung, ông Han Jong-hee viết trong tuyên bố: “Samsung gánh vác trách nhiệm ứng với những mối họa từ BĐKH với một kế hoạch toàn diện gồm giảm lượng khí thải, các thực hành bền vững mới và phát triển các công nghệ và sản phẩm sáng tạo tốt hơn cho hành tinh của chúng ta”.
Samsung chưa tham gia RE100
Kế hoạch hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo là một sự chuyển đổi lớn của Samsung, một “khổng lồ” về chip bộ nhớ máy tính, điện thoại thông minh, các thiết bị sử dụng công nghệ thông tin (IT) và tiêu thụ điện nhiều nhất thế giới.
Các mục tiêu phát triển xanh này sẽ được bảo đảm, từ việc Samsung sẽ tham gia sáng kiến RE100 vốn có 380 công ty thành viên, gồm các đối thủ công nghệ như Apple.
ER100 nhắm đạt 100% nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Samsung được xem là một trong những công ty công nghệ cuối cùng chưa tham gia ER100. Hãng chưa cho biết khi nào sẽ tham gia.
Samsung từ lâu cũng bị “soi” việc quá lệ thuộc nguồn nhiên liệu hóa thạch. Hồi tháng 4 có 40 tổ chức bảo vệ trong-ngoài nước gởi thư đề nghị Samsung ngưng dùng than và lập thêm các mục tiêu chống BĐKH.
Samsung lâm thế khó vì chưa sử dụng nhiều năng lượng tái tạo
Kế hoạch của Samsung nhận được sự khen ngợi của các nhà đầu tư, gồm quỹ quản lý trợ cấp lương hưu APG của Hà Lan. APG nói Samsung có tiềm năng “đóng góp đáng kể” vào việc làm sạch thị trường điện Hàn Quốc, xét từ tầm ảnh hưởng của Samsung lên kinh tế Hàn Quốc.
Nhưng APG cũng bày tỏ lo ngại, vì tuyên bố của Samsung đúng vào lúc Hàn Quốc hạ giảm các mục tiêu chống BĐKH.
Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang chú trọng điện hạt nhân. Nhằm phục hồi kinh tế yếu kém, Seoul còn tỏ ra miễn cưỡng giảm mạnh sự lệ thuộc vào than và khí đốt vốn chiếm 65% trong sản lượng điện quốc gia.
Hàn Quốc chỉ có 7,5% nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2021, quá ít so với mức trung bình 30% của các nước tham gia Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD).
Gần đây, chính phủ Hàn Quốc điều chỉnh mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo lên 21% tổng sản lượng điện từ năm 2030 , tức vẫn chưa bằng mục tiêu 30% mà chính phủ tiền nhiệm đã đề ra.
Samsung thừa nhận đang lâm vào giai đoạn khó khăn khi chuyển đổi sang các nguồn điện tái tạo ở trong nước so với các hoạt động ở nước ngoài, nơi mà Samsung đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng sạch từ năm 2027.
Hãng cho biết nguồn cung cấp năng lượng tái tạo ở Hàn Quốc “đã bắt đầu mở rộng nhưng còn hạn chế”, trong khi nhu cầu sử dụng điện của hãng tiếp tục tăng vì đã tăng sản xuất chất bán dẫn trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu của toàn cầu.
Samsung đang đối mặt với sức ép phải giảm mạnh sự thải phát khí carbon, do hãng vẫn kém hơn vài công ty trong cam kết chống biến đổi khí hậu.
Các công ty này gồm Apple đã tham gia ER100 từ năm 2016, và Apple đã lập kế hoạch hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch ở các dây chuyền sản xuất từ năm 2030.
Kế hoạch này cũng gây sức ép lên các nguồn cung ứng của Apple, nơi mua nhiều chip bán dẫn của Samsung.
Samsung hiện là “vua” của một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, bằng việc sản xuất chất bán dẫn, xe hơi, màn hình, điện thoại di động và tàu bè, vốn đều là các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
Riêng trong năm 2021, Samsung sử dụng 25,8 terawatt/giờ điện, chịu trách nhiệm thải phát 17 triệu tấn khí carbon.
Samsung dùng điện nhiều hơn công ty mẹ Alphabet của Google vốn dùng 18,2 terawatt/giờ, trong khi Intel dùng 9,6 terawatt/giờ.
Kế hoạch sử dụng 100% điện sạch của Samsung có tác động đáng kể lên các chuỗi cung ứng, thúc đẩy các công ty khác tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo, theo lời Ousam Jin của Quỹ Năng lượng tái tạo Hàn Quốc.
Ông phát biểu: “Điều đáng nói nhất, việc cam kết tham gia ER100 của Samsung đang phát đi thông điệp mạnh mẽ đến thị trường năng lượng tái tạo và các nhà hoạch định chính sách, để tăng nguồn cung ứng năng lượng tái tạo, xét trên việc hãng này sử dụng nhiều điện”.