Chỉ một vài vụ mất cắp hành lý ở sân bay cũng phải xem là “lỗ hổng an ninh hàng không”. Do đó, phải quy trách nhiệm đến từng cá nhân.

Sân bay quyết trị “sâu” trong nhà

Một Thế Giới | 26/12/2015, 06:59

Chỉ một vài vụ mất cắp hành lý ở sân bay cũng phải xem là “lỗ hổng an ninh hàng không”. Do đó, phải quy trách nhiệm đến từng cá nhân.

Ngày 25.12, tại TP HCM đã diễn ra cuộc họp của tổ công tác liên ngành về rà soát, đánh giá công đoạn phục vụ ở Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, triển khai các giải pháp chống quá tải và nâng cao chất lượng dịch vụ trong dịp Tết Nguyên Đán tại sân bay này.

Chưa thể xử lý hình sự

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nhấn mạnh dù tình trạng mất cắp không xảy ra thường xuyên nhưng vài vụ việc nhỏ lẻ vẫn có. Vì thế, sân bay Tân Sơn Nhất và các đơn vị liên quan cần tiếp tục rà soát, lên phương án phòng chống - nhất là trong dịp cuối năm, kiều bào nước ngoài về nước tăng cao.

Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết đã yêu cầu từng đơn vị liên quan trong khâu vận chuyển hành lý cho hành khách lên máy bay phải rà soát, có kế hoạch giám sát nội bộ, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để hạn chế thấp nhất việc mất cắp hành lý.

“Tất cả trường hợp bị phát hiện lấy cắp hành lý của hành khách đều được sân bay chuyển hồ sơ sang cho cơ quan công an xử lý. Nhưng thực tế, đến giờ vẫn chưa thể xử lý hình sự vì phía công an nói không xác định được đối tượng bị thiệt hại” - ông Tú băn khoăn.

Theo ông Thanh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng nhấn mạnh rằng một vụ ăn cắp lẻ cũng phải xem là “lỗ hổng an ninh hàng không”. Do đó, để việc chống mất cắp hành lý thực sự hiệu quả, sân bay Tân Sơn Nhất cần đột phá rà soát lại quy trình, quy trách nhiệm cụ thể. “Trước nay, chúng ta hay nói có thể mất cắp đã xảy ra khi đóng gói hành lý ở nước ngoài nhưng nay phải trả lời rõ, càng quy trách nhiệm cụ thể càng tốt” - ông Thanh nói.

Trước đó, Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất đã phát hiện 15 trường hợp nhân viên các đơn vị phục vụ mặt đất lấy đồ vật, tài sản trong hành lý hành khách ra ngoài cổng an ninh (năm 2014 là 17 trường hợp).

Nhiều chuyện... “đau đầu”

Ngoài chuyện mất cắp hành lý được mổ xẻ, tìm giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế, tại cuộc họp, hàng loạt vấn đề đáng lo ngại về tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp cao điểm cuối năm tiếp tục được bàn luận.

Theo ông Đặng Tuấn Tú, rất nhiều giải pháp trước mắt nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ về WiFi, nước uống, vệ sinh, quầy làm thủ tục của các hãng hàng không, phòng chờ ra tàu bay cho hành khách… đang được triển khai. Thậm chí, một số quầy ăn uống trong khu vực làm thủ tục ở nhà ga quốc nội cũng được dời ra bên ngoài hoặc yêu cầu tạm ngưng hoạt động trong cao điểm Tết Nguyên Đán, ưu tiên cho hành khách làm thủ tục, tránh quá tải.

Ngoài ra, để chống quá tải, chi nhánh Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất vừa đề nghị lắp đặt thêm 2-5 quầy kiosk check in (quầy làm thủ tục tự động). Các hãng Vietnam Airlines, Vietjet cũng cho biết sẽ áp dụng nhiều quầy thủ tục tự động nhằm giảm tải lượng hành khách chờ đợi trước các quầy.

Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam, đến nay, đã có 18/25 hãng hàng không quốc tế cho phép hành khách sử dụng thẻ lên tàu tự làm (home boarding pass) đến thẳng khu vực kiểm tra an ninh mà không cần xác nhận lại tại quầy thủ tục. 
“Các hãng đang phối hợp với sân bay Tân Sơn Nhất thống nhất quy trình kiểm soát hành khách sử dụng dạng thẻ tự làm để đơn giản, tiết kiệm thời gian mà vẫn bảo đảm an toàn, an ninh hàng không. Dù vậy, công an cửa khẩu vẫn lo ngại có thể phát sinh thẻ giả nên cần chuẩn thống nhất giữa các hãng mới có thể triển khai” - đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết.

Lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cũng thừa nhận khó khăn trong công tác chống quá tải hiện nay là nhiều vấn đề mà chỉ tự sân bay giải quyết thì không thể. Đơn cử, tình trạng kẹt xe đường ra vào sân bay hay việc một số tài xế ô tô cố tình dừng đậu quá 3 phút trước khu vực đón trả khách gây tình trạng ùn ứ cục bộ nhưng sân bay không thể xử lý được.

Với khó khăn này, đại diện Sở GTVT TP HCM cho rằng do các quy định hiện hành không nêu cụ thể việc dừng đỗ quá 3 phút là vi phạm (luật không quy định thời gian cụ thể) nên cả việc đặt biển phụ để công an xử phạt cũng rất khó. Sân bay Tân Sơn Nhất và Sở GTVT TP HCM đang kiến nghị Bộ GTVT hướng dẫn triển khai để xử lý triệt để tình trạng này.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhìn nhận ùn tắc cục bộ ở khu vực đưa đón khách trước sân bay Tân Sơn Nhất có phần không nhỏ từ ô tô của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. “Rất nhiều xe biển xanh, biển đỏ dừng đậu cả giờ trước khu vực đón taxi, ô tô nhưng không dễ xử lý. Để xử lý hiệu quả thì trước mắt, cán bộ, công chức nhà nước cũng cần tuân thủ, làm gương” - ông Nhật nhìn nhận.

Dịp Tết, khách nên đến sớm 3-4 giờ

Do dịp Tết Nguyên Đán hay xảy ra tình trạng quá tải nên các sân bay và các hãng hàng không khuyến cáo hành khách đến sớm khoảng 3-4 giờ để làm thủ tục. Tuy nhiên, ông Đặng Tuấn Tú cho rằng hành khách không nên đến quá sớm.

“Rất nhiều người chiều tối mới bay nhưng đến sân bay từ... 8 giờ. Ngoài ra, có hãng bán vé giờ chót nên rất nhiều hành khách ngồi chờ cả ngày để mua vé đi ngay, càng làm tình trạng đông và quá tải sân bay thêm nghiêm trọng” - ông Tú lo ngại.

Trong khi đó, Cục trưởng Lại Xuân Thanh lưu ý thái độ phục vụ của nhân viên các đơn vị tại sân bay dịp Tết. Ông yêu cầu không để tình trạng nhũng nhiễu xảy ra, nhất là đối với hành khách kiều bào từ nước ngoài về nước.

Theo Thái Phương/Người lao động

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng kỷ luật Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
6 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký các quyết định kỷ luật Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sân bay quyết trị “sâu” trong nhà