“Sẽ đánh trượt ngay các thí sinh vi phạm một số lỗi trong sát hạch như: không đừng đèn đỏ, vi phạm đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt; thu hồi vĩnh viễn bằng lái với những lái xe để gây ra tai nạn nghiêm trọng”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Tại hội nghị tổng kết năm 2018 của Bộ GTVT ngày 11.1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2018chỉ có 2 chỉ tiêu số vụ và số người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm được theo mục tiêu, chỉ tiêu số người chết giảm chỉ 0,4% - không đạt được mục tiêu đề ra.
Chưa đạt mục tiêu giảm số người chết vì TNGT
Năm 2018, trên toàn quốc xảy ra hơn 18.700 vụ TNGT, làm chết hơn 8.200 người, bị thương hơn 14.800 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ, số người chết giảm 33 người, số người bị thương giảm 2.238 người.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, trong năm 2019 sẽ siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX ).
“Sẽ đánh trượt ngay các thí sinh vi phạm một số lỗi trong sát hạch như: không đừng đèn đỏ, vi phạm đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt; thu hồi vĩnh viễn bằng lái với những lái xe để gây ra tai nạn nghiêm trọng”, ông Thể khẳng định.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Hội cho biết, theo quy hoạch phát triển GTVT TP. Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt 20 - 26%, hiện nay mới đạt được 9,38%.
Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa, tốc độ dân số tăng nhanh, số lượng phương tiện tăng nhanh, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, cộng với các phương tiện từ tỉnh về, nên tình trạng ùn tắc giao thông vẫn có những diễn biến phức tạp. Công tác đảm bảo an toàn giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy trong 55 công trình trọng điểm thì có 36 công trình giao thông, ngân sách dành cho giao thông là 55%.
Tăng cường minh bạch trong BOT
Về công tác rà soát, xử lý các bất cập tại các dự án BOT, Bộ GTVT cho biết đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ đã đàm phán, phối hợp các bên liên quan dừng triển khai 13 dự án BOT cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu. Tiếp tục rà soát, xử lý các bất cập và chính sách phí theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16.5.2016 của Chính phủ.
Bộ GTVT cũng cho biết đã đàm phán với các nhà đầu tư giảm phí cho các phương tiện ảnh hưởng lớn giá thành vận tải; miễn, giảm phí cho người dân quanh trạm thu phí trong bán kính từ 5-10km tuỳ từng trạm tại hầu hết tất cả các trạm thu phí, tại hầu hết các các dự án.
Cũng theo Bộnày, thời gian qua đã tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc quản lý doanh thu thu phí tại các dự án BOT thông qua việc tích cực triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Đến nay, cơ bản các trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số trạm thu phí cửa ngõ các thành phố có lưu lượng lớn đã vận hành hệ thống thu phí không dừng như trạm An Sương -An Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL10....
Dự kiến đến hết năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng. Bộ GTVT cũng đã tổ chức rà soát tất cả các dự án BOT và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Chính phủ đã thông qua báo cáo rà soát và đánh giá cao sự nghiêm túc và hiệu quả trong quá trình Bộ GTVT xử lý các tồn tại, bất cập tại các dự án BOT.
Giải ngân chưa đạt
Báo cáo về công tác giải ngân tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhậtnhìn nhận, tính theo nguồn vốn, kết quả đến hết tháng 1.2019 sẽ giải ngân được 100% nguồn vốn ngân sách trong nước. Đối với nguồn vốn nước ngoài phải giảm trừ 1.835 tỉđồng, vốn trái phiếu Chính phủphải kéo dài giải ngân 1.130 tỉđồng sang năm 2019. Như vậy, tính kết quả riêng của năm 2018 thì công tác giải ngân chưa đạt được như mong muốn.
Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằngvề nguyên nhân khách quan, công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công có nhiều thủ tục hơn so với các quy định trước đây, nên tốn nhiều thời gian hơn gây ảnh hưởng chung tới tiến độ triển khai các dự án.
"Đối với việc giải ngân vốn nước ngoài còn có sự khác biệt về quy trình, thủ tục đấu thầu theo quy định trong nước và của nhà tài trợ;chênh lệch về niên độ tài khóa; quy định về mức vốn tối thiểu được làm thủ tục thanh toán, thủ tục ghi thu, ghi chi vốn đã thực hiện... Công tác GPMB của các dự án phức tạp, vướng mắc kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công", Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.
Tuy nhiên, ôngNguyễn Nhật cũng cho rằngkhông chỉ nguyên nhân khách quan, xét về mặt chủ quan, các đơn vị chủ đầu tư/ban quản lý dự án đăng ký nhu cầu kế hoạch cao hơn khả năng thực tế do lạc quan vào khả năng thực hiện của dự án, không lường trước được hết những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, các sự cố công trình, điều kiện thời tiết bất lợi...
Ông Nhật cũng cho biết, theo quy định của Luật đầu tư công, thời gian giải ngân kế hoạch hằng năm được kéo dài sang năm sau. Do đó, các đơn vị có tâm lý xây dựng nhu cầu giải ngân ở mức kỳ vọng cao (số vốn không giải ngân hết sẽ được kéo dài thực hiện, giải ngân sang năm sau).
"Trong quá trình điều hành triển khai các dự án, một số đơn vị còn chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư của các dự án; chưa chủ động, kịp thời rà soát nhu cầu vốn thực hiện dự án, xác định vốn dư trong quá trình thực hiện dự án để kịp thời báo cáo các khó khăn vướng mắc, đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Lam Thanh