Phân khúc giá rẻ đã và đang dẫn dắt thị trường TP.HCM trong khi các sản phẩm trung cấp đang hoạt động tốt nhất trong tất cả các phân khúc tại Hà Nội. Tại TP.HCM, phân khúc cao cấp đang thu hút sự quan tâm của tầng lớp siêu giàu trong nước và khu vực.

Sự khác biệt rõ rệt giữa thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM

11/12/2018, 12:58

Phân khúc giá rẻ đã và đang dẫn dắt thị trường TP.HCM trong khi các sản phẩm trung cấp đang hoạt động tốt nhất trong tất cả các phân khúc tại Hà Nội. Tại TP.HCM, phân khúc cao cấp đang thu hút sự quan tâm của tầng lớp siêu giàu trong nước và khu vực.

Khu đông tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM - Ảnh: Phan Diệu

Mỗi năm có hàng ngàn gia đình mới cần nhà ở

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn Savills Hà Nội vừa đưa ra những phân tích nhằm phác họa mức độ khỏe mạnh và triển vọng của thị trường nhà ở Việt Nam. Trong đó, bà Hằng nhận định trung bình hằng năm, số lượng hộ gia đình mới có nhu cầu nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 81.000 và 63.000.

Theo bà, nếu xét nhu cầu đến từ thâm hụt nhà ở xuống cấp thì con số này là 130.000 và 134.000, tạo ra một nền tảng vững chắc cho thị trường nhà ở tại 2 thành phố. Sự di dân kết hợp với tăng trưởng dân số tự nhiên tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM. Quy mô hộ gia đình ngày càng giảm cũng đem đến cho thị trường nhà ở nguồn cầu mới từ các gia đình nhỏ tách hộ, trong đó bao gồm cả hộ gia đình chỉ có một người.

"Thị trường nhà ở Việt Nam đang được hưởng lợi từ một cơ cấu nhân khẩu học vàng. Với 94 triệu dân, tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam so với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc... cho thấy còn rất nhiều dư địa cho việc mở rộng đô thị. Với tốc độ tăng trưởng 2,6% như hiện nay, đến năm 2030 69% dân số Việt Nam sẽ sinh sống tại khu vực đô thị”, bà nhận định.

Đáng lưu ý, Phó giám đốc Savills cho rằng có khác biệt rõ rệt giữa thị trường Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, phân khúc giá rẻ đã và đang dẫn dắt thị trường TP.HCM trong khi các sản phẩm trung cấp đang hoạt động tốt nhất trong tất cả các phân khúc tại Hà Nội. Tuy rằng phần lớn các khách hàng của cả 2 phân khúc này đều là người mua nhà để ở, song bà Hằng nhận định sự dẫn dắt của phân khúc trung cấp tại Hà Nội phần nào được giải thích bởi tâm lý khách hàng.

"Người mua nhà tại Hà Nội thường chú trọng nhiều hơn đến vị trí của dự án, đòi hỏi một vị trí gần trung tâm, thuận tiện đi làm, cho con cái đi học và dễ dàng kết nối đến các tiện ích như bệnh viện, siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà hàng... Chủ đầu tư vì vậy phải lựa chọn giữa việc phát triển dự án ở khu vực gần trung tâm với chi phí đất cao hơn hoặc đầu tư nhiều hơn vào các tiện ích nội khu cho các dự án xa trung tâm. Việc này đẩy giá của các sản phẩm nhà ở tại Hà Nội vượt lên ngưỡng giá của phân khúc bình dân, khiến nguồn cung và các giao dịch nhà ở tập trung chủ yếu ở phân khúc trung cấp”, bà Hằng nhận định.

Trong khi đó, với thị trường nhà ở TP.HCM, bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills TP.HCM nói rằng thị trường này đang được thúc đẩy bởi nguồn cầu nhà ở mạnh mẽ, trong khi đó phân khúc cao cấp đang thu hút sự quan tâm của tầng lớp siêu giàu trong nước và khu vực. Trong bối cảnh nguồn vốn dồi dào, sự gia tăng các chủ đầu tư nước ngoài và các chính sách vĩ mô phù hợp, thị trường nhà ở có triển vọng tăng trưởng đầy lạc quan.

Theo bà Trang, chính quyền địa phương ở TP.HCM đã công bố sự giới hạn về việc cấp phép phát triển dự án đăng ký mới trong chiến lược phát triển nhà ở tới năm 2020, tuy nhiên chỉ giới hạn cho những dự án xin cấp phép mới. Những dự án phát triển đã được phê duyệt và trong quy hoạch vẫn sẽ tiếp tục được triển khai.

“Với nguồn cung tương lai đã xác định từ dữ liệu hiện tại của chúng tôi, có thể kỳ vọng rằng nguồn cung nhà ở tương lai sẽ đáp ứng được nhu cầu nếu quá trình triển khai dự án của các chủ đầu tư được tiến hành thuận lợi”, bà Trang cho biết.

Trưởng bộ phận nghiên cứu Savills TP.HCM đánh giá thủ tục pháp lý phức tạp và kéo dài ở Việt Nam có thể là một rào cản đối với các chủ đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy sự tham gia của họ tại thị trường Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong 2 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai. Sự gia tăng này sẽ mang đến tiêu chuẩn quốc tế cao hơn và gia tăng nguồn cung cạnh tranh chất lượng cho thị trường.

Nhận định về thị trường theo phân khúc, bà Trang dự báo khu đông của TP.HCM vẫn là khu vực tiềm năng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, được thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng nổi trội.

Cụ thể vào tháng 8, CapitaLand đã bắt tay vào dự án nhà ở thứ 13 tại Việt Nam với việc mua lại 1 dự án có vị trí đắc địa ở quận 2 với giá trị khoảng 60 triệu USD. Với diện tích trên 60.000 m2, dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2021, mang lại hơn 100 căn nhà ở.

Đầu tháng 7, Frasers Property đã thông báo mua 75% cổ phần trong một dự án phức hợp nhà ở - thương mại tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức với giá hơn 34 triệu USD. Cùng thời gian, nhà phát triển nội địa Khang Điền cũng đã chuyển giao giai đoạn 1 của dự án nhà ở 90 ha tại quận 9 sang một nhà đầu tư Việt Nam khác với tổng số tiền khoảng 12,4 triệu USD.

“Xu hướng tăng giá của phân khúc căn hộ được ghi nhận trong 10 năm qua. Sự ra mắt của những dự án mới với chất lượng tốt hơn, bên cạnh thu nhập bình quân tăng cao hơn, và những gói tài chính tốt đều tạo điều kiện cho những thay đổi tích cực”, bà Trang nhận định.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự khác biệt rõ rệt giữa thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM