Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra các đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng xen kẽ các trận mưa trong tháng 6 và 7, cộng thêm tác động của một số đợt gió nồm về đêm nên có sương, dẫn đến sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và diễn biến phức tạp.
Hiện nay trên toàn tỉnh Nghệ An đã gieo, cấy được hơn 69.000ha lúa hè thu. Trong đó, diện tích lúa cấy hơn 27.000ha, diện tích gieo thẳng hơn 42.000ha.
Theo ông Phan Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh Nghệ An, do điều kiện nắng hạn dẫn đến thiếu nước ngay từ đầu vụ nên diện tích lúa hiện nay trên đồng ruộng được bố trí gieo cấy thành khá nhiều trà (tập hợp số thửa ruộng được gieo cấy và thu hoạch cùng một thời điểm). Trà sớm đang hình thành và phát triển đòng, trà trung đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ và kết thúc đẻ nhánh. Xen kẽ trong 2 trà trên, có một phần diện tích lúa hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh.
Như vậy, trên cùng một cánh đồng có thể tồn tại cùng lúc nhiều trà lúa, ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Đặc biệt, do thiếu nước và một số khu vực trũng bà con nông dân không bố trí sản xuất vụ hè thu và để lúa chét (lúa tái sinh trên gốc rạ) nên tình hình sâu cuốn lá nhỏ và một số sâu bệnh hại lúa phát sinh, diễn biến khá phức tạp.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, sâu cuốn lá nhỏ đã phát sinh hại lúa tại các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… Tổng diện tích lúa bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên toàn tỉnh là khoảng 16.000ha, trong đó diện tích cần phun thuốc diệt trừ là khoảng 6.500ha.
Do gần đây có nhiều trận mưa nên sâu cuốn lá nhỏ phát sinh rất thuận lợi. Hiện tại bà con nông dân ở các huyện đã ra quân phun trừ sâu cuốn lá nhỏ.
Đặc điểm sinh học của sâu cuốn lá nhỏ
Ông Phan Duy Hải cho biết, sâu cuốn lá nhỏ có thời gian đẻ trứng từ 6 - 7 ngày, giai đoạn sâu non từ 14 - 16 ngày, giai đoạn nhộng từ 6 - 7 ngày, trưởng thành sống 2 - 6 ngày.
Tùy thuộc vào diễn biến thời tiết, vòng đời sâu cuốn lá nhỏ dao động từ 25 - 32 ngày. Sâu trưởng thành hoạt động đẻ trứng về đêm, ban ngày ẩn nấp, có xu tính mạnh với ánh sáng, con cái mạnh hơn con đực. Sâu cái trưởng thành thường tìm những ruộng xanh tốt để đẻ trứng, mỗi con có thể đẻ trên 100 quả trứng, rải rác trên lá lúa. Sâu non rất linh hoạt, có thể bò khắp trên lá, chui vào lá nõn, mặt trong bẹ lá hoặc bao lá cũ; nhả tơ ở mép lá và cuốn thành tổ nằm trong đó gây hại. Sâu có khả năng di chuyển ra khỏi tổ cũ để phá hại lá mới, mỗi con sâu non có thể phá hại từ 5 - 10 lá. Thời gian di chuyển của sâu cuốn lá thường vào buổi chiều tối, ngày trời mưa hoặc râm mát thì chúng có thể di chuyển bất cứ lúc nào trong ngày.
Sâu non đẫy sức chuyển màu hồng và chui ra khỏi tổ, bò xuống gốc lúa, bẹ lá, dệt kén mỏng hoá nhộng nhưng cũng có thể hoá nhộng ngay trong tổ cũ. Sâu cuốn lá nhỏ có tập tính thích tập trung gây hại ở những ruộng lúa xanh tốt, ruộng ven làng, ven hồ, đặc biệt là những ruộng bón phân không cân đối và bón nhiều đạm.
Biện pháp phòng trừ
Sau khi phát hiện sâu cuốn lá non phát sinh ở một số nơi, Chi cục TT-BVTV tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng 4 kiểm tra diễn biến phát sinh, phát triển của sâu cuốn lá nhỏ để khuyến cáo các địa phương tổ chức phòng trừ kịp thời và có hiệu quả.
Cơ quan chức năng và bà con nông dân theo dõi sát diễn biến của sâu non, xác định cụ thể những khu vực đồng ruộng có mật độ sâu gây hại cao, khả năng làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của lúa.
Cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời trên những diện tích có mật độ sâu non cao (trên 50 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ đẻ nhánh, trên 30 con/m2 trên trà lúa đứng cái làm đòng) bằng cách phun theo liều lượng khuyến cáo các loại thuốc đặc hiệu có hoạt chất Indoxacarb, Chlorantraniliprole, Flubendiamide, Lufenuron,... như Clever 150SC, Virtako 40 WG, Prevanthon 5SC, Minecto Star 60 Wg, Viliam Targo 063 SC, Takumi 20WG, Nativo 750 WG, Lupenron 050SC…
Phó chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV tỉnh Nghệ An khuyến cáo, để hạn chế sâu cuốn lá nhỏ gây hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa, bà con nông dân cần chú ý áp dụng các biện pháp như làm sạch cỏ dại quanh bờ ruộng; bón phân cân đối, hợp lý; đặc biệt, bón phân đạm vừa phải, không bón lai rai.
“Quan trọng là nhất phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời sâu bệnh hại. Sau khi phun thuốc trừ sâu nếu gặp trời mưa phải tiến hành phun lại. Điều bà con nông dân rất cần lưu ý là phải phun thuốc khi sâu non mới nở mới có hiệu quả cao”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại các địa phương cần tăng cường cán bộ kỹ thuật bám ruộng, nắm bắt đúng diễn biến sâu hại trên từng cánh đồng để khuyến cáo bà con tổ chức phun trừ kịp thời, có hiệu quả, nhưng không để lạm dụng thuốc gây ảnh hướng tới môi trường cũng như phát sinh chi phí, công sức của người trồng lúa.