Bộ TT-TT đã chỉ đạo, điều phối ngăn chặn 1.530 trang web, blog vi phạm pháp luật (trong đó có 559 trang lừa đảo trực tuyến); bảo vệ hơn 2,7 triệu người để không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến.
Theo số liệu từ Bộ TT-TT, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT) mạng ước đạt 2.154 tỉ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022, và đạt 39,35% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài đạt 45%, giảm 19,2% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Tổng số lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ATTT mạng đến nay là 3.601 người, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số hệ thống thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước là 3.094 hệ thống, trong đó có 1.949 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đạt 63%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.362 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 4,2% so với 6 tháng đầu năm 2022 (6.641 cuộc).
Thời gian qua, Bộ TT-TT cũng đã chỉ đạo, điều phối ngăn chặn 1.530 trang web/blog vi phạm pháp luật (559 trang lừa đảo trực tuyến); bảo vệ hơn 2,7 triệu người để không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Tổng số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết quý 2.2023 là 6.087.810 chứng thư số, tăng 18,72 % so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, Bộ TT-TT cũng nhận định rằng còn 37% hệ thống thông tin của các bộ ngành và địa phương chưa phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ theo quy định của pháp luật về ATTT mạng, dẫn đến rủi ro pháp lý nếu xảy ra sự cố mất ATTT nghiêm trọng.
Mặc dù đơn vị chuyên trách về ATTT của các bộ ngành, địa phương đã tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn thường xuyên nhưng nhiều cơ quan, tổ chức được giao quản lý, vận hành hệ thống chưa chú trọng triển khai công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng cho biết tỷ lệ người trưởng thành có chữ ký số hiện vẫn còn thấp, người dân chưa quen với việc thực hiện giao dịch điện tử có sử dụng chữ ký số.
Để khắc phục những khó khăn trên, Bộ TT-TT cũng đề ra những giải pháp cụ thể, trong đó tập trung hướng dẫn, thúc đẩy các bộ ngành, địa phương sử dụng hiệu quả 2 nền tảng, gồm Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, và Nền tảng hỗ trợ điều tra số để hỗ trợ các bộ ngành, địa phương triển khai công tác quản lý nhà nước và thực thi bảo đảm ATTT.
Bộ chỉ đạo xây dựng sổ tay hướng dẫn xác định cấp độ và triển khai bảo đảm ATTT theo cấp độ; tăng cường, đẩy mạnh việc hướng dẫn các bộ ngành địa phương tích hợp tính năng ký số vào các cổng dịch vụ công. Theo Bộ TT-TT, 21/63 tỉnh, địa phương đã tích hợp thành công; 1/24 bộ ngành đã tích hợp thành công.
6 tháng cuối năm 2023, Bộ TT-TT sẽ phối hợp cùng Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cung cấp thông tin, đánh giá Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) nhằm duy trì thứ hạng 25 quốc tế của Việt Nam; đặc biệt đẩy mạnh hoạt động rà soát, phát hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.
Ngoài ra, bộ cũng sẽ triển khai Chương trình đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng bảo đảm ATTT cơ bản trên phạm vi toàn quốc; qua đó bồi dưỡng, tập huấn công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và hướng dẫn, đẩy mạnh sử dụng Nền tảng hỗ trợ bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, phục vụ quản lý và thực thi pháp luật về ATTT.