Bản tin dịch COVID-19 sáng 9.8 của Bộ Y tế cho biết có thêm 5.155 ca mắc COVID-19 tại 22 tỉnh, thành phố, trong đó TP.HCM nhiều nhất với 2.349 ca, kế đến là Bình Dương 1.725 ca.
Tính từ 18g30 ngày 8.8 đến 6g ngày 9.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.155 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 5.140 ca ghi nhận trong nước tại: TP.HCM (2.349), Bình Dương (1.725), Long An (287), Đồng Nai (183), Bà Rịa - Vũng Tàu (177), Tây Ninh (157), Vĩnh Long (57), An Giang (37), Phú Yên (31); Cần Thơ (27), Kiên Giang (19), Đồng Tháp (18), Thừa Thiên Huế (17), Hậu Giang (15), Gia Lai (14), Đắk Nông (14), Hải Dương (5), Hà Nội (4), Lào Cai (1), Sơn La (1), Bạc Liêu (1), Cà Mau (1) trong đó có 786 ca trong cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 9.8, tại Việt Nam đã có 215.560 ca nhiễm trong đó có 2.360 ca nhập cảnh và 213.200 ca nhiễm trong nước.
Nếu tính riêng đợt dịch từ 27.4 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 211.630 ca, trong đó có 68.723 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 2/62 tỉnh, thành phố trong 14 ngày qua không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
- Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 71.497 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 501 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 71.497 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 501 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Trong ngày 8.8 có thêm 514.503 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 9.405.819 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 8.460.013 liều, tiêm mũi 2 là 945.806 liều.
Phân bổ lô thuốc Remdesivir
Ngày 8.8, Bộ Y tế tiến hành phân bổ lô thuốc Remdesivir (đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ cho chỉ định điều trị COVID-19, cho bệnh nhân COVID-19 nặng, thở máy/ECMO…) đầu tiên với 10.000 lọ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.
Toàn bộ lô thuốc vừa về TP.HCM và các lô tiếp theo sẽ được Bộ Y tế phân bổ cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 của TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhằm sử dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở nơi đang có nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng. Nếu tình huống các tỉnh khác cần sẽ điều chỉnh sau.
Bình Dương điều chuyển hơn 1.600 ca F0 về các Bệnh viện dã chiến
Theo Bình Dương Online, ngày 8.8 y tế tỉnh đã phối hợp với các địa phương điều chuyển hơn 1.600 ca F0 lên các cơ sở thu dung điều trị của Bệnh viện dã chiến.
Cụ thể, trong ngày, Bệnh viện dã chiến số 3 ở Trường Đại học Việt Đức tiếp nhận 1.140 ca F0, Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương tiếp nhận 154 ca, số còn lại được chuyển đến 19 cơ sở điều trị khác.
Chiều cùng ngày, ngành y tế tỉnh cũng thông báo có thêm 494 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh trong đợt dịch lần thứ 4 lên 5.663 bệnh nhân.
Trong tổng số 494 bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày được phân đều ở cả 3 tầng điều trị và tập trung nhiều nhất ở tầng 2 với 283 bệnh nhân xuất viện, tiếp đó là tầng 3 với 111 bệnh nhân khỏi bệnh, số còn lại thuộc tầng 1 với 100 bệnh nhân khỏi bệnh.
Cuối ngày 8.8, đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tiêm 570.000 liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó có 420.000 liều ở tuyến tỉnh, huyện, thị và thành phố cho nhóm các đối tượng theo kế hoạch; khoảng 150.000 liều dành cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và sẽ hoàn thành tiêm hết trong ngày 10.8.
“Việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được tỉnh xác định là một giải pháp rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Quan điểm cũng như chủ trương của lãnh đạo tỉnh là sẽ tiêm vắc xin cho 100% người dân Bình Dương. Tuy nhiên, do hiện nay dân số tỉnh Bình Dương trên 2,5 triệu người, trong khi đó lượng vắc xin được cấp về không nhiều. Cụ thể, đến thời điểm này tỉnh tiếp nhận nguồn vắc xin phân bổ từ Bộ Y tế khoảng 500.000 liều, chủ yếu tập trung tiêm cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao để tăng cường kết quả phòng, chống Covid-19. Do đó, người dân trong đối tượng ít nguy cơ lây nhiễm rất mong tất cả bình tĩnh.
Tỉnh sẽ cố gắng bằng mọi cách, cụ thể tiếp tục đề xuất với Trung ương cấp thêm nguồn vắc xin, cho phép tỉnh chi ngân sách để mua lượng vắc xin đủ để tiêm cho người dân Bình Dương.
Trước mắt, nếu chưa đủ nguồn vắc xin để tiêm đầy đủ 2 mũi thì ít nhất mỗi người dân cũng sẽ được tiêm 1 mũi. Ngay sau khi Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh triển khai kế hoạch “tăng tốc” tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trong vòng 3 ngày các lực lượng tiêm vắc xin đã hoàn thành khối lượng tiêm rất lớn với hơn 300.000 liều đã được tiêm cho nhóm các đối tượng ưu tiên”, ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnhnói với Bình Dương Online.
Những thông tin đáng chú ý của ngành y tế
- Bộ Y tế có công văn hoả tốc gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực.
- Bộ Y tế có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các bộ, ngành yêu cầu tăng cường sử dụng Tele-health (chăm sóc sức khỏe từ xa) trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
- Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức và Bệnh viện điều trị COVID-19 Nguyễn Trãi tham gia vào hệ thống phân tầng điều trị COVID-19 tại TP.HCM.
- Từ cuối tháng 6.2021, TP.HCM đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID số 1, đến nay đã có 15 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và 42 bệnh viện, cơ sở được thiết lập trên địa bàn. - Theo SK&ĐS