Chỉ còn vài ngày nữa, các học sinh chính thức bắt đầu vào năm học mới 2022-2023 và hàng loạt các khoản chi tiêu, đặc biệt là những khoản "vận động" khiến không ít phụ huynh ngán ngẩm.
Những khoản thu mang tên "tự nguyện", "vận động"
Có lẽ điều phụ huynh quan tâm nhất khi bắt đầu bước vào năm học mới đó chính là những khoản thu bất kỳ từ Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc những khoản vận động, đóng góp từ phía nhà trường mang chữ "tự nguyện" khiến nhiều phụ huynh ngán ngẩm.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo đó việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Bên cạnh đó, Thông tư 55 cũng quy định rõ về những khoản tiền mà ban đại diện cha mẹ học sinh được thu, bao gồm kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng hàng loạt những trường hợp mới đây được đưa lên báo chí, mới thấy rõ những khoản đóng góp vô lý đều được đưa về phương án "tự nguyện", "vận động".
Đầu tháng 8 vừa qua, việc Hội phụ huynh lớp 1A Trường Tiểu học Đội Cung (TP Vinh, Nghệ An) bàn bạc đóng 300 nghìn đồng/cháu để chọn giáo viên chủ nhiệm cho con chuẩn bị lên lớp 2 khiến không ít người ngạc nhiên. Ngay sau khi vụ việc vỡ lỡ, Phòng GĐ-ĐT TP Vinh đã chỉ đạo Trường Tiểu học Đội Cung thông báo rõ cho phụ huynh về chủ trương của ngành, quy định của nhà trường và khẳng định không có việc dùng tiền để xin giáo viên chủ nhiệm lớp. Hội phụ huynh phải trả lại ngay tiền cho những phụ huynh đã đóng góp.
Ngay sau đó là các trường hợp trẻ lớp 1 phải đóng gần 1 triệu đồng để mua ghế, bảng, quỹ lớp, rèm cửa... tại trường tiểu học Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) với lý do "nhập gia tùy tục" khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Rồi tại Trường THCS thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) mỗi học sinh lớp 6 phải đóng 2 triệu đồng mà không có phiếu thu, không được giải thích nộp khoản tiền gì. Hay gần đây nhất là hàng loạt phụ huynh ở Trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) đều được vận động để đóng góp xây trạm biến áp tiền tỷ khiến nhiều người ngán ngẩm với hàng loạt khoản thu "trời ơi" mỗi khi đầu năm học tới.
Đầu năm học mới, phụ huynh đang phải đau đầu với các khoản chi "bất di bất dịch" như: sách giáo khoa, đồng phục, tiền bảo hiểm y tế, ăn bán trú (nếu có nhu cầu). Cho các con sinh hoạt các câu lạc bộ như cờ vua, cờ tướng, múa, võ, vẽ…. Và đã có phụ huynh phàn nàn về việc, sau khi con nhập học lớp 6 một trường THCS tại Hà Nội đã phải đóng tiền mua cả ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ hay "tự nguyện" đóng tiền mua điều hòa cho các con.
Siết việc lợi dụng danh nghĩa để thu tiền
Khi rất nhiều trường học, địa phương có những khoản thu không hợp lý khiến người dân phản đối, Bộ GD-ĐT cũng đã đưa ra những yêu cầu với các trường liên quan đến việc thu, chi đầu năm.
Đưa ra ý kiến của mình về các khoản chi mà phụ huynh phải oằn lưng gánh mỗi khi năm học mới bắt đầu, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Ngành giáo dục nên có quy định rõ ràng về các khoản thu nhằm giảm áp lực cho phụ huynh. Ngay đầu năm học này, có nơi, có trường còn yêu cầu học sinh phải đóng tiền bàn ghế mới được học. Trong khi quy định, Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên cho hệ thống trường công lập để dạy học. Phụ huynh hiện đang phải gánh quá nhiều khoản phí, trong đó có SGK giá cao, xây dựng trường lớp, mua điều hoà, máy chiếu, ăn bán trú, đồng phục… Cộng tất cả các khoản lại cho mỗi học sinh sẽ là khoản lớn cho phụ huynh. Với mức lương của cán bộ, công nhân viên chức hiện nay èo uột 5-6 triệu đồng sẽ rất khó gánh các mức chi cho giáo dục”.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Bộ GD-ĐT vừa có công văn số 4185/BGDĐT-VP đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động đầu năm học, trong đó có việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Cùng với đó hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Chú trọng các nội dung thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Các trường cũng chú ý các hoạt động dạy thêm, học thêm, quản lý và sử dụng sách tham khảo theo quy định của Bộ GD-ĐT, công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các địa phương, cơ sở giáo dục. Bộ GD-ĐT đề nghị xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.
Trên cơ sở yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT các tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu các trường học không nhận ủy quyền hoặc thay mặt sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng lạm thu, vận động hay tự nguyện mà các trường hay sử dụng để nhận tiền từ phụ huynh học sinh chính là do kinh phí chi nghiệp vụ của các nhà trường hiện nay không đảm bảo 100%. Nhu cầu mua sắm, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất ngày càng nhiều, trong khi không được “danh chính ngôn thuận” thu khoản tiền xây dựng khiến nhiều trường hay chính ban đại diện phụ huynh đã “lách luật”, đặt ra những khoản thu không có trong quy định nên mức thu mỗi nơi một kiểu...
Thực tế, các khoản thu phải có sự đồng thuận của phụ huynh và các trường phải công khai, thống nhất với phụ huynh. Nếu có sự bất thường trong thu, chi thì phụ huynh chính là “kênh” giám sát quan trọng, trung thực nhất. Thế nhưng, trong khi các cấp chính quyền cũng như ngành giáo dục chưa xử lý triệt để, hay vẫn còn nhẹ tay đối với các đơn vị vi phạm, nhiều bậc phụ huynh học sinh bức xúc nhưng lại không mạnh dạn lên tiếng phản đối, nếu có làm đơn gửi các cơ quan chức năng cũng không ký tên. Cùng với đó là tâm lý “đóng góp cho xong chuyện” đã khiến cho tình trạng lạm thu vẫn “nóng” mỗi khi bước vào năm học mới. Đây cũng chính là điều nhức nhối nhất của ngành giáo dục mỗi khi đầu năm học mới tới.
Trước thực tế này, cần Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ các trường học, chấn chỉnh lạm thu, vận động theo phương hướng "tự nguyện" của các phụ huynh và đừng để đầu năm học mới trở thành nỗi "ám ảnh" của nhiều người.