So với các chương trình giải trí dày đặc trên truyền hình, sân khấu học đường vẫn chưa được số đông công chúng biết đến và hãy còn lặng lẽ, âm thầm. Thế nhưng, giá trị mà nó mang lại rất đáng được ghi nhận và cần khuyến khích để phát huy.

Sân khấu học đường: Dòng chảy lặng lẽ và âm thầm

Nguyễn Huy | 18/11/2022, 13:07

So với các chương trình giải trí dày đặc trên truyền hình, sân khấu học đường vẫn chưa được số đông công chúng biết đến và hãy còn lặng lẽ, âm thầm. Thế nhưng, giá trị mà nó mang lại rất đáng được ghi nhận và cần khuyến khích để phát huy.

Chào mừng ngày 20.11.2022, tập thể học sinh lớp 4/2 Trường Tiểu học - Đại học thực hành Sài Gòn ráo riết luyện tập vở nhạc kịch, tựa đề Tấm gương Trần Quốc Toản (Tác giả và đạo diễn: Phước Tường – Thiên Kim). Điểm đặc biệt trong vở diễn này là các diễn viên nhí sẽ hát cổ nhạc kết hợp với diễn kịch.

Theo tác giả - đạo diễn Thiên Kim, nhạc kịch lịch sử sẽ còn được tiếp tục dàn dựng tại ngôi trường đặc biệt này như là một bài học sống động đối với các em học sinh. Thông qua vở diễn là bài học về lịch sử hào hùng của dân tộc qua tấm gương “phá cường địch báo hoàng ân” của anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, đồng thời giúp cho các bạn nhỏ yêu quý và trân trọng giá trị âm nhạc của dân tộc.

310458960_519203086747732_6430833846186597508_n.jpg
Bé Thiên Khôi vai Trần Quốc Toản vở "Tấm gương Trần Quốc Toản" của lớp 4/2 Trường Tiểu học Thực hành - Đại học Sài Gòn chào mừng 20.11

Từ thoại kịch…

Trong cùng thời gian này, bà bầu NSND Hồng Vân cùng vừa ký kết với Trường đại học kinh tế TP.HCM để khởi đầu hoạt động cho sân khấu học đường UHE Theatre. Đây là nơi diễn kịch cho học sinh, sinh viên và kịch mục hướng tới những vở diễn lịch sử, và những kịch bản có giá trị văn học. Mục đích của sân khấu này là muốn thông qua nghệ thuật, cung cấp thêm kiến thức về văn hóa và lịch sử cho những sinh viên chuyên ngành kinh tế. Đồng thời, nơi này cũng đào tạo ra các diễn viên tương lai.

Thực ra, suốt nhiều năm qua, sân khấu Hồng Vân rất chú trọng đến đối tượng khán giả là học sinh, sinh viên. Nhiều năm trước, sân khấu này đã thực hiện nhiều tour diễn qua các trường học. Về kịch mục, bên cạnh kịch giải trí kinh dị, sân khấu Hồng Vân cũng ghi dấu ấn qua dòng kịch lịch sử như Nỏ thần và các vở chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh (Con nhà nghèo), Vũ Trọng Phụng (Làm đĩ), Nguyễn Công Hoan (Người ngựa, ngựa người). Những giờ diễn này, được xem như một giờ học văn sử sống động của các học sinh, sinh viên.

Từ năm 2012, sân khấu Hoàng Thái Thanh ký hợp đồng với các trường trung học cho các xuất diễn được xem là giờ học Văn học ngoại khóa. Hoạt động này, kéo dài cho đến hiện tại và mang lại cảm xúc rất đặc biệt cho cả khán giả và nghệ sĩ. Các em học sinh sẽ xem những vở diễn có chiều sâu về nội dung và thẩm mỹ. Sau đó, các em sẽ có buổi giao lưu để đưa ra những ý kiến nhận xét và bày tỏ cảm xúc.

Đối với nhiều em học sinh, việc đọc một tác phẩm văn chương bằng chữ viết, đôi khi không tạo hứng thú cho các em. Và việc ít đọc cũng sẽ khiến sự hiểu biết và kiến thức của các em trong lĩnh vực bị hạn chế. Tuy nhiên, các em sẵn sàng xem một tác phẩm văn học thông qua hình thức kịch, sống động và đa dạng hơn.

Từ đây, khơi gợi trong các em niềm yêu thích vẻ đẹp của văn chương. Nhiều em, thoạt nhìn, cứ tưởng tâm hồn rất khô khan nhưng xem những tình huống kịch cảm động đã rơi lệ, vậy là, cái đẹp được đánh thức. Nhiều em đã phản hồi rất tích cực về cho nghệ sĩ và sân khấu.

skhd-1-.jpg
skhd-3-.jpg
Buổi diễn trong chương trình văn học ngoại khóa tại sân khấu Hoàng Thái Thanh gây xúc động cho các em học sinh, sinh viên

Một nơi cũng được xem là sân khấu học đường chính là chương trình Ngày xửa, ngày xưa của sân khấu Idecaf. Các vở diễn của chương trình không chỉ mang đến cho các bạn nhỏ sự vui thích, hào hứng kích thích trí tưởng tượng thông qua thiết kế sân khấu, trang phục… mà còn gửi gắm nhiều bài học ý nghĩa về đạo lý làm người.

Sân khấu Lạc Long Quân nhiều năm qua cũng miệt mài các xuất diễn ở trường học. Tại đây, các em dàn dựng hầu hết các tiết mục lịch sử về các anh hùng dân tộc, hoặc những câu chuyện nêu cao về ý thức ý chí bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của người Việt từ xưa đến nay.

… đến cải lương

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, thời Giám đốc Phan Quốc Hùng còn tại thế, ông đã xây dựng nhiều tuồng lịch sử và liên hệ với các trường đại học để có những buổi diễn dành cho sinh viên. Mặc dù kế hoạch này chưa được triển khai như mong muốn vì gặp nhiều khó khăn khách quan, đến nay vẫn được giám đốc kế nhiệm Phan Quốc Kiệt tiếp tục.

Nhà hát Trần Hữu Trang cũng đã dựng rất nhiều vở kịch lịch sử để phục vụ công chúng nói chung, trong đó, hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên. Mượn nghệ thuật cải lương để thế hệ trẻ tự hào về tiền nhân vẫn là điều mà lãnh đạo nhà hát đau đáu.

Một sân khấu cải lương chú trọng đến thế hệ trẻ là Nhà hát Nón Lá. Hiện tại, đối tượng chính của sân khấu này là các bạn thiếu nhi. Giá trị giáo dục hướng đến ý nghĩa giáo dục nhân – nghĩa – lễ - trí tính. Kịch mục hiện tại thiên về cổ tích hoặc là chuyển các vở kịch từ Ngày xửa ngày xưa. Thế nhưng, theo đạo diễn Bạch Long, ông đang viết nhiều kịch bản lịch sử và sẽ trình diễn lần lượt. Bản thân Bạch Long đã từng thành công với nhiều vở tuồng lịch sử tại sân khấu tuồng cổ Minh Tơ và về sau tiếp tục thành công với Đồng ấu Bạch Long thế hệ đầu tiên, nên ông rất mạnh về thể loại này.

Và cứ như thế, “không hẹn mà gặp” các chương trình nghệ thuật dành cho học sinh, sinh viên hay còn gọi tên khác là sân khấu học đường liên tục ra đời. Tâm huyết của những người thực hiện có điểm chung là mượn nghệ thuật để gửi gắm nhiều giá trị văn học và lịch sử, hai thứ chưa được hấp dẫn giới trẻ tại trường học.

Nếu so với các chương trình giải trí dày đặc trên truyền hình, sân khấu học đường vẫn chưa được số đông công chúng biết đến và hãy còn lặng lẽ, âm thầm. Thế nhưng giá trị mà nó mang lại rất đáng được ghi nhận và cần khuyến khích để phát huy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
25 phút trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sân khấu học đường: Dòng chảy lặng lẽ và âm thầm