Chiều 25.9, trong cuộc trao đổi với báo chí về chương trình sữa học đường đang được triển khai rộng rãi trên khắp địa bàn Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sữa học đường là loại sữa có nhiều vi chất, được dán tem riêng và không được bày bán ở ngoài thị trường.

Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định không có việc tính thi đua bằng mua sữa

Hải Yến | 25/09/2018, 21:21

Chiều 25.9, trong cuộc trao đổi với báo chí về chương trình sữa học đường đang được triển khai rộng rãi trên khắp địa bàn Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, sữa học đường là loại sữa có nhiều vi chất, được dán tem riêng và không được bày bán ở ngoài thị trường.

Chương trình "Sữa học đường" là hoàn toàn tự nguyện

Thời gian qua, một số phụ huynh có con học mầm non và tiểu học ở Hà Nội băn khoăn trước việc nhận được thông báo của cô giáo về đăng ký cho con tham gia chương trình sữa học đường trong khi bản thân phụ huynh hoàn toàn "mù tịt" về loại sữa, chất lượng sữa cũng như hãng sữa mà các con sẽ dùng trong thời gian tới.

Nhiều phụ huynh còn cho rằng, việc cho con tham gia chương trình sữa học đường sẽ gây thêm tốn kém vì giá cũng không rẻ hơn giá sữa ngoài thị trường. Bản thân bố mẹ cũng cho con mình sữa mang đến lớp để uống, hay tan học về nhà cũng có sữa uống. Nếu không tham gia thì sợ con mình bị cô giáo phân biệt đối xử. Vậy tính thiết thực của đề án này đến đâu?

Trả lời câu hỏi này của báo chí, ông Phạm Xuân Tiến cho biết chương trình sữa học đường được phụ huynh tự nguyện tham gia tại trường công lập và dân lập. Trẻ uống mỗi ngày một hộp 180ml. Đối với các em học sinh thuộc các gia đình chính sách như hộ nghèo, có công với cách mạng… được hỗ trợ 100%. Học sinh bình thường sẽ được trợ giá 50%, phụ huynh đóng góp 50%, giá tạm tính là 6.800 đồng/hộp.

“Một tháng phụ huynh học sinh đóng tiền uống sữa học đường hết 70.000 đồng, số tiền này tôi vẫn nói vui là bằng giá của hai bát phở ăn buổi sáng. Hiện Sở đang làm các thủ tục đấu thầu, vì vậy chưa thông tin đến phụ huynh hãng sữa nào sẽ cung cấp. Bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra, thời điểm đóng thầu sẽ là ngày 1/10 sắp tới. Nếu 90% học sinh Hà Nội uống mỗi ngày một hộp sữa thì có tới một triệu hộp được tiêu thụ mỗi ngày.

Tôi tin chỉ những hãng sữa lớn mới đảm nhiệm được việc cung cấp. Nếu chất lượng về sữa không đảm bảo, một bộ phận nhỏ học sinh uống sữa bị vấn đề thì thương hiệucó thể bị phá sản, thất thu. Về tiêu chuẩn sữa, ngành giáo dục sẽ làm việc với Bộ Y tế và Viện dinh dưỡng quốc gia”, ông Phạm Xuân Tiến cho hay.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội

“Ý kiến của phụ huynh học sinh muốn mang sữa về nhà nhưng chúng tôi muốn học sinh uống tại trường, thụ hưởng dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe, chiều cao. Mang về nhà không uống, bố mẹ không biết. Phải uống tại trường và chúng tôi có cơ chế kiểm soát còn phụ huynh muốn con mình uống sữa nào có thể kiểm tra thành phần, hãng sữa, hạn dùng bằng việc bảo con cầm vỏ hộp về nhà. Chủ trương của Sở GD-ĐT quán triệt đến hiệu trưởng các trường rằng, đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện. Dù trẻ đã đăng ký nhưng gia đình xét thấy không có nhu cầu thì có thể dừng hoặc phụ huynh đã đăng ký không dùng thì có thể đăng ký bổ sung. Không có chuyện ép buộc mà cũng không có chuyện tính thi đua bằng việc đăng ký mua sữa vì chúng tôi cũng chưa có tiêu chí xét thi đua trường hợp này thế nào" - ông Tiến trao đổi.

Cũng trả lời về việc đảm bảo hoàn toàn chất lượng sữa chứ không có chuyện sữa bị nhiễm khuẩn dẫn đến tình trạng trẻ bị ngộ độc như một số trường hợp đáng tiếc trước đây ở các tỉnh khác, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng đây là loại sữa mà Bộ Y tế đã đặt hàng riêng chứ không phải sữa ngẫu nhiên.

Sữa học đường là dự án nâng cao tầm vóc Việt

Từng là đơn vị hỗ trợ Bộ GD-ĐT xây dựng chiến lượcdinh dưỡng học đường,PGS-TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết:

PGS.TS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

"Viện Dinh dưỡng khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3 - 4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6 - 7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9 - 11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày. Với trường nào có sẵn sữa sẽ chuyển đổi sữa đang có thành sữa chua hoặc phô mai.

Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng để trẻ bị béo phì. Với mục tiêu bổ sung sữa cho trẻ em, cũng là căn cứ dựa theo đề án tổng thể nâng cao tầm vóc của người Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới” - bà Nhung khẳng định.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, với Đề án "Sữa học đường", trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tại Hà Nội sẽ được thụ hưởng chương trình trợ giá uống sữa theo năm học, từ năm học 2018- 2019 đến hết năm 2020. Với định mức mỗi trẻ mẫu giáo, học sinh được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.

Theo cơ chế hỗ trợ Đề án "Sữa học đường" trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học thuộc diện nghèo cận nghèo; học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách được uống sữa miễn phí. Trong đó ngân sách hỗ trợ 50% tiền sữa, Doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.

Đối với học sinh bình thường, ngân sách hỗ trợ 30% tiền sữa, Doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% tiền sữa, 50% tiền sữa sẽ do phụ huynh học sinh đóng góp. Mức giá một hộp sữa dự kiến tối đa là 6.800 đồng/hộp/180ml. Tức mỗi học sinh bình thường phải đóng góp 3.400 đồng/hộp, số tiền một tháng uống sữa là khoảng 70 nghìn đồng.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định không có việc tính thi đua bằng mua sữa