Sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, các nhà quan sát chê Tuyên bố chung Sentosa 2018 “suông rỗng”. Vì sao?

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều: Tuyên bố chung bị chê suông rỗng

14/06/2018, 16:29

Sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, các nhà quan sát chê Tuyên bố chung Sentosa 2018 “suông rỗng”. Vì sao?

Cuộc gặp lịch sử của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều - Ảnh: AP

Trước cuộc gặp này, chính phủ Mỹ và nhất là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thường nhấn mạnh Mỹ sẽ đòi Triều Tiên “hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (CVID).

Tuyên bố chung không định nghĩa rõ về phi hạt nhân hóa

Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều ra Tuyên bố chung Sentosa 2018 về nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cùng xây dựng hòa bình vĩnh viễn và quan hệ song phương.

Trong Tuyên bố chung, ông Kim đồng ý Triều Tiên sẽ hướng tới việc “hoàn toàn phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên”. Theo ông Trump, ông Kim hứa hủy một bãi thử động cơ hạt nhân, nhưng cho đến nay Bình Nhưỡng chưa đề cập lời hứa của ông Kim.

Các chuyên gia nhanh chóng chỉ ra việc trước đây Bình Nhưỡng cũng có những lời hứa tương tự rồi nhanh chóng “xù”.

Trong khi đó, Tuyên bố chung không nêu được các bước cụ thể về những gì sẽ diễn ra tiếp theo, và theo khung thời hạn nào.

Ông Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của CIA, đồng thời là một chuyên gia về Triều Tiên, nói “rất thất vọng” về Tuyên bố chung, lưu ý ông Trump không nêu được chuyện Mỹ có thể kiểm tra Triều Tiên có thật sự ngưng phát triển vũ khí hạt nhân hay không.

Theo Guardian ngày 14.6, lúc đến Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nổi nóng khi các nhà báo hỏi ông về cách kiểm tra Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân, có cả việc đưa thanh sát viên vũ khí hạt nhân của Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến Triều Tiên. Ông Pompeo nói: “Tôi thấy hỏi câu này là sỉ nhục và kỳ quái, và nói thẳng là lố bịch. Đấy là một trò chơi và người ta chớ nên đùa giỡn với những vấn đề nghiêm trọng như chuyện này”.

Khi được hỏi trong Tuyên bố chung không có các chữ “có thể kiểm chứng” và “không thể đảo ngược”, ông Pompeo nói những chữ đó được gom chung trong chữ “hoàn toàn”. Ông nói: “Quý vị có thể vặn về ngữ nghĩa, nhưng tôi bảo đảm chúng có đủ trong tài liệu này”.

Đa số các nhà quan sát cho rằng cuộc gặp lịch sử giữa hai ông Trump-Kim phần nào giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng chưa thể cho thấy Bình Nhưỡng nghiêm túc với ý tưởng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia kiểm soát vũ khí chê Tuyên bố chung Sensosa vì ngôn từ “suông rỗng và ưu ái Bình Nhưỡng”, thay vì định nghĩa chính xác việc giải trừ vũ khí hạt nhân mà chính phủ Mỹ từng nói sẽ đề cập mạnh mẽ trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Họ còn cảnh báo tính suông rỗng trong ngôn ngữ Tuyên bố chung Sensosa cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh chưa làm được gì nhiều để có thể thu hẹp bất đồng giữa hai bên về cách giải trừ vũ khí hạt nhân.

Bà Mira Rapp-Hooper, nhà nghiên cứu cấp cao ở Đại học Yale, nói: “Tiến đến cuộc gặp thượng đỉnh, Mỹ-Triều không thể hòa giải về cách định nghĩa phi hạt nhân, và nghịch lý là sự thất bại này lại cho phép họ đối thoại. Bằng cách bỏ qua những định nghĩa rõ ràng trong Tuyên bố chung về “hoàn toàn phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”, một lần nữa họ thất bại trong việc đạt đến mục tiêu chung”.

Ông Kelsey Davenport, một thành viên Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (Mỹ) nói: “Ông Pompeo đang cho rằng Triều Tiên cùng chia sẻ cách diễn giải của ông ấy “hoàn toàn phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên” bao hàm “có thể kiểm chứng”. Đó là một kết luận nguy hiểm vì trước đây Triều Tiên khai thác sự không rõ nghĩa để phá vỡ các thỏa thuận”.

Chuyên gia không tin các cuộc đàm phán khác sẽ thành công

Sau cuộc gặp ông Kim, ông Trump còn gây bất ngờ cho nhiều người, nhất là bên quân đội Mỹ, khi Tổng thống tuyên bố ngưng tập trận chung Mỹ-Hàn trong thời gian tiến hành phi hạt nhân hóa.

Các chuyên gia nói ông Kim giành thắng lợi, vì nhận được quá nhiều nhượng bộ từ ông Trump.

Ông Harry Kazianis, giám đốc mảng nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm vì quyền lợi quốc gia (Mỹ) nói với Newsweek: “Việc kế tiếp phải là thật sự điều tra ý đồ thật của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ sớm phát hiện liệu việc cho ông Kim cuộc gặp thượng đỉnh và hưởng nhiều nhượng bộ, cùng việc ngưng tập trận chung Mỹ-Hàn, đã đủ để Bình Nhưỡng thật sự tuân thủ một kế hoạch giải giáp vũ khí hạt nhân cụ thể hay chưa”.

Ông Kazianis nói thêm: “Tôi hy vọng các cuộc đàm phán trong vài tuần tới sẽ mạnh hơn. Thực tế có nhiều khả năng chúng sẽ thất bại”.

Khi lại được hỏi về các xác minh Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân, Ngoại trưởng Pompeo đáp: “Vẫn còn một đường dài phải đi, phải suy nghĩ nhiều, nhưng đừng nói những điều ngớ ngẩn vì không có ích lợi gì cho bạn đọc của quý vị và cho thế giới”.

Ông Pompeo nói Tuyên bố chung Sentosa không chuyển tải tất cả các nội dung mà Mỹ-Triều đã nhất trí. Ông cho biết sẽ sớm có những cuộc đàm phán song phương và ông bày tỏ “việc giải trừ” sẽ hoàn tất trong 2 năm rưỡi tới, trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ.

Tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha, ông Pompeo nói: “Ông Kim Jong-un hiểu rõ sự cần thiết giải trừ vũ khí hạt nhân và chúng tôi phải nhanh chóng thực hiện việc này. Chúng tôi sẽ đạt đến sự phi hạt nhân hoàn toàn và chỉ sau đó, chúng tôi mới dở bỏ lệnh cấm vận. Những sai lầm của quá khứ là vì hỗ trợ kinh tế trước khi họ giải trừ hoàn toàn vụ khí hạt nhân”.

Ngoại trưởng Pompeo còn ủng hộ việc ông Trump viết Twitter “không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”, dù ông Kim vẫn đang giữ kho vũ khí hạt nhân và nhiều tên lửa đạn đạo.

Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm Bình Nhưỡng

Trong khi đó, báo Yomiuri ngày 14.6 đưa tin chính phủ Nhật Bản đang thu xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Shinzo Abe với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Tờ báo Nhật dẫn nhiều nguồn tin, còn nêu khả năng Thủ tướng Abe sẽ thăm Bình Nhưỡng trong khoảng tháng 8 tới. Và trong vài tháng gần đây, quan chức Nhật-Triều gặp nhau nhiều lần để tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Trong trường hợp việc ông Abe thăm Bình Nhưỡng không thể xảy ra, Nhật Bản sẽ tính đến kịch bản ông Abe gặp ông Kim ở bên lề Diễn đàn Kinh tế Đông Á, vốn sẽ được tổ chức ở Vladivostock (Nga) vào tháng 9 tới, nếu ông Kim đến dự, theo báo Yomiuri.

Một nguồn tin chính phủ Nhật biết chuyện, cho Reuters hay rằng tại một hội thảo quốc tế về an ninh Đông Bắc Á (tổ chức ở Mông Cổ trong hai ngày 14 và 15.6), các quan chức Nhật-Triều sẽ bàn cách tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Abe với ông Kim.

Nguồn tin này còn nói chưa thể rõ ông Abe sẽ dự Diễn đàn Kinh tế Đông Á hay không, vì trong tháng 9, đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của ông sẽ tổ chức cuộc tranh cử chức thủ lĩnh.

Sau cuộc gặp lịch sử với ông Kim ngày 12.6, Tổng thống Mỹ tuyên bố ngưng tập trận chung Mỹ-Hàn. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đã nói các cuộc tập trận này là cần thiết cho an ninh khu vực Đông Nam Á.

Triều Tiên từng phóng ít nhất 2 quả tên lửa bay qua Nhật trong năm 2017, khi muốn phát triển một loại vũ khí có thể gắn đầu đạn hạt nhân để tấn công lãnh thổ Mỹ.

Nhật dự tính đóng góp vào quỹ giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng chỉ sau khi IAEA tái khởi động công tác thanh sát, theo người phát ngôn chính phủ hôm 13.6.

Thủ tướng Abe từng có lời hứa chính trị, là quyết tâm giải quyết vấn đề công dân Nhật từng bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc. Ông Abe cũng nói Nhật vẫn chưa hỗ trợ kinh tế Triều Tiên cho đến khi nào giải quyết xong các vấn đề này, cùng việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Bích Ngọc (theo Guardian, Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều: Tuyên bố chung bị chê suông rỗng