Theo chương trình điều chỉnh phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23.3, Ủy ban sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo về chương trình điều chỉnh phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, chương trình phiên họp đợt 2 có bổ sung nội dung xem xét thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31.12.2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nội dung này vào ngày 23.3.
Trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết với phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu ma dút, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít, thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 1.4 đến hết năm 2022.
Trong phiên chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, trước tình hình giá biến động trên thế giới, để xử lý được nhanh nhất, chỉ có giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này. Với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hiện chỉ còn khoảng 600 tỉ đồng, mức thấp để đảm bảo duy trì giá xăng dầu trong tình hình hiện nay.
“Hai bộ Tài chính - Công Thương đã điều hành theo chu kỳ 10 ngày/lần, bám sát giá thế giới. Biên độ giá tăng của thế giới từ 40 - 60% nhưng biên độ giá trong nước chỉ tăng ở mức 29 - 40%, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, sử dụng quỹ bình ổn, kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ để giảm thuế bảo vệ môi trường”, ông Diên nêu.
Giải trình về biên độ tăng thấp hơn của giá xăng dầu trong nước so với giá thế giới, ông Diên cho hay đó là do sự điều hành linh hoạt của liên bộ. Qua điều hành, nhờ vào quỹ bình ổn đã được trích từ 100 - 1.500 đồng/lít, chúng ta đã giữ được giá thấp hơn.
Tuy nhiên, ông Diên nói quỹ bình ổn có hạn, hiện ở mức 600 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp đã âm quỹ nhiều nên hai bộ đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, giá thế giới tiếp tục tăng cao thì phải tiếp tục tính toán các loại thuế, phí khác để giữ giá không tăng cao, không để các đối tượng chịu tổn thương thêm thì cần phải có thêm các hỗ trợ.
Tại phiên họp đợt 2 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các dự thảo: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.