"Cần xét đến tính khả thi trong thực tế khi quyết định thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước. Nếu ủy ban này ra đời sẽ tạo ra sự chồng chéo trong quản lý, hoạt động với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).."

Siêu ủy ban 5 triệu tỉ: Cần xét tính khả thi vì dễ chồng chéo với SCIC

Duyên Duyên | 22/07/2016, 11:17

"Cần xét đến tính khả thi trong thực tế khi quyết định thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước. Nếu ủy ban này ra đời sẽ tạo ra sự chồng chéo trong quản lý, hoạt động với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).."

Đó là nhận định của ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khi trao đổi với báo chí về dự thảo thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước.

Theo đó, ông Tiến cho rằng, việc thành lập Uỷ ban thực hiện theo đúng Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 12, có nội dung tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu.

"Tuy nhiên, cần xét đến tính khả thi trong thực tế khi quyết định thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước. Nếu ủy ban này ra đời sẽ tạo ra sự chồng chéo trong quản lý, hoạt động với SCIC", ông Tiến nói.

Cũng theo Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, khi ủy ban này ra đời sẽ quản lý SCIC, trong khi hiện SCIC đang quản lý vốn tại các doanh nghiệp.

"Vậy tại sao không bàn giao các tập đoàn về SCIC luôn thay vì cho ra đời thêm mô hình ủy ban? Mô hình SCIC hiện nay tuy chưa đạt được yêu cầu như mong muốn nhưng một mặt nào đó đây là mô hình thích hợp nhất đối với Việt Nam", ông Tiến nhận định.

Bên cạnh đó, ông Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng, Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội muốn thành lập cơ quan quản lý vốn, tài sản thống nhất nhưng mô hình này lại chưa giải quyết được và mới chỉ phân cấp ở Trung ương, toàn bộ 63 doanh nghiệp ở địa phương sản xuất kinh doanh sẽ không được đưa về đây.

Mặt khác, một cơ quan thay mặt cho nhiều bộ ngành làm vấn đề quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh là rất khó khăn.

"Bởi mỗi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh khác nhau nên đòi hỏi cơ quan này phải có lượng lớn cán bộ chuyên môn sâu, am hiểu tham mưu phê duyệt các kế hoạch sản xuất kinh doanh từng lĩnh vực", ông Tiến nói.

Trên cơ sở đưa ra những phân tích, ông Tiến cho rằng nếu thành lập siêu uỷ ban này có thể rơi vào tình trạng cách đây hơn 10 năm khi thành lập SCIC.

Theo đó, đáng lẽ SCIC chỉ quản lý vốn đầu tư làm sao cho hiệu quả, nhưng SCIC giai đoạn này lại ôm cả việc quản lý lao động, sản xuất, kinh doanh.

“Như vậy, vô hình chung cơ quan này sẽ phải mời các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, sẽ thêm khâu trung gian. SCIC đã từng vướng và như vậy sẽ không hiệu quả”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trước đó, vào đầu tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, dự kiến thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, dự thảo đã công bố danh sách 30 Tập đoàn, Tổng công ty mà vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được chuyển giao cho Uỷ ban Quản lý, giám sát vốn và Tài sản nhà nước (Uỷ ban).

Trong đó có 9 Tập đoàn và 21 Tổng công ty đang nằm trong Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế.

Bộ Công Thương có đến 12 Tập đoàn và Tổng công ty trong danh sách và Uỷ ban cũng sẽ quản lý Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính được thành lập với chức năng tương tự như Uỷ ban này.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siêu ủy ban 5 triệu tỉ: Cần xét tính khả thi vì dễ chồng chéo với SCIC