Mặc dù lượng hàng hóa về các chợ, siêu thị đã dồi dào song giá nhiều loại thực phẩm tươi sống, rau xanh, trái cây vẫn tăng và ở mức cao khi người dân quay trở lại thành phố ngày một đông hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, tại các chợ truyền thống ở TP.HCM, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn ở mức cao hơn so với ngày thường từ 20.000 - 50.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt heo vẫn giao động từ 90.000 - 150.000 đồng/kg, thịt bò 200.000 - 350.000 đồng/kg, thịt gà 75.000 - 150.000 đồng/kg.
Các loại hải sản, thủy sản giá còn cao hơn nhiều so với thời điểm trước Tết. Đơn cử như tôm thẻ giao động từ 180.000 - 220.000 đồng/kg; tôm sú từ 200.000 - 350.000 đồng/kg; cá chép từ 90.000 - 100.000 đồng/kg; nghêu từ 40.000 - 80.000 đồng/kg…
Mặt hàng rau xanh cũng tăng giá gấp 2 lần so với ngày thường, cụ thể cà chua từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg; nấm rơm từ 100.000 đồng/kg lên 200.000 đồng/kg; rau thơm các loại có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg; xà lách từ 35.000 - 60.000 đồng/kg; dưa leo 25.000 đồng/kg…
Một số tiểu thương tại các chợ nhỏ lẻ cho biết một số loại rau củ tăng giá nhiều so với trước tết do lượng khách mua hàng vẫn chưa cao. Riêng một số mặt hàng như khổ qua, cà chua, dưa leo đã tăng giá cao từ trong Tết dù nguồn cung vẫn dồi dào.
Chưa kể sau Tết, ngoài chợ nhiều loại rau tươi và đa dạng hơn trong siêu thị nên lượng khách mua đông hơn, kéo theo giá một số loại rau xanh và rau thơm như hành lá, húng quế, ngò rí, tía tô ở chợ giá cao hơn khoảng 20 - 25%. Còn tại các siêu thị, hàng hóa về chưa nhiều nên không ít mặt hàng nhanh chóng hết sớm.
Thời gian sắp tới, nhiều tiểu thương cho rằng giá thịt heo sẽ tăng mạnh trở lại do nhu cầu cho chế biến và tiêu dùng tăng, chi phí sản xuất (giống, vật tư) tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Còn giá các sản phẩm thịt bò, thịt gà sẽ dần ổn định hơn. Hiện tại, bò thăn dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn từ 140.000 - 160.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng rau củ, quả thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả ít biến động, riêng giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ.
Đáng chú ý, liên quan đến thị trường thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, tại buổi báo cáo nhanh với đoàn lãnh đạo và đại diện các ban ngành TP.HCM về tình hình kinh doanh tết Kỷ Hợi vừa qua, ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op nói rằng lượng khách mua sắm tại siêu thị tăng cao.
Cụ thể, ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers… của Saigon Co.op, lượng khách mua sắm dịp tết tăng cao, những tuần cận tết lượng khách tăng cao điểm gấp 4 lần. Đặc biệt suốt mùa tết không phát hiện hay ghi nhận trường hợp liên quan đến thực phẩm bẩn hoặc ngộ độc.
Tết Kỷ Hợi ghi nhận doanh số cao kỷ lục của Saigon Co.op với con số gần 1.000 tỉ đồng mỗi tuần, tương đương tổng doanh thu trong 8 tuần kinh doanh Tết đạt gần 8.000 tỉ đồng. Đây được xem là con số doanh thu cao kỷ lục trong mùa Tết của hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay.
Tương tự, Satra cũng cung ứng 3 tháng Tết Kỷ Hợi 2019 khoảng 21.987 tấn hàng hóa cho chương trình bình ổn thị trường, tăng 209%, tức thêm 12.638 tấn so với kế hoạch đăng ký với Thành phố và tăng 135% so với cùng kỳ, tương ứng số vốn 2.601 tỉ đồng.
Phan Diệu