Theo truyền thông Malaysia, trung bình mỗi ngày có 2 người dưới 18 tuổi ở nước này mất tích.
Cậu bé Hud (10 tuổi) sống tại bang Penang cho biết nếu mẹ không thể đến trường đón mà phải nhờ người thân hay bạn bè, người đến đón phải nói đúng “mật khẩu an toàn” mà gia đình thống nhất từ trước thì cậu mới đi theo. Bà nội trợ Aini Syahirah Anuar - mẹ của Hud luôn cẩn trọng với sự an toàn của con trai mình. Vì vậy bà không khỏi lo lắng trước thông tin về vụ bắt cóc bé gái 6 tuổi xảy ra ngày 20.7 vừa qua.
“Sau khi cô bé mất tích, tôi cẩn trọng hơn lúc đưa Hud cùng anh em cháu đi mua giày. Tôi thường dành nhiều thời gian hơn để mua sắm cùng các cháu, nhưng hôm đó tôi chỉ thu xếp 1 tiếng đồng hồ. Lũ trẻ hỏi tôi sao lại lo lắng như vậy”, bà Anuar chia sẻ.
Bé gái 6 tuổi mất tích trong lễ hội Bon Odori diễn ra ở thành phố Iskandar Puteri (bang Johor). Cha mẹ bé đang trông coi một gian hàng. Vụ việc lập tức trở thành tâm điểm chú ý toàn quốc, thông tin liên tục xuất hiện, một số cá nhân/tổ chức không liên quan thậm chí còn treo thưởng cho người đưa cô bé trở về an toàn.
Cuối cùng bé gái được tìm thấy vào ngày 23.7 tại một khách sạn trên địa bàn thị trấn Batang Kali cách nơi mất tích khoảng 370km, trên cơ thể không có vết thương rõ ràng nào. Cảnh sát bắt giữ 5 nghi phạm nhưng 4 người đã tại ngoại. Động cơ bắt cóc vẫn là ẩn số.
Hai ngày sau, sĩ quan đứng đầu phòng điều tra tội phạm lực lượng cảnh sát Malaysia Mohd Shuhaily Mohd Zain cho biết số vụ mất tích chưa đến mức đáng lo ngại dù theo chiều hướng gia tăng. Mặc dù vậy truyền thông nước này xác định trung bình mỗi ngày có 2 người dưới 18 tuổi mất tích.
Vào tháng 2, quan chức cảnh sát cấp cao Siti Kamsiah Hassan nói với tờ The Sun rằng từ năm 2021 - 2023 họ giải quyết được 95,56% trong số 2.275 vụ trẻ em mất tích: “Chúng tôi nghi ngờ một số vụ chưa giải quyết liên quan đến sự cố như chết đuối trên sông hoặc lạc trong rừng”.
Số trẻ em mất tích ở Malaysia thời kỳ từ 2021-2023 lần lượt là 594 - 902 - 779. Người dưới 18 tuổi ở nước này chiếm gần 1/3 tổng dân số (32 triệu). Theo ông Hassan, khoảng 65% trẻ em mất tích 3 năm qua là trường hợp bỏ nhà ra đi và thường tự trở về sau vài ngày.
Còn số trẻ còn lại thì 26,15% mất tích không rõ lý do; 4,31% trốn khỏi trường học hoặc nơi ở; 3,38% liên quan đến tai nạn và chính quyền chưa nhận dạng được nên cũng xem như mất tích; 0,7% bị chính cha hoặc mẹ bắt cóc.
Hơn một nửa thuộc độ tuổi 13 - 15, chưa tới 2% dưới 6 tuổi. Một số trường hợp bỏ nhà đi nhiều lần, hiện tượng mà chuyên gia phân tích Kamal Affandi Hashim đánh giá là vô cùng đáng ngại.
“Phải có lý do gì đó không ổn ở nhà nên chúng mới làm vậy. Tuy nhiên tôi không nghĩ là bạo lực gia đình hay quấy rối tình dục, vì nếu đúng thì các em đã không quay về”, ông Hashim phân tích.
Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Suka Society Anderson Selvasegaram không loại trừ khả năng gần 4% số trẻ chưa rõ tung tích bị dụ dỗ bán sang nước khác để lao động.
Đầu tháng 4, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Saifuddin Nasution báo cáo với quốc hội rằng còn 139 nạn nhân của tổ chức lừa đảo việc làm vẫn bị mắc kẹt ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác kể từ tháng 9.2021. Trong cùng thời gian họ thành công giải cứu 331 trên tổng số 470 nạn nhân.
Anuar quyết không để con mình trở thành nạn nhân. Tuần trước bà đón Hud muộn và biết rằng có người lạ đã tiếp cận cậu bé bên ngoài trường, nói với cậu là mẹ nhờ đưa về nhà. May mắn Hud chạy vào trường báo giáo viên. Vụ việc khiến Anuar nghĩ đến biện pháp đặt ra “mật khẩu an toàn”.
Một công chức kể với trang Straits Times rằng mình đã vô cùng sợ hãi khi con trai 15 tuổi bỏ nhà đi sau cuộc cãi vã cách đây 2 năm. Cậu bé đến nhà giáo viên dạy kèm và được khuyên quay về.