SCIC lên kế hoạch về việc bán 48,33 triệu cổ phần (tương đương 3,33%) vốn nhà nước tại CTCP Vinamilk (mã chứng khoán VNM - HOSE), dự kiến thu về khoảng 6.500 - 7.000 tỉ đồng.

Sắp bán tiếp 3,33% vốn nhà nước tại Vinamilk, ước thu 7.000 tỉ đồng

tuyetnhung | 04/08/2017, 18:58

SCIC lên kế hoạch về việc bán 48,33 triệu cổ phần (tương đương 3,33%) vốn nhà nước tại CTCP Vinamilk (mã chứng khoán VNM - HOSE), dự kiến thu về khoảng 6.500 - 7.000 tỉ đồng.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa ra tại cuộc họp báo chiều 4.8.

Cụ thể, ông Chi cho biết theo lộ trìnhtrong năm 2017 sẽ bán 48,33 triệu cổ phần, tương đương 3,33% vốn nhà nước tại Vinamilk. Đây là số cổ phiếu chào bán chưa hết trong năm 2016.

Năm 2016, SCIC đã có phương án bán 9% vốn nhà nước tại Vinamilk, tuy nhiên đợt chào bán này chỉ giao dịch thành công 5,4%; còn 3,6% vốn chưa bán được. Tỷ lệ 3,33% được chào bán trong đợt thứ 2 này nằm trong số 3,6% số vốn còn tồn năm trước.

Sau đợt thoái vốn 3,33% này, Nhà nước sẽ giảm sở hữu tại Vinamilk về 36%thay vì hơn 39,33% như hiện tại. Tỷ lệ này vẫn đảm bảo vai trò là một cổ đông lớn trong quản trị doanh nghiệp, tức là SCIC vẫn có quyền phủ quyết tại Vinamilk.

Theo ông Chi, đối tượng tham gia mua cổ phần lần này không giới hạn, sẽmở rộng cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm,đủ điều kiện được mua theo quy định của pháp luật.

Ông Chi cũng tiết lộ thêm: "Việc thoái vốn tại Vinamilk dự kiến diễn ra trong tháng 10.2017, nhưng nhanh hơn thì càng tốt vì thị trường chứng khoán đang có nhiều yếu tố thuận lợi, nếu kéo dài xuống cuối năm sẽ có nhiều băn khoăn hơn. Nếu thị trường diễn biến tốt, SCIC dự kiến sẽ thu về 6.500 - 7.000 tỉ đồng từ đợt thoái vốn này".

Chủ tịch SCIC khẳng định đợt thoái vốn này sẽ rút kinh nghiệm từ những hạn chế của năm 2016, như những vướng mắc về quản lý ngoại hối, về đặt cọc và về nhà đầu tư gián tiếp.

Trước đó, SCIC từng cho rằng cơ chế bán phần vốn Nhà nước ở Vinamilk theo các quy định pháp luật hiện nay còn nhiều bất cập. Ví dụ như việc quy định đặt cọc 10% giá trị đặt mua bằng tiền đồng và chào bán thông qua phương thức cạnh tranh.

SCIC và tổ chức tư vấn đã báo cáo với các cơ quan chức năng để có thể áp dụng cơ chế đặc thù, tuy nhiên việc xem xét thay đổi cần có nhiều thời gian và đúng quy trình nên trong lần bán vốn này chưa thực hiện được .

Về việc đặt cọc, mặc dù SCIC đã rất tích cực làm việc với các bên liên quan để đưa ra thêm hình thức ký quỹ bằng USD bên cạnh hình thức đặt cọc bằng đồng Việt Nam, nhưng thủ tục ký quỹ bằng USD vẫn là phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài ít có kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, do đó chưa thực sự khuyến khích được nhà đầu tư sử dụng.

Theo lộ trình của Chính phủ, SCIC sẽ bán toàn bộ vốn tại Vinamilk nhưng chia ra nhiều đợt. Trước đó, cuối tháng 12.2016, SCIC đã bán ra 78,38 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 5,4% vốn điều lệ doanh nghiệp với giá bình quân 144.000 đồng/cổ phiếu, thu về khoảng 11.286 tỉ đồng.

Chốt phiên giao dịch ngày 4.8, cổ phiếu VNM được giao dịch ở mức giá 154.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu số lượng chào bán và giá cổ phiếu VNM không thay đổi nhiều, SCIC có thể thu về trên 7.400 tỉ đồng.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp bán tiếp 3,33% vốn nhà nước tại Vinamilk, ước thu 7.000 tỉ đồng