Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông trên toàn quốc tạo nên "cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách".

Sử dụng nhiều bộ SGK tạo ra lo lắng 'cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách'

Lam Thanh | 20/10/2022, 12:40

Việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông trên toàn quốc tạo nên "cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách".

"Cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách"

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng chuẩn bị các điều kiện dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, song nhiều ý kiến cử tri cho rằng, hiện nay thực hiện cải cách giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng.

Cụ thể như sách giáo khoa để cho học sinh lớp 10 chọn tổ hợp các môn, chương trình giáo dục theo sách giáo khoa mới chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dạy, người học và phụ huynh. Lý do là các môn học riêng biệt được tích hợp từ nhiều môn học thành môn khoa học tự nhiên, môn khoa học xã hội, môn nghệ thuật... Trong đó, mỗi phân môn gồm một số chương thể hiện sự sắp xếp chương trình gò ép dẫn đến bố trí giáo viên giảng dạy môn học rất khó khăn và thiếu sự thống nhất giữa các trường.

Đồng thời, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong các trường phổ thông trong toàn quốc tạo nên "cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách". Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách gây khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận với kiến thức.

Nhân dân còn lo lắng về thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các nhà trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn.

mttq.jpg
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Do đó, cử tri đề nghị đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng thay sách giáo khoa gây tốn kém, lãng phí, khó khăn cho giáo viên và học sinh; quy định hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa trong các trường phổ thông thống nhất trong toàn quốc; phối hợp với Bộ Nội vụ để có giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chấm dứt tình trạng chạy trường, chạy lớp, chạy học bạ, "bệnh thành tích" làm giảm chất lượng giáo dục, việc lạm thu các khoản "tự nguyện" vẫn còn xảy ra vào đầu mỗi năm học.

Lo lắng công tác điều hành giá xăng dầu

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi và phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững, những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng.

"Cử tri và nhân dân rất băn khoăn, lo lắng công tác điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu như do mức chiết khấu thấp người kinh doanh xăng dầu không có lãi nên đóng cửa hàng làm đảo lộn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất ở một số địa phương", Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, cử tri ở vùng nông thôn lo ngại giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, việc làm, thu nhập của người lao động còn gặp khó khăn... đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giảm thu nhập, khó khăn cho đời sống của người dân.

Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do giá đất tăng; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư, nhất là đối với các dự án mới kéo dài; năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế...

Áp lực lạm phát ở mức cao

Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 là 4,5%; với áp lực lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao trong năm 2023, Chính phủ cần lưu ý các thách thức khi thực hiện chỉ tiêu này.

Thêm vào đó, cần báo cáo cụ thể về việc xây dựng dự toán thu NSNN chi tương đương ước thực hiện năm 2022 trong điều kiện dự kiến tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4%.

Cụ thể: tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7%, thấp hơn mục tiêu 16% GDP bình quân của giai đoạn 5 năm 2021-2025; tỉ trọng thu nội địa 82,3%, thấp hơn mục tiêu khoảng 85-86%. Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc xây dựng dự toán thu NSNN tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi.

thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng năng suất lao động xã hội - một trong những chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu (ước tăng 4,7-5,2%, mục tiêu là 5,5%), trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến vượt khoảng 2% so với kế hoạch và GDP bình quân đầu người cũng dự kiến vượt kế hoạch. Điều này cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động.

Về chi NSNN, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm, vẫn là điểm nghẽn chưa được giải quyết hiệu quả. Việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1… còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần nghiên cứu, xem xét tính khả thi của chỉ tiêu 12 bác sĩ/10.000 dân, trong khi năm 2022 số bác sĩ trên 10.000 dân là 10 bác sĩ, đồng nghĩa với việc năm 2023 phải tăng thêm 20.000 bác sĩ. Tương tự, với chỉ tiêu số giường bệnh trên 10.000 dân, cần tăng 15.000 giường bệnh vào năm 2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng nhiều bộ SGK tạo ra lo lắng 'cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách'