Do cho rằng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT) tính thuế Công ty Công Lý không hợp lý, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhiều lần gửi văn bản cho các cơ quan Trung ương nhưng chưa nhận được sự giải quyết thỏa đáng.

Cà Mau: Vì sao Công ty Công Lý nói bị chịu thuế oan hơn 26 tỉ đồng?

Hoàng Văn | 31/05/2021, 17:07

Do cho rằng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT) tính thuế Công ty Công Lý không hợp lý, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhiều lần gửi văn bản cho các cơ quan Trung ương nhưng chưa nhận được sự giải quyết thỏa đáng.

Không nộp tiền thì không kiểm tra thực địa, không bổ sung hồ sơ

Ngày 30.5, trao đổi với PV, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý, trụ sở tại đường Nguyễn Tất Thành, P.8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết công ty đang chịu thuế oan hơn 26 tỉ đồng. Để tránh những văn bản hối thúc của ngành thuế, Công ty Công Lý buộc phải nộp "thuế oan" hơn 10 tỉ đồng, còn nợ hơn 16 tỉ đồng.

dien-gio-1.jpg
Công ty Công Lý vẫn chưa sử dụng một phần diện tích mặt biển nào trong 1.968,8 hecta được giao trên giấy - Ảnh: Hoàng Văn

Ông Tô Hoài Dân cho biết, 5 năm qua, công ty đã có hàng chục văn bản gửi các cơ quan ban ngành từ trung ương cho đến địa phương hối thúc việc kiểm tra thực địa, cắm mốc cho dự án Nhà máy Điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau. Dự án này có quy mô 100 MW gồm xây dựng 50 móng trụ tua bin gió trên biển bằng bê tông cốt thép bền trên hệ cọc đài cao, xây dựng 27km cầu dẫn cáp bê tông cốt thép trên biển để đấu nối các tua bin gió. Ngoài ra còn có các hạng mục như nhà văn phòng ban quản lý dự án, nhà điều hành, nhà nghỉ công nhân.

Hệ thống hạ tầng điện gồm 1 trạm biến áp 22/110kV, 50 trạm biến áp 0.69/22kV trên các móng trụ, đường dây 22kV chiều dài 2,6km và hệ thống cáp ngầm đi trên cầu dẫn chiều dài 62km để đấu nối và dẫn điện các tua bin. Tổng số vốn đầu tư dự án này hơn 5.500 tỉ đồng.

Theo quyết định số 2115/2016 giao khu vực biển có diện tích 1.968,8 hecta cho Công ty Công Lý làm dự án điện gió, Bộ TN-MT đã ấn định rõ tiền thuê khu vực biển là 3 triệu đồng/ha/năm, thời hạn 30 năm. Thời gian tính tiền cho thuê bắt đầu từ ngày 14.9.2016. Nhưng Bộ TN-MT ghi rõ: trước khi sử dụng khu vực biển phải được bộ kiểm tra thực địa. Tức là nếu chưa kiểm tra thực địa, việc bàn giao ranh mốc mà công ty sử dụng là sai.

Sau 2 năm thực hiện dự án, năm 2018, công ty xây dựng trụ sở làm việc, trạm biến áp 110 KV với vốn đầu tư hơn 3 tỉ đồng, đường giao thông đấu nối vào ban quản lý dự án với số tiền 46 tỉ đồng. Ngoài ra công ty thực hiện các dự án chống sạt lở bằng nguồn vốn tự có với số tiền 70 tỉ đồng để giữ lại lượng đất cát bồi tụ thời gian dài và phòng ngừa xói mòn, bảo vệ đất đai rừng phòng hộ… Nhưng Bộ TN-MT vẫn chưa cử người tiến hành kiểm tra thực địa để cắm cột mốc.

Khi quyết định trên được triển khai, Công ty Công Lý nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ TN-MT kiểm tra thực địa, bàn giao cột mốc để công ty thực hiện dự án nhưng không nhận được trả lời. Ông Dân chua xót: “Các cơ quan chức năng không tiến hành kiểm tra thực địa, không cắm cột mốc, công ty không thể sử dụng. Thứ nhất sẽ vi phạm quyết định 2115/2016 giao khu vực biển có diện tích 1.968,8 hecta cho Công ty Công Lý làm dự án điện gió của Bộ TN-MT phải có kiểm tra thực địa, cắm mốc mới sử dụng. Thứ hai, không có cắm mốc, tôi sử dụng thì bị lực lượng biên phòng bắt giữ. Tôi thực hiện theo quyết định của Bộ TN-MT thì lại bị tính thuế oan”.

Ngày 9.8.2018, đại diện Công ty Công Lý ôm chồng hồ sơ đến Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam gửi hồ sơ đề nghị bổ sung quyết định giao khu vực biển. Hơn 1 năm sau, ngày 8.10.2019, ông Đoàn Quang Sinh, Cục trưởng Cục Quản lý và khai thác biển và hải đảo, thuộc Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, có văn bản số 309 gửi Công ty Công Lý. Theo văn bản trên, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng Công ty Công Lý chưa nộp tiền sử dụng khu vực biển theo quy định nên chưa đủ điều kiện để xem xét, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển theo quy định.

anh-dien-gio-12.jpg
Ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau (hiện là Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội) tặng hoa cho ông Tô Hoài Dân tại lễ khởi công dự án vào tháng 9.2016 - Ảnh: Hoàng Văn

Công ty tiếp tục khiếu nại khắp nơi nhưng không nhận được hồi âm. Ngày 5.2.2021, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam có văn bản số 117 phúc đáp. Theo đó, cơ quan này cho rằng do Công ty Công Lý chậm nộp tiền khu vực biển nên chưa kiểm tra thực địa. Đồng thời Tổng cục khẳng định khi nào Công ty Công Lý nộp đủ tiền thì mới kiểm tra thực địa. Trong khi phía Công ty Công lý cho rằng, mình chưa được giao khu vực biển (vì chưa cắm mốc) thì làm sao phải nộp thuế?

Cầu cứu các cơ quan chức năng

Theo ông Tô Hoài Dân, khi thực hiện dự án, công ty được lãnh đạo địa phương ủng hộ. Địa phương phát hiện nhiều bất cập cho nhà đầu tư và đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan trung ương cầu cứu nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Ngày 15.9.2017, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau từng có văn bản số 7252 gửi Bộ TN-MT, Bộ Tài chính và ghi rõ:

Dự án Điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau là dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nằm trong danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư trên địa bàn kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước. Tuy nhiên theo Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT ngày 7.12.2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ TN-MT thì nhà đầu tư phải nộp tiền sử dụng khu vực biển.

“Thực tế, Công ty Công Lý không khai thác, sử dụng tài nguyên biển… UBND tỉnh Cà Mau kính trình Bộ Tài chính, Bộ TN-MT miễn thu tiền sử dụng khu vực biển trong suốt vòng đời dự án để thực hiện chính sách nhất quán ưu đãi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp yên tâm đầu tư trên địa bàn tỉnh, văn bản trên ghi rõ. Thế nhưng, 2 bộ không đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Cà Mau.

Ngày 24.7.2020, Công ty Công Lý liên tục bị Cục Thuế tỉnh Cà Mau ra văn bản hối thúc việc thanh toán thuế oan hàng chục tỉ đồng. Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có báo cáo đề nghị Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam xem xét tham mưu cho Bộ TN-MT phối hợp với các Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan hướng dẫn việc thu tiền sử dụng khu vực biển đối với dự án Điện gió khu du lịch Khai Long - Cà Mau.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý phải xét đến yếu tố khách quan như: có quyết định giao nhưng thực tế Công ty Công Lý chưa khai thác sử dụng khu vực biển. Và cho đến nay, thuế mà công ty cho rằng mình bị oan tăng lên hơn 26 tỉ đồng.

Tại báo cáo số 80/BC-BTNMT ngày 14.9.2018 của Bộ trưởng Bộ TN-MT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà xác định: “Công ty Công Lý chưa thực hiện việc khai thác, sử dụng khu vực biển 1.968,8 hecta biển vào mục đích khai thác năng lượng gió và không sử dụng vào mục đích khác. Công ty Công Lý và UBND tỉnh Cà Mau đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ TN-MT, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển.

Tuy nhiên Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT chưa có quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển. Đây cũng là điểm hạn chế, bất cập, thiếu đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường cần nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới.

Bài liên quan
Cà Mau thông qua đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2024-2030
Ngày 29.3, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế tập thể có quy mô lớn tại địa phương trong nhiều năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Vì sao Công ty Công Lý nói bị chịu thuế oan hơn 26 tỉ đồng?