Đài CNN cho biết mạng lưới giao thông, trường học và nhà máy lọc dầu tại Pháp rơi vào tình trạng đình trệ diện rộng vì đợt biểu tình phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu đang diễn ra.
Biểu tình lẻ tẻ đã diễn ra sau khi chính phủ Pháp thông qua dự luật tăng tuổi nghỉ hưu vào tuần trước, đến ngày 23.3 leo thang thành hoạt động phối hợp quy mô toàn quốc. Đây là đợt biểu tình thứ 9 kể khi giới chức nước này công bố dự luật vào tháng 1.
Chỉ còn 2 trong tổng số 14 tuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Paris hoạt động bình thường. Dịch vụ tàu hỏa RER chạy trong thành phố và vùng ngoại ô bị cắt giảm mạnh, chỉ một nửa số tàu cao tốc TGV hoạt động. Khoảng 30% chuyến bay tại sân bay Orly chịu ảnh hưởng.
Công nhân phong tỏa hai nhà máy lọc dầu tại Normandy và Fos-sur-Mer. Bộ trưởng Chuyển đổi năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacherin tuyên bố: “Chúng tôi đang can thiệp để giải phóng các bể chứa đang bị chặn bởi người biểu tình. Biểu tình là quyền hiến định, nhưng phong tỏa thì không. Cảnh sát được huy động và tôi ủng hộ họ”.
Diễn biến trên khiến kho dự trữ nhiên liệu máy bay tại sân bay Charles De Gaulle chịu áp lực lớn, kho dự trữ tại sân bay Orly cũng cần theo dõi chặt chẽ. Sáng 23.3, khoảng 70 người chặn cổng vào nhà ga số 1 sân bay Charles De Gaulle.
Theo Bộ Giáo dục Pháp, khoảng 20% giáo viên công lập tham gia biểu tình.
Chính phủ Pháp khẳng định tăng tuổi nghỉ hưu là việc cần làm để duy trì hệ thống lương hưu. Thuế mà người trong độ tuổi lao động phải nộp là nguồn tiền chi trả cho người nghỉ hưu. Tuổi thọ tăng cao và số người thuộc thế hệ bùng nổ dân số đến tuổi nghỉ hưu thì hệ thống sẽ sụp đổ.
Trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 22.3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố tỏ rõ quyết tâm tăng tuổi nghỉ hưu bất chấp phản đối: “Đây là vì lợi ích quốc gia. Giữa dư luận và lợi ích quốc gia, tôi chọn lợi ích quốc gia”.