Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa đông xuân muộn có 6.000ha canh tác ngoài kế hoạch, trong đó khoảng 1.000ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn.
Ngày 25.3, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát tình hình hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề.
Kế Sách là huyện nông nghiệp nằm ven sông Hậu có điều kiện tự nhiên phù hợp việc trồng cây ăn trái và sản xuất lúa 3 vụ. Hiện nay diện tích đất trồng lúa hơn 9.300ha và trồng cây lâu năm là trên 18.000ha.
Lãnh đạo UBND huyện này cho biết, tình trạng mặn xâm nhập bắt đầu từ cuối tháng 12.2023. Đến nay, đã có 4 đợt mặn xâm nhập với độ mặn cao nhất tại Vàm Nhơn Mỹ 6,7‰, tại thị trấn Kế Sách 5,1‰. Tại khu vực ấp Cây Sộp Bồ Đề thuộc vùng cuối nguồn, nước mặn không thoát ra có nguy cơ ảnh hưởng 30ha, trong đó có 10ha lúa.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 8.2 đến 1.3, xâm nhập mặn bắt đầu vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu và có xu hướng ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp nước sản xuất cho địa bàn Long Phú - Tiếp Nhật và Kế Sách.
Theo quan trắc và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các đợt xâm nhập mặn cao nhất năm trên tuyến sông Hậu tập trung trong tháng 2 và 3 (độ mặn tại Đại Ngãi, Nhơn Mỹ thường xuyên ở mức trên 8g/lít) gây khó khăn trong việc vận hành công trình thủy lợi lấy nước phục vụ sản xuất vùng Long Phú - Tiếp Nhật.
Về tình hình thiệt hại, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, để làm sớm công tác phòng, chống xâm nhập mặn ngay từ đầu mùa khô, ngành nông nghiệp đã chủ động tạo mọi điều kiện để nông dân vùng có nguy cơ nhiễm mặn thực hiện thắng lợi vụ đông xuân 2023-2024. Tuy nhiên, do giá lúa đang tăng cao nên một bộ phận nông dân tiếp tục sản xuất vụ đông xuân muộn (vụ 3) vào thời gian cao điểm diễn ra xâm nhập mặn, nguy cơ rủi ro cao về thiếu nước, ngộ độc phèn.
“Tính đến ngày 23.3, tại huyện Long Phú, người dân sản xuất lúa ngoài kế hoạch của ngành nông nghiệp 6.000ha. Trong đó, khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn, nguy cơ thiếu nước cho diện tích lúa này rất cao. Hiện tại, chúng tôi cũng đang cố gắng duy trì, tiếp nước cho bà con để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại”, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng báo cáo.
Ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Vì diện tích lúa này không nằm trong kế hoạch nên phần lớn bị thiệt hại do thiếu nước và ngộ độc phèn. Hiện tại, chúng tôi cũng đang cố gắng duy trì, tiếp nước cho bà con để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại”.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã kiểm tra công trình cống âu Rạch Mọp thuộc Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, công trình cống âu Rạch Mọp triển khai xây dựng tại huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Vị trí công trình nằm trên sông Rạch Mọp với các hạng mục gồm: cống, âu thuyền, bờ kè, nhà quản lý, hệ thống quan trắc, giám sát. Nhiệm vụ của công trình là kiểm soát mặn, giữ ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững trực tiếp cho 19.220ha đất tự nhiên trên địa bàn các huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú và TP.Sóc Trăng, giảm thiểu ảnh hưởng do hạn mặn gây ra với diện tích tự nhiên trên 36.000ha thuộc tỉnh Sóc Trăng và một phần của Hậu Giang...
“Kinh phí công trình cống âu Rạch Mọp là 550 tỉ đồng. Hiện tại, đơn vị phấn đấu hoàn thành công tác lắp đặt cửa van, vận hành ngăn mặn trên sông Rạch Mọp cuối năm 2024”, đại diện chủ đầu tư thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương trong việc ứng phó với hạn mặn. Đồng thời, lưu ý các địa phương cần xem ngành nông nghiệp là trụ đỡ trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Vì thế, bên cạnh tập trung ứng phó với cao điểm hạn mặn thì ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương cần quan tâm đến các giải pháp lâu dài.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với địa phương rà soát, lập kế hoạch kiểm tra hoạt động của các cống trên địa bàn, kịp thời sửa chữa những cống xuống cấp, đảm bảo các cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn hoạt động có hiệu quả.