Nếu dựa theo bảng xếp hạng FIFA – tiêu chí để phân nhóm chia bảng thì Việt Nam nằm ở bảng đấu có độ khó cao hơn.
Như đã biết, Việt Nam rơi vào bảng B cùng với Nhật, Úc, Ả Rập Saudi, Trung Quốc và Oman.
Nếu so với bảng A có Iran, Hàn Quốc, UAE, Iraq, Syria và Lebanon thì nhiều người thấy cũng đâu có chênh lệch gì. Tuy nhiên, nếu dựa theo bảng xếp hạng FIFA – tiêu chí để phân nhóm chia bảng thì Việt Nam nằm ở bảng đấu có độ khó cao hơn.
Chẳng hạn ở nhóm 1, gồm Nhật và Iran thì Nhật được đánh giá cao hơn. Nhật xếp số 1 châu Á còn Iran số 2 châu Á.
Ở nhóm 2 gồm Úc và Hàn Quốc thì Úc được đánh giá cao hơn. Úc là đội xếp thứ 3 châu Á còn Hàn Quốc là đội xếp thứ 4 châu Á.
Ở nhóm 3 gồm Ả Rập Saudi và UAE thì Ả Rập Saudi được đánh giá cao hơn. Ả Rập Saudi là đội xếp thứ 6 châu Á còn UAE là đội xếp thứ 7 châu Á.
Ở nhóm 5 gồm Oman và Syria thì Oman được đánh giá cao hơn. Oman là đội xếp thứ 10 châu Á còn Syria là đội xếp thứ 11 châu Á.
Ngay cả ở nhóm 6 gồm Việt Nam và Lebanon thì Việt Nam được đánh giá cao hơn. Việt Nam là đội xếp thứ 13 châu Á còn Lebanon là đội xếp thứ 16 châu Á.
Chỉ có mỗi ở nhóm 4 là bảng B được nhận đội yếu hơn. Cụ thể, ở nhóm 4 gồm Iraq và Trung Quốc thì Iraq được đánh giá cao hơn. Iraq là đội xếp thứ 8 châu Á còn Trung Quốc là đội xếp thứ 9 châu Á.
Như vậy bảng B nhận đến 5/6 đội mạnh hơn so với bảng A. Có lẽ với Việt Nam thì điều an ủi khi rơi vào bảng B là tránh đụng Hàn Quốc và khiến HLV Park Hang Seo đỡ cảm thấy khó xử khi phải đối đầu với đội bóng quê hương mà Việt Nam từng thua Hàn Quốc tại cả vòng bảng U.22 châu Á 2019 và bán kết Asian Games 2019.
Sẽ có người thắc mắc về đội xếp thứ 5, xếp thứ 12 châu Á là ai mà không được dự vòng 12 đội. Đội xếp thứ 5 châu Á là Qatar – chủ nhà World Cup 2022 được miễn tham gia vòng loại. Còn đội xếp thứ 12 là Uzbekistan đã bị loại ở vòng bảng.