Gần đây có hiện tượng khiến tổ chức Đảng cũng như xã hội lấy làm buồn, là không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao vi phạm pháp luật bị xử lý.

Sự thăng tiến nhanh, trái quy trình có thể là nguyên nhân khiến quan chức dễ 'ngã ngựa'

Quốc Phong | 01/03/2023, 19:15

Gần đây có hiện tượng khiến tổ chức Đảng cũng như xã hội lấy làm buồn, là không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao vi phạm pháp luật bị xử lý.

Một số vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự, nhẹ hơn thì bị cách chức, còn một số thì được miễn nhiệm do người đó tự nhận ra lỗi của mình khi để xảy ra những vụ việc sai phạm thuộc đơn vị, tổ chức mà mình là người đứng đầu.

Quy trình vẫn đúng nhưng có lẽ chưa đủ?

Tính sơ sơ kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đến nay, tức là chưa hết nửa nhiệm kỳ, vậy mà đã có đến khoảng ngót 5% cán bộ cấp ủy viên Trung ương Đảng (trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm pháp luật, phải đưa ra khỏi Ban Chấp hành trung ương. Điều này dường như chưa từng có trong lịch sử đảng.

Sau 2 năm của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã có nhiều thay đổi về nhân sự khi có 10 ủy viên (gồm 2 Ủy viên Bộ Chính trị) hoặc bị kỷ luật, hoặc xin thôi chức vụ. Trong đó, 3 Ủy viên Trung ương Đảng bị khai trừ, 1 người bị cách tất cả các chức vụ, 3 người nhận kỷ luật cảnh cáo sau đó cho thôi chức và 3 người thì tuy không bị kỷ luật nhưng do có liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu công việc được giao đã để xảy ra những sai phạm thuộc lĩnh vực mình phụ trách, đã phải thôi chức.

Cần nhớ lại, cả nhiệm kỳ Đại hội 12 cũng chỉ có 10 Ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau.

Có những người đặt câu hỏi: Phải chăng "quy trình 5 bước" của Quy định 80 QĐ-TW mới được Ban Chấp hành Trung ương ban hành hồi tháng 8.2022 có gì đó không ổn, không phù hợp, dù văn bản vừa ký chưa khô mực?

Có lẽ phải khẳng định ngay, tất cả đối tượng vừa rồi được quy hoạch vào Trung ương, đại hội đâu đã thực hiện quy định nói trên. Nó chưa liên quan đến công tác cán bộ của Đảng nhiệm kỳ qua. Việc ban hành quy định nêu trên trong bối cảnh hiện nay, theo tôi là rất cần thiết.

Theo Quy định 80 thì 5 bước nói trên là:

Bước 1: Xin chủ trương bổ nhiệm cán bộ.

Bước 2: Xác định tiêu chí cụ thể.

Bước 3: Tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín.

Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự.

Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Nếu chúng ta nghiêm túc nhìn nhận thì có lẽ cũng không có vấn đề gì gọi là bất ổn ở quy trình 5 bước ấy. Thế nhưng, để đảm bảo hơn, liệu có nên bổ sung một số bước khác nữa cho hoàn chỉnh, là vấn đề cần bàn?

Ví dụ như có nên có bước cho tự do tranh cử nếu hội đủ các tiêu chuẩn và người ứng cử tự diễn giải, bảo vệ chương trình hành động. Từ đó, tổ chức sẽ có thêm sự chọn lựa chính xác hơn. Càng tranh cử bằng kế hoạch công tác của cá nhân thì càng có điều kiện để chọn ra người tài thực sự.

Đây có thể coi như thêm một bước quan trọng nên làm. Sự cạnh tranh lành mạnh này tôi tin là chỉ thêm tốt cho công tác nhân sự. Hiện nay, một số nơi cũng đã tiến hành, nhưng nó chưa được coi như điều khoản bắt buộc. Nơi làm, nơi không làm. Song, những nơi từng làm thì về cơ bản đều được đánh giá là tốt.

Đó là tôi chưa đề cập đến chuyện cần công khai tài sản trước cơ quan công tác (cả tổ chức lẫn các cán bộ công chức, viên chức) và nơi địa bàn cư trú để dân cùng giám sát nếu có gì thiếu trung thực. Nó không phải chỉ dừng lại trong tờ lý lịch được nhân sự kê khai nộp tổ chức và chỉ tổ chức biết.

Nếu không như thế, quần chúng đâu có biết họ khai đúng-sai ra sao.

Bước này cũng có thể tách riêng thành một bước nhưng cũng có thể đưa vào trong bước 3 của quy trình 5 bước (nhưng nằm trong khâu hoàn chỉnh hồ sơ để tổ chức dựa vào mà giới thiệu nhân sự).

Tôi luôn suy nghĩ nhiều về bước thi tuyển và cho rằng điều này rất hệ trọng để có thể tìm ra những nhân sự có tài có đức thực sự phục vụ đất nước, nhân dân.

"Con hơn cha là nhà có phúc" nhưng không thể nâng đỡ bằng mọi giá mà cần thực lực

Xưa kia, muốn làm quan, hầu như đều phải qua thi cử và có bằng cấp thực sự. Như vậy thì mới được nhà vua bổ dụng (trừ trong chiến tranh, xuất hiện những người tài giỏi chưa qua học hành nhưng rất thông minh, dũng cảm).

Có người từng thi nhiều lần mà vẫn không thành đạt như ý muốn. Thậm chí như quê tôi, điển hình cho truyền thống hiếu học và thành đạt của làng Hành Thiện (H.Xuân Trường, tỉnh Nam Định), song có lẽ không thể không nhắc tới trường hợp cả ba cha con cùng lều chõng đi thi trong một kỳ và thi trong nhiều kỳ.

Người cha ấy từng 7 lần đi thi và có lần cụ cùng đi thi với 2 con trai, cụ tên Đặng Viết Hòe. Cụ là cụ nội của cố Tổng bí thư Trường Chinh, người từng có 3 thời kỳ đảm trách cương vị Tổng bí thư Đảng và là vị tổng công trình sư của công cuộc Đổi mới 1986. Cụ cũng là cụ nội của tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương.

Cụ Đặng Viết Hòe có một lần, sau được coi là cuối cùng (lần 7) đã lều chõng đi thi cùng 2 con trai mình, trong đó có cụ Đặng Xuân Bảng (1828-1910). Lần đó, cụ Hòe vẫn chỉ đậu tú tài, nhưng con trai Đặng Xuân Bảng của cụ thì đậu Tam giáp tiến sĩ lúc mới 29 tuổi. Cụ Bảng đỗ thứ nhì khoa ấy. Quyển của cụ đáng đậu Hoàng giáp, nhưng cuối bài lại có câu can vua về thanh sắc tuần du. Vua không ưng, đánh xuống hàng Tam giáp tiến sĩ nhưng vẫn trọng dụng cụ.

Cụ Đặng Xuân Bảng được vua cho gọi vào triều hỏi thăm và cho được cùng vua tản bộ thăm vườn thượng uyển. Vua Tự Đức lần đó hỏi khi ở nhà, khanh học ai mà thành danh như vậy, cụ đáp rằng "thần học cha thần".

Cha khanh có làm nghề gì nữa không? - Vua hỏi.

Cụ Bảng thưa: Cha thần là thày giáo và cũng là người từng đi thi đến 7 lần và nhiều lần dừng lại bậc Tú tài.

Vua nghe vậy rất ngạc nhiên rồi ban tặng cho gia đình cụ Đặng Viết Hòe 4 chữ vàng "Giáo tử đăng khoa" (có ý khen việc cha dạy con đỗ đạt).

Cụ Đặng Xuân Bảng sau khi đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp thì được bổ dụng luôn chức Tri phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sau đó, cụ được đưa về giữ chức quan Bí thư Văn phòng nội các triều đình.

Cụ Bảng cũng từng làm các chức quan cho những 6 đời vua nhà Nguyễn. Thế nhưng cuối đời cụ vẫn quay lại với nghề dạy học ban đầu vì thấy buồn và bất lực trước việc đất nước bị Pháp cai trị. Cụ quyết định xây dựng một thư viện lớn, được xem như đứng đầu thư viện tư nhân của miền Bắc thời bấy giờ và mang tên Hy Long.

Cụ Bảng viết rất nhiều sách, trong đó có nghiên cứu sử học và sáng tác thơ văn. Cụ để lại cho đời cả một kho tàng văn hóa cùng biết bao thế hệ học trò thành tài. Tất cả đều nhờ người thày uyên bác, tiến sĩ Đặng Xuân Bảng.

Tôi kể câu chuyện có thật trên đây để muốn nói sâu một điều, quan niệm "sống lâu lên lão làng" ngay tự xa xưa cũng không hẳn đã là thực tế như ta nghĩ. Tất cả phụ thuộc vào chuyện thi cử nay càng không đúng. Có rất nhiều người học vị học hàm cao nhưng người thật giỏi thì lại ít bởi sự học đã bị xem như thứ để tạo đà thăng tiến khi có thời cơ đến.

"Con hơn cha, nhà có phúc" - điều này đúng. Song, phải là do thực lực phấn đấu. Nếu cứ dựa vào thế cha rồi nâng đỡ con kiểu "nhồi vịt", như vài nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp gần đây thì có lẽ không nên. Nó chỉ làm thui chột tài năng thực sự của những người tài thực thụ khác. Như vậy khác nào "nguyên khí quốc gia" sẽ ngày một mất dần do thiếu công bằng trong khâu tuyển chọn người tài của xã hội ta!

Một loạt con lãnh đạo cấp cao được bổ nhiệm thần tốc là điều thật đáng lo cho đất nước. Có lẽ nổi cộm nhất phải kể đến con của một số bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng, như ở Quảng Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bộ Công Thương..., sau đều phải dừng bước. Tất cả đã cho thấy thật đáng suy nghĩ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lẽ là tấm gương sáng cho cán bộ học tập và làm theo trong việc nuôi dạy con mình. Ông từng không bằng lòng với việc những ai đó gợi ý ông đưa con mình lên các cương vị công tác cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước dù họ có thể cũng rất xứng đáng với quá trình công tác và hợp độ tuổi.

Tổng bí thư cũng nhiều lần đề cập khi nhìn nhận tầm quan trọng của công tác cán bộ. Ông phát biểu: “Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Tôi xin phép được dẫn lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để thay cho lời kết bài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
12 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự thăng tiến nhanh, trái quy trình có thể là nguyên nhân khiến quan chức dễ 'ngã ngựa'