Trong khi Moscow ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, thì các tuyên bố về quyền tài phán của Bắc Kinh đe dọa lợi ích năng lượng béo bở của Nga ở Đông Nam Á. Trung Quốc đang tìm cách hất Nga ra khỏi Biển Đông

Sau những lời ca ngợi, Trung Quốc tìm cách hất Nga ra khỏi Biển Đông

Anh Tú | 19/10/2021, 07:27

Trong khi Moscow ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, thì các tuyên bố về quyền tài phán của Bắc Kinh đe dọa lợi ích năng lượng béo bở của Nga ở Đông Nam Á. Trung Quốc đang tìm cách hất Nga ra khỏi Biển Đông

Trung Quốc hoan nghênh trước mặt

Trung Quốc vừa lên tiếng hoan nghênh điều mà nước này gọi là “tình bạn sâu sắc” của Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi các nước trong khu vực giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông mà không có sự can thiệp của “các cường quốc ngoài khu vực”.

Chuyện là tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga ở Moscow hồi tuần trước, ông Putin bình luận rằng có “những lợi ích được định hướng một cách đối lập” nhưng quan điểm của Nga là “chúng ta cần cho phép tất cả các nước trong khu vực, không có sự can thiệp của các cường quốc ngoài khu vực, giải quyết tất cả các vấn đề tranh chấp đang nổi lên một cách bình tĩnh thông qua đàm phán, dựa trên các quy phạm cơ bản của luật pháp quốc tế”

Nhà lãnh đạo Nga không nêu "quyền lực" một cách cụ thể là ai trong các bình luận của mình tại một hội nghị ở Moscow hồi tuần trước nhưng dường như đang ám chỉ đến Mỹ.

Tổng thống Nga nói: “Theo ý kiến ​​của tôi, có tiềm năng cho điều đó (tự giải quyết một cách hòa bình), nhưng nó vẫn chưa được phát huy hết”.

Ngay sau đó, Trung Quốc mô tả nhận xét của Putin là “tích cực”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh rằng “tình hữu nghị sâu sắc giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin được xây dựng trên mức độ tin cậy cao”.

"Trung Quốc tin rằng bất kể tình hình quốc tế diễn biến như thế nào, quan hệ Trung Quốc-Nga sẽ luôn đi đúng hướng", ông Triệu nói.

Trước đó, Trung Quốc đã chỉ trích sự can dự của Mỹ vào khu vực, bao gồm cả chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi Mở, vốn đã chứng kiến ​​Washington và các đồng minh chủ chốt tăng cường hiện diện hải quân của họ ở Biển Đông.

Trung Quốc cũng chỉ trích thông báo gần đây về hiệp ước quốc phòng ba nước AUKUS giữa Úc, Mỹ và Anh, nói rằng nó sẽ gây mất ổn định và gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Nga bị chơi khó sau lưng

Fyodor Lukyanov, biên tập viên của tạp chí Nga trong quan hệ toàn cầu (Russia in Global Affairs), cho biết Nga đã và đang duy trì quan điểm trung lập trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Ông Lukyanov nói: “Nga không muốn can dự vào các tranh chấp ở Biển Đông và cố gắng giữ khoảng cách".

Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cảnh báo rằng “trong khi Moscow ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, thì các tuyên bố về quyền tài phán của Bắc Kinh đe dọa lợi ích năng lượng béo bở của Nga ở Đông Nam Á”.

Cụ thể, ba công ty năng lượng quốc doanh của Nga - Zarubezhneft, Gazprom và Rosneft khi tham gia vào các dự án dầu khí ở Biển Đông, đã vấp phải áp lực từ Bắc Kinh. Hoạt động khoan của Rosneft và Zarubezhneft đã từng bị các tàu Trung Quốc cản trở.

Gần đây nhất, hai giếng thăm dò do Zarubezhneft và đối tác Harbour Energy khoan ở Biển Natuna của Indonesia đã bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đi cùng với tàu khảo sát Haiyang Dizhi 10 bao vây.

Ông Storey cho biết Trung Quốc cũng đã đưa hai điều khoản vào văn bản dự thảo của Bộ quy tắc ứng xử (COC) cho Biển Đông mà Bắc Kinh đang đàm phán với khối 10 quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, có khả năng sẽ hất Nga khỏi các dự án năng lượng trong khu vực.

Một điều khoản trong dự thảo ghi rằng “chỉ các công ty năng lượng từ Trung Quốc và Đông Nam Á mới được tiến hành phát triển năng lượng chung ngoài khơi” ở Biển Đông; một điều khoản khác yêu cầu “không bên nào trong số 11 bên của COC nên tiến hành các cuộc tập trận quân sự với hải quân nước ngoài ở Biển Đông mà không có sự đồng ý trước của tất cả các bên”.

Storey nói: “Tôi không nghĩ rằng các nước Đông Nam Á sẽ đồng ý với một trong hai điều khoản này”. Tuy nhiên, cho đến nay lập trường của Nga vẫn là “càng ít tham gia vào các tranh chấp ở Biển Đông, thì sẽ an toàn hơn cho các lợi ích kinh tế tương lai của Nga”, theo Lukyanov. Và người ta vẫn chưa biết liệu những tranh chấp đó có đạt đến độ sôi để buộc Điện Kremlin phải hành động hay không.

Ngày 26.8, Tân Hoa xã đăng tải bản tin về cuộc điện đàm giữa ông Putin với ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, cũng đề cập về vấn đề Biển Đông. Trong đó, bản tin nêu: “Ông Putin cho biết Nga kiên quyết tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, kiên quyết ủng hộ các lập trường hợp pháp của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi trong các vấn đề liên quan Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Biển Đông, đồng thời kiên quyết phản đối bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Việc bản tin dùng cụm từ “lập trường hợp pháp của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi” đồng nghĩa với việc Nga ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Thế nhưng, trả lời vừa nêu trong một cuộc họp báo diễn ra đầu tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga vẫn khẳng định lập trường của Moscow nhất quán và không thay đổi là “giữ lập trường trung lập và không đứng về bên nào trong” tranh chấp Biển Đông. Đây có thể xem là cách Moscow bác bỏ thông tin do Tân Hoa xã đăng tải ngày 26.8. Mặc dù vậy, Moscow cũng không ủng hộ “sự can thiệp từ bên ngoài”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau những lời ca ngợi, Trung Quốc tìm cách hất Nga ra khỏi Biển Đông