Trong 11 năm qua, vụ án liên quan đến gia đình cố doanh nhân nổi tiếng miền Tây Nam Bộ là bà Hoàng Thị Kim Anh đã qua 3 lần xét xử sơ thẩm và 3 lần phúc thẩm nhưng vẫn chưa kết thúc.

Sóc Trăng: ‘Nội chiến’ gia đình kéo dài 11 năm chưa có hồi kết

Huỳnh Hoa | 06/06/2021, 13:04

Trong 11 năm qua, vụ án liên quan đến gia đình cố doanh nhân nổi tiếng miền Tây Nam Bộ là bà Hoàng Thị Kim Anh đã qua 3 lần xét xử sơ thẩm và 3 lần phúc thẩm nhưng vẫn chưa kết thúc.

Sáng 4.6, ông Lê Bá Toàn (32 tuổi, đại diện ủy quyền của ông Đỗ Ngọc Quí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Anh, Sóc Trăng) cho biết doanh nghiệp này vừa có văn bản gửi Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để trình bày về một số nhận định trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 6 ngày 15.4 của TAND tối cao.

st1.jpg
Công ty TNHH Kim Anh tại TP.Sóc Trăng - Ảnh: Huỳnh Hoa

Nội dung văn bản do ông Quí ký có nội dung đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét quyết định số 6 vì kháng nghị này có nhiều quan điểm, lập luận không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong vụ án cũng như thực tế khách quan. Lập luận này được cho là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty Kim Anh.

Tranh chấp kéo dài hơn 1 thập niên

Theo hồ sơ vụ án, ông Quí hiện là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp giữa công ty và các thành viên, kéo dài 11 năm với 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm. Một trong những thành viên bị kiện đã qua đời là bà Hoàng Thị Kim Anh (mẹ ông Quí).

Ông Quí lớn lên trong gia đình 6 anh em, trong đó có 2 người cùng mẹ khác cha là ông Dương Việt Trung và Trương Tiết Thanh. Trên 40 năm trước, hằng ngày ông Quí cùng mẹ là bà Kim Anh ra chợ mua bán tôm tép. Năm 1992, DNTN Kim Anh được thành lập với vốn đầu tư 100 triệu đồng. Hai năm sau đó, Công ty Kim Anh thành lập, vốn điều lệ trên 2,8 tỉ đồng. Sau 9 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, vốn tăng lên trên 113 tỉ đồng.

Giấy đăng ký kinh doanh thể hiện bà Kim Anh sở hữu 30,75% vốn, ông Quí 36,39%. Bốn anh em còn lại của ông Quí là ông Dương Việt Trung, bà Đỗ Thị Ngọc Sương (mỗi người cùng tỷ lệ 10,46%), ông Đỗ Ngọc Tươi 0,94%, ông Đỗ Ngọc Tài 11%.

Qua nhiều lần xét xử, phía Công ty Kim Anh cho rằng vốn thành lập Công ty Kim Anh là từ tài sản của DNTN Kim Anh do ông Quí tạo nên. Những lần thay đổi và tăng vốn điều lệ, ông Quí đều nhờ mẹ với các anh em ký tên trên giấy tờ, chứ thực chất những thành viên này không biết gì về hoạt động của công ty. Từ đó, Công ty Kim Anh yêu cầu tòa án không công nhận tư cách thành viên của các bị đơn.

st2.jpg
Nội dung quyết định kháng nghị số 6 của TAND tối cao - Ảnh: Huỳnh Hoa

Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bà Kim Anh và các con cho rằng tất cả tài sản của Công ty Kim Anh là của bà Kim Anh đầu tư, không phải của ông Quí. Khi thành lập Công ty Kim Anh, người mẹ đã phân chia cho mỗi con một phần theo như ghi nhận trong giấy phép kinh doanh.

Các cấp tòa chỏi nhau

Trong 3 lần xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Sóc Trăng đều tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Kim Anh. Lần xử phúc thẩm đầu tiên năm 2012, HĐXX sửa án theo hướng không chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn; 2 lần còn lại đều hủy án sơ thẩm.

Ngày 15.4, Phó chánh án TAND tối cao Lê Hồng Quang (nay là Bí thư Tỉnh ủy An Giang) ký quyết định kháng nghị số 6, đề nghị Hội đồng Thẩm phán xét xử giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM. Kháng nghị này yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giao hồ sơ vụ án cho TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm chứ không trả về cho cấp sơ thẩm thụ lý lại như những lần trước.

Ông Lê Bá Toàn cho biết nội dung của kháng nghị số 6 mâu thuẫn với kháng nghị số 10 năm 2013 của Viện KSND tối cao và quyết định giám đốc thẩm số 33 (QĐ 33) năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Theo ông Toàn, QĐ 33 xác định toàn bộ tài sản của Công ty Kim Anh là do ông Quí tự đầu tư và việc thể hiện tên, tỷ lệ góp vốn trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chưa đủ cơ sở để khẳng định có sự tham gia góp vốn của các thành viên công ty.

QĐ 33 nêu ấn đề mấu chốt là phải xác định ông Quí hay mẹ là người góp vốn thực sự từ khi thành lập DNTN, vì các anh chị em của ông Quí đều thừa nhận vốn ban đầu là của bà Kim Anh. Khi chuyển thành công ty thì mẹ cho mỗi người một ít, bản thân họ không góp (những lần tăng vốn sau này là lấy từ lợi nhuận kinh doanh). Trong khi giấy phép thành lập DNTN Kim Anh năm 1992 thì ông Quí là chủ, địa chỉ doanh nghiệp là nhà riêng của vợ chồng ông Quí.

Lưu ý thứ hai của QĐ 33 nêu ra là các bị đơn cho rằng họ đều có phần vốn góp do bà Kim Anh cho nhưng 2 cấp tòa không yêu cầu các đương sự cung cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cũng như sổ đăng ký thành viên công ty là chưa đầy đủ và đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, tòa phúc thẩm sai lầm khi chỉ dựa vào tên và tỷ lệ góp vốn trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để kết luận các bị đơn là thành viên hợp pháp của công ty. Lẽ ra tòa phải làm rõ các phần vốn góp đó có được thể hiện trong sổ sách kế toán hay không và việc giao nhận số vốn góp đó có chứng từ và biên bản giao nhận hay không.

QĐ 33 còn gợi mở ra rằng khi giải quyết lại vụ án, tòa cần xác minh làm rõ các khoản lợi nhuận thu được qua từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp này. Nếu cần thiết thì trưng cầu cơ quan giám định có thẩm quyền để làm căn cứ xác định vốn góp của ông Quí và các thành viên khác của công ty. Tuy nhiên, các lần xét xử sau đó, TAND tỉnh Sóc Trăng lại không tuân thủ các yêu cầu và gợi mở này từ cấp trên khiến vụ án kéo dài.

Trong khi đó, kháng nghị số 6 cũng của TAND tối cao lại nhận định việc góp vốn của Công ty Kim Anh phù hợp với Luật Công ty năm 1990. Việc đại hội thành viên công ty họp ngày 21.12.1994 xác nhận phần vốn đã góp, tỷ lệ vốn góp của từng người, đồng thời thông qua điều lệ công ty là phù hợp với điều 25 và 27 của Luật Công ty. Từ đó, kháng nghị này cho rằng có cơ sở pháp lý xác định các thành viên sáng lập đã góp đủ vốn vào công ty.

st3-1.jpg
Nội dung quyết định 33 năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao - Ảnh: Huỳnh Hoa

“Cũng là một cấp tòa tối cao nhưng kháng nghị số 6 đi ngược lại QĐ 33 là không thể chấp nhận được”, ông Toàn nói. Đại diện cho các bị đơn, ông Dương Việt Trung thì cho rằng các thành viên Công ty Kim Anh đã góp vốn đầy đủ theo tỷ lệ được ghi trong giấy đăng ký kinh doanh. Việc này đã được Phòng Công chứng số 1 của tỉnh Sóc Trăng xác nhận để đủ điều kiện thành lập Công ty Kim Anh.

“Năm 1994 các thành viên góp vốn đủ một lần rồi qua công chứng xác nhận giá trị tài sản theo đúng Luật Công ty năm 1990. Các thành viên thừa nhận vốn góp này thông qua điều lệ công ty. Trong điều lệ, các thành viên đều ký xác nhận mỗi người đã góp bao nhiêu vốn vào công ty”, ông Trung nói.

Tại mục 3 trang 4 của quyết định kháng nghị số 6, TAND tối cao nêu: “Nguyên đơn khởi kiện cho rằng tài sản của DNTN Kim Anh chuyển sang, nhưng sau thời điểm thành lập Công ty TNHH Kim Anh thì DNTN Kim Anh vẫn còn hoạt động, đến năm 1998 mới giải thể”. Ông Quí cho rằng lập luận này không chính xác vì tháng 12.1994, DNTN Kim Anh đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế, không ký kết bất kỳ hợp đồng nào và tất cả tài sản cũng đã chuyển sang cho Công ty Kim Anh.

DNTN Kim Anh thời điểm này chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa về mặt pháp luật và do thủ tục hành chính kéo dài nên đến ngày 20.11.1998 mới thực hiện xong thủ tục giải thể. Tại quyết định số 917 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ngày 20.11.1998 cũng đã xác nhận lý do xin giải thể DNTN Kim Anh là để “chuyển đổi loại hình hoạt động thành Công ty TNHH”.

Bài liên quan
Thi hành kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch An Giang, Sóc Trăng
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Vương Bình Thạnh, kỷ luật khiển trách ông Trần Văn Chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
39 phút trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: ‘Nội chiến’ gia đình kéo dài 11 năm chưa có hồi kết