Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện chợ Lách cho rằng: “Sầu riêng xuất khẩu hiện nay lên ngôi. Đặc biệt, trái sầu riêng nghịch vụ có giá cao gấp 2 lần bình thường. Đây là vấn đề đang rất nóng ở các tỉnh phía Nam”.
Sầu riêng nghịch vụ lên ngôi
TS Bùi Thanh Liêm cho biết, hồi cuối tháng 2 ông có đi tập huấn về kỹ thuật xử lý sầu riêng ra hoa nghịch vụ cho nhà vườn ở Tây Ninh. Các vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ hiện nay trồng nhiều sầu riêng. Việc cho cây sầu riêng ra trái nghịch vụ có hiệu quả cao nên nhiều nơi đang ưa chuộng phong trào này. Tuy nhiên, theo ông Liêm, không phải vùng đất nào cũng thích hợp trồng sầu riêng và việc cho cây ra trái nghịch vụ không dễ như người ta tưởng. Mỗi vùng đất, mỗi giống sầu riêng, mỗi tuổi cây phải đáp ứng những tiêu chí nhất định thì mới áp dụng khoa học kỹ thuật để sầu riêng ra trái nghịch vụ một cách hiệu quả nhất.
"Từ năm 2023 đến nay, giá trị của trái sầu riêng ngày càng tăng. Các hộ nông dân bắt đầu đầu tư mạnh vào kỹ thuật canh tác sầu riêng, đặc biệt là xử lý ra hoa nghịch vụ. Miền Tây sở hữu địa hình bằng phẳng, nguồn nước tưới dồi dào rất thuận tiện cho việc sản xuất này. Để sầu riêng ra trái nghịch vụ thì trước đó cần đảm bảo cây sinh trưởng khỏe mạnh, bộ lá đủ lực nuôi trái. Ngoài ra, chỉ nên tiến hành áp dụng kỹ thuật xử lý sầu riêng ra hoa nghịch vụ đối với cây khỏe, từ 6 năm tuổi trở lên là hợp lý", TS Bùi Thanh Liêm cho biết.
Tại thị xã Bình Minh, hồi cuối tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Văn Y (ở xã Mỹ Thuận) canh tác 6.000m2 sầu riêng nghịch vụ, đã thu hoạch tổng cộng hơn 11 tấn trái. Giá bán mà ông Y thỏa thuận với thương lái khi cây mới ra trái là 118.000 đồng/kg. Giá trị thu về từ 6 công sầu riêng nghịch vụ của ông Nguyễn Văn Y là hơn 1 tỉ đồng.
Nông dân bắt nhịp nhanh khoa học kỹ thuật
Ông Lê Thanh Điền, xã viên HTX Phú Hựu (Châu Thành - Đồng Tháp) cho biết: “Hiện nay phần lớn người trồng sầu riêng đã nắm được kỹ thuật để cho sầu riêng ra hoa trái vụ. Ngay sau khi thu hoạch xong thì cần tiến hành các bước phục hồi sầu riêng, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây sau giai đoạn nuôi trái. Trước khi áp dụng các kỹ thuật kích thích ra hoa, nhà vườn phải tích cực phục hồi cây sao cho cơi đọt đầu tiên phải to khỏe, dày lá làm tiền đề cho các cơi đọt sau đó phát triển khỏe mạnh. Phải lấy được ít nhất 2 cơi đọt trước khi xử lý ra hoa nghịch vụ.
Thông thường ở giai đoạn này, sau khi cắt tỉa cành tạo lại tán là bà con thường phun xịt thuốc Boóc-đô, các thuốc có gốc đồng hoặc rải vôi để trừ nấm bệnh đã tồn tại trong suốt thời gian cây mang trái. Sau 3 - 5 ngày, họ tiến hành phun chất dinh dưỡng như dùng đạm cá phối chung với thuốc Humic của Mỹ và nấm Trichoderma… giúp cây hấp thu tốt nguồn dinh dưỡng, vừa tăng hệ vi sinh vật trong đất trồng”.
Theo ông Điền, nguyên tắc ra hoa của cây sầu riêng chính là đảm bảo đủ thời gian khô hạn liên tục từ 10 - 14 ngày. Do đó, để điều khiển cây sầu riêng ra hoa nghịch vụ (ra hoa vào mùa mưa) đòi hỏi người trồng phải tạo được điều kiện khô hạn cho vườn sầu riêng. Để làm điều này, người dân miền Tây đã chủ động đậy bạt kín mặt đất xung quanh khu vực rễ của cây sầu riêng, cùng với đó là phun xịt các chất hỗ trợ sự phát triển của mắt cua.
Người nông dân sẽ sử dụng chất kích thích Paclobutrazol nhằm thúc đẩy quá trình tạo mầm hoa, từ đó rút ngắn quá trình siết nước còn khoảng 3 - 7 ngày. Thời điểm xử lý nghịch vụ rơi vào tháng 5 âm lịch, như vậy thời gian thu trái sẽ rơi vào dịp Tết Nguyên đán. Vào thời gian này, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng rất cao nhưng lại ít nguồn cung, chính vì thế nên giá sầu riêng nghịch vụ thường cao gấp đôi sầu riêng mùa thuận.
Biện pháp phủ gốc (siết nước) trong mương khô kiệt có thể giúp cho sầu riêng ra hoa nghịch vụ. Hiệu quả việc này còn phụ thuộc vào từng giống, từng điều kiện thời tiết và khả năng quản lý mực nước trong mương. Thời gian khô hạn cần thiết để kích thích cho sầu riêng ra hoa từ 20 - 25 ngày.
GS-TS Trần Văn Hâu, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp - Trường đại học Cần Thơ cho rằng: "Hiện nay trái sầu riêng đang lên ngôi do thị trường Trung Quốc cần hàng với số lượng lớn. Theo tôi, nông dân không nên chạy theo phong trào nhân rộng diện tích cây trồng mà phải quan tâm, đầu tư về kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng cao. Bà con nông dân cũng nên đầu tư làm sầu riêng trái vụ để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sầu riêng của Việt Nam hiện còn rất khiêm tốn so với Thái Lan vì nước ta chưa có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này như họ. Tại Thái Lan, trong tháng 1 và tháng 2 họ không có sầu riêng, đây là cơ hội để Việt Nam chiếm lấy lợi thế cạnh tranh. Nếu làm nghịch vụ, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu trong các tháng Thái Lan không có sầu riêng. Thời vụ thu hoạch của Việt Nam là từ tháng 4 đến tháng 10, nhưng nông dân vùng ĐBSCL làm nghịch vụ cho thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3. Đây là thời điểm vàng trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc".