Từ ngày 13-16.4, người dân tộc Khơme ở Sóc Trăng phấn khởi đón mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của dân tộc. Khác với những năm trước, Tết năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường.

Sóc Trăng: Người Khơme ‘lặng lẽ’ đón mùa tết Chôl Chnăm Thmây

Xuân Lương | 15/04/2020, 14:15

Từ ngày 13-16.4, người dân tộc Khơme ở Sóc Trăng phấn khởi đón mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của dân tộc. Khác với những năm trước, Tết năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường.

Nhưng không vì vậy mà Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khơme Sóc Trăng lại kém vui. Trong nỗ lực chung tay cùng với nhân dân cả nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bà con đón mừng năm mới trong không khí ấm cúng, giữ gìn nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa nêu cao tinh thần chống dịch, đảm bảo an toàn cho gia đình…

Ở chùa Com Pong Mean Chây Tứk Pray (bà con gọi là chùa Nước Mặn) ở ấp 5, TT.Long Phú (H.Long Phú), những năm trước vào những ngày này, dòng người nườm nượp đổ về chùa. Nhưng sáng 15.4, khuôn viên chùa vẫnyên tĩnh, gần như không có người vào (trừ một số người được giao công việc theo quy định).

Anh Lý Qoanh Na (phật tử của chùa, nhà ở ấp Nước Mặn 1) cho biết: “Bằng giờ này của các Tết trước, hàng ngàn người kéo nhau vào chùa làm lễ, gần như phải nhích từng bước một. Nhưng năm nay, do dịch bệnh và có chỉ thị từ chính quyền nên bà con chủ yếu ở nhà làm lễ chứ không vào chùa. Tết nhà nào ở nhà đó, như vậy cũng yên tâm hơn trước dịch bệnh”.

Chùa Nước Mặn vắng lặng người- Ảnh: Vũ Phong

Ông Trần Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TT.Long Phú cho biết: “Chấp hành chỉ thị của Thủ tướng và của lãnh đạo, trước Tết, chúng tôi tổ chức các đoàn đến chùa, gặp gỡ sư trụ trì và Ban quản trị chùa tuyên truyền, vận động việc tổ chức đón Tết và công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho bà con. Chúng tôi rất phấn khởi khi bà con thực hiện tốt, không tổ chức lễ ở chùa, không tụ tập đông người”.

Ở xã Phú Mỹ (H.Mỹ Tú) là xã có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Khơme, không khí đón mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay cũng rất yên ả. Hầu hết bà con Phật tử hạn chế việc ra đường hơn so với những năm trước. Việc đón Tết cũng được tiến hành tại gia nhiều hơn so với những năm trước, nhà nào ăn mừng Tết tại nhà nấy nhằm tránh việc tụ tập đông người.

Ông Trần Cam (ấp Bét Tôn, xã Phú Mỹ) cho biết: “Năm nay có dịch bệnh nên bà con đã được nhà chùa và chính quyền tuyên truyền rất nhiều về việc phòng, chống dịch. Vì vậy, nhiều gia đình ở địa phương đón năm mới tại nhà, không tập trung vào chùa làm lễ như những năm trước. Các hoạt động phật sự khác trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây thì làm từ sớm và cũng đơn giản một phần. Tinh thần chung là đón năm mới đơn giản nhưng ấm cúng và cũng cố gắng làm đủ các nghi lễ truyền thống”.

Hòa thượng Trần Sia, trụ trì chùa Đay Ta Suôs ở xã Phú Mỹ, cho biết, năm nay nhà chùa đã tăng cường tuyên truyền vận động bà con phật tử bổn sóc trong những ngày tết hạn chế việc tập trung đông người. Phật tử khi đến chùa dâng cơm cho sư sãi cũng sẽ được ngồi cách quãng nhau rất xa. Nhà chùa cũng chuẩn bị sẵn khẩu trang cho Phật tử khi đến chùa.

Trong quá trình hành lễ, các sư sãi trong chùa cũng đeo khẩu trang và ngồi cách quãng nhau để đảm bảo an toàn cho cả sư sãi và phật tử. Ngoài ra,nhà chùa cũng chuẩn bị sẵn những chai nước rửa tay để khi đồng bào đến dâng cơm tại chùa có thể vệ sinh tay sạch sẽ nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe trong mùa dịch này.

Còn tại xã Thạnh Quới (H.Mỹ Xuyên), địa phương có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, việc đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay cũng được đồng bào tiến hành đơn giản và gọn nhẹ. Một số nghi lễ truyền thống cũng được người dân tiến hành sớm hơn mọi năm. Nhiều gia đình cũng hạn chế tập trung bà con, họ hàng trong ngày tết.

Một ngôi chùa Khơme ở TP.Sóc Trăng vào sáng 15.4- Ảnh: Vũ Phong

Ông Hoa Văn Hớn (ấp Hòa Khanh) cho biết: “Tết năm nay nhiều gia đình đón tết Chôl Chnăm Thmây đơn giản hơn những năm trước. Phần nghi lễ nào không quan trọng lắm thì bà con không làm hoặc làm đơn giản hơn mọi năm. Ngày tết nhiều gia đình cũng thực hiện dâng cơm lên chùa, nhưng sớt bát rồi về chứ không ở lại chùa dự lễ như những năm trước”.

Tại chùa Tăng Du, xã Lạc Hòa (TX.Vĩnh Châu), nhà chùa đã trang bị máy đo thân nhiệt nhằm kiểm tra thân nhiệt của từng người đến chùa và đặt chai nước rửa tay sát khuẩn tại nơi ra vào để bà con phật tử rửa tay.

Đại đức Tăng Hoành Na - Trụ trì chùa Tăng Du cho biết: “Nghi thức lễ rước đại lịch, đón chư thiên cũng không cho bà con tập trung đông người như trước. Đối với lễ cầu siêu, bà con phật tử ở nhà lập danh sách những người đã khuất gửi các tổ trưởng (Mê Vên), hoặc cử 1 người trong gia đình mang đến chùa. Đến khoảng 15 giờ ngày cuối cùng của Tết (ngày 16.4), khi trong chùa vắng người, sư sãi mới bắt đầu tiến hành làm lễ cầu siêu theo phong tục. Còn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhà chùa không tổ chức”.

Tại chùa Som Rong (P.5, TP.Sóc Trăng) những ngày tết không khí khá yên tĩnh, cũng không thấy người đến viếng chùa. Cổng chùa được đóng kín, trên cổng được dán nhiều áp phích hướng dẫn cách phòng chống dịch COVID-19. Bên trong chùa cũng không cờ phướn trang hoàng lộng lẫy như những dịp tết trước đây. Thượng tọa Lý Đức, trụ trì chùa Som Rong cho biết, năm nay chùa chỉ tổ chức tết đơn giản, tinh gọn và không tập trung phật tử.

Vũ Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Người Khơme ‘lặng lẽ’ đón mùa tết Chôl Chnăm Thmây