Lại vừa lộ ra chuyện Công ty Xổ số Cà Mau chi cả tỉ đồng cho 2 quan chức và các đại lý lớn… đi du hí ở Dubai. Người bán vé số nghèo, hằng ngày thu tiền về cho các công ty xổ số, ngẫm lại phận mình mà buồn… Bây giờ, người khốn khó không dễ sống bằng nghề bán vé số, khi các công ty vé số và các đại lý lắm tiền nhiều của đang ép họ đến đường cùng.

Sao lại ép người bán dạo vé số đến đường cùng?

Một Thế Giới | 10/12/2015, 08:06

Lại vừa lộ ra chuyện Công ty Xổ số Cà Mau chi cả tỉ đồng cho 2 quan chức và các đại lý lớn… đi du hí ở Dubai. Người bán vé số nghèo, hằng ngày thu tiền về cho các công ty xổ số, ngẫm lại phận mình mà buồn… Bây giờ, người khốn khó không dễ sống bằng nghề bán vé số, khi các công ty vé số và các đại lý lắm tiền nhiều của đang ép họ đến đường cùng.

Nhưng cũng may là còn có cái nghề lương thiện là bán vé số, dành cho những người nghèo và khốn khó. Người nào có vài trăm nghìn, thì cứ lấy vài chục tờ vé, rảo chân đi mời mọc từng người, hết thì quay lại đại lý trả tiền, lấy vé bán tiếp cho kịp ngày. Người nào được đại lý thương tình, thì cho thiếu, cuối ngày hẵng trả. Ở miền Tây Nam Bộ, cứ mỗi tờ vé số mệnh giá 10.000đ, họ lời hơn 1.000đ. Chỉ hơn 1.000đ thôi. Bán 1 tờ vé số, tiền lời chưa đủ mua 1 ly trà đá để giải khát. Nhưng nhờ lê thân đi mời mọc, thậm chí van nài càng nhiều người, thì cơ hội kiếm những đồng lời 1.000đ như vậy càng nhiều. Người nào giỏi, bán ngày hơn trăm tờ, cũng kiếm được hơn 100.000đ. Với người nghèo, vậy là tạm ổn.
xo so, nguoi tan tat, mien Tay, Cong ty Xo so 
Người tàn tật bán vé số kiếm lời mỗi ngày 100.000đ là mừng lắm (nguồn: internet)
Ở miền Tây - cái xứ mà doanh thu của các công ty vé số vẫn đạt cao ngất hàng năm, vẫn còn rất nhiều người hy vọng đổi đời bằng những tờ vé số. Bỏ ra 10.000đ cầu may, biết đâu chiều sẽ trúng độc đắc 1,5 tỉ đồng? Khi người ta vẫn còn nuôi chí làm giàu bằng những tờ vé số - thay vì bỏ công sức lao động chân chính, thì không khó để hình dung, xứ miền Tây vẫn còn nghèo, và cũng vì còn nhiều người lười lao động mà muốn… làm giàu. PGS-TS Đào Công Tiến - nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, từng cay đắng thốt lên: “Sao không lo làm cật lực, để làm giàu cho mình và xã hội, mà cứ gửi khát vọng làm giàu của mình vào những tờ vé số? Nghèo là đương nhiên”.

Nhưng nhờ vậy, người nghèo, người tàn tật và những đứa trẻ khốn khó… mới có cơ hội kiếm cơm ăn mỗi ngày nhờ bán những tờ vé số mang niềm hy vọng mong manh ấy. Thử hỏi, nếu không có cái nghề bán vé số, những người ấy liệu có đi làm chuyện bậy bạ như trộm cắp, cướp giật hay không, khi họ quá nghèo, quá khổ? Và đã có lúc, vào quán cà phê, người mời chào vé số còn nhiều hơn cả khách ngồi. Chị phụ nữ không có việc làm: đi bán vé số. Tật nguyền ngồi xe lăn: cầm theo xấp vé số. Trẻ em nghèo: học 1 buổi, bán vé số 1 buổi, giúp mẹ tiền gạo… Người nghèo, người khó khăn còn nhiều lắm!

Năm 2013, một tờ báo đăng câu chuyện cảm động. Đó là chị Thanh - ngụ khu vực 6, phường Thủy Xuân (Huế), vì chồng bị bệnh tâm thần, nên dù mù lòa, hằng ngày chị vẫn nhờ đứa con gái sáng mắt dẫn đường để đi bán vé số mưu sinh. Vậy mà những đồng lời ít ỏi ấy, 5 năm qua vẫn giúp chị cân đo để nuôi chồng và 4 đứa con… Rồi cụ bà Khưu Tường Anh ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM), đã gần 90 tuổi, nhưng ngày ngày dù nắng mưa, vẫn cần mẫn đi bán vé số dạo. Ít ai biết rằng, tiền công từ những tấm vé số không chỉ nuôi mình cụ mà còn phải lo cho người con trai tâm thần…

Nhưng nghề nào cũng như nghề nào, cũng có cái nghiệt ngã. Trước đây, các đại lý quy định, giờ xổ số là từ 16 giờ 15 - 16 giờ 30, và nếu trước 15 giờ chiều, người bán vé số mang vé ế đến trả, sẽ được trả tương đương 30% số vé mà trước đó họ đã đến lấy. Thế cũng đã khổ. Có người, vì mải lang thang mời mọc khách mua, đến khi sực nhớ thì đã quá giờ trả vé, mà xấp vé thì vẫn dày cộm.

Có người khác, chỉ vì cơn mưa dầm bất chợt chôn chân, ôm đến hơn 50% số vé đã lấy, mà trả lại chỉ được 30%!

xo so, nguoi tan tat, mien Tay, Cong ty Xo so 
Hôm nào bán không hết, còn lại hơn 10 tờ là thâm vốn (nguồn: internet)
Đừng hy vọng vào những tờ vé số ế buộc phải ôm lại biết đâu sẽ giúp họ đổi đời, vì tỷ lệ trúng mong manh lắm. Có người, mua vé số cả đời mà còn không trúng mà. Và chỉ cần người bán ôm 10 tờ, xem như cả ngày hôm ấy họ rã gối không công. Còn ôm hơn 10 tờ, thâm vốn là chắc, buổi cơm chiều không biết lấy gì sắm sửa.

Và từ đầu năm 2014, cái quy định trả vé càng cay nghiệt hơn. Thay vì được trả 30% số vé đã lấy vào 15 giờ như trước đây, thì nay người bán vé số nghèo chỉ được trả từ 5 - 15% (tùy vào quy định của mỗi công ty). Có thể hiểu rằng, chính các công ty xổ số muốn doanh thu thực của họ được siết chặt hơn, doanh số phát hành vé phù hợp với lượng tiêu thụ thực tế hơn. Nhưng khổ nỗi, chính người bán vé số còn không chắc rằng ngày hôm ấy họ bán được bao nhiêu tờ, thì làm sao họ dám nhận cái chỉ tiêu ấy?

Bán được bao nhiêu tờ? Điều đó còn tùy vào trời mưa hay nắng, thậm chí tùy vào lòng hảo tâm giúp đỡ của người qua kẻ lại - phải nói thẳng là vậy, và… hên xui.

Ai chẳng biết, nếu khả năng của mình chỉ bán mỗi ngày 85 tờ, làm sao dám lấy đến 100 tờ. Đằng này họ không biết. Anh Nguyễn Văn Bền bán vé số dạo ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, kể rằng có ngày anh cầm xấp vé 100 tờ, đến hơn 13 giờ thì hết veo. Nhưng cũng có ngày, anh mang trả đại lý, rồi số vé còn lại đi chạy vạy năn nỉ mà vẫn phải ôm vài ba tờ. Mà gặp ngày “thuận”, nếu lấy vé ít, lỡ gặp khách quen hỏi mua, không còn vé thì tiếc. Với họ, bán được 1 tờ, dù lời chỉ hơn 1.000đ, đã là quá tốt mà.

 Với quy định trả vé mới, hàng loạt người nghèo bán vé số ở TP.Cần Thơ đã phải lâm nợ, bỏ về quê, hoặc tha phương cầu thực tiếp. Nguyên nhân đơn giản, số vé họ phải ôm ngày càng nhiều, vốn cứ thâm dần nên thiếu nợ đại lý, thiếu nợ người quen… Mà đã nợ, càng cố lấy vé nhiều thêm, hy vọng có thêm đồng lời để dành trả nợ. Ai ngờ, số vé số ôm lại càng nhiều… Bỏ xứ!

Nghề bán vé số dạo cũng lắm rủi ro. Ngoài chuyện đắt ế, thì điều mà dân bán vé số - nhất là những người già và tàn tật, sợ nhất, đó chính là những kẻ dã tâm, rình rập đi giật vé của họ. Chúng giả đò tấp xe hỏi mua, cầm xấp vé số lựa lựa, rồi rồ ga chạy mất. Hay những kẻ cạo sửa làm số trúng giả, cứ lựa người bán dạo ngô nghê mà đổi. Gặp cảnh đó, trắng tay, người bán vé số dạo chỉ biết ngồi mà nước mắt tuôn rơi.

Gần đây, người bán dạo còn phải gặp cạnh tranh từ chính các đại lý bán vé số lắm tiền. Những người đại lý này sẵn sàng ra chiêu khuyến mãi! Nếu sau giờ xổ, đem tờ vé số có kèm giấy xác nhận đã mua từ đại lý của họ đến, hễ trúng 2 con số cuối của giải đặc biệt thì được hoàn vốn. Trúng 3 con thì được thưởng vài trăm nghìn… Họ tìm cách hấp dẫn người mua, và vô tình giết chết những đối thủ nhỏ nhoi của họ là những người bán vé số dạo ít tiền, chẳng cách nào dám tung chiêu khuyến mãi…

Các công ty xổ số không bao giờ lỗ! Thực tế, họ luôn tính toán để doanh thu từ phát hành vé số hằng ngày, luôn luôn lớn hơn tổng giá trị các giải thưởng. Chỉ có lời ít lời nhiều. Vậy sao, nay còn ép người bán vé số- những người đã vô tình tận tâm và đầy nhiệt huyết đem lại doanh thu cho các công ty sổ xố, đến bước đường cùng bằng cái quy định trả vé mới quá nghiệt ngã?

Bây giờ lộ ra, tiền công ty xổ số cho quan chức đi du hí, cho đại lý đi chơi đủ phương trời, nên người bán vé số nghèo- những người góp phần chính vào doanh thu của các công ty xổ số, đau lắm!

Nguyễn Hồ


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sao lại ép người bán dạo vé số đến đường cùng?