Theo các nhà phân tích, những sự kiện chính trị gần đây ở Ba Lan, Slovakia và Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine đang suy yếu.

Sự ủng hộ toàn cầu dành cho Ukraine có đang suy giảm?

Hoàng Vũ (theo Aljazeera) | 05/10/2023, 16:50

Theo các nhà phân tích, những sự kiện chính trị gần đây ở Ba Lan, Slovakia và Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine đang suy yếu.

Cuối tuần trước, cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico, một người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội với đảng SMER-SSD của mình sau khi vận động tranh cử với lời hứa rút hỗ trợ quân sự cho Ukraine và kêu gọi ngừng trừng phạt Nga.

Các nhà quan sát dự đoán Slovakia có thể cùng Hungary xây dựng một liên minh “hoài nghi” Kyiv trong Liên minh châu Âu (EU). Điều này là một tín hiệu đáng lo ngại tới Ukraine, quốc gia trong những tuần gần đây đang tranh cãi với một trong những đồng minh trung thành nhất của họ là Ba Lan về vấn đề nhập khẩu ngũ cốc. 

Tin xấu tiếp tục bủa vây Ukraine khi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa Mỹ đe dọa hủy bỏ một thỏa thuận viện trợ mới. Những diễn biến này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận về sự thay đổi toàn cầu trong quan điểm ủng hộ Ukraine, khi cuộc chiến vẫn kéo dài chưa hồi kết.

Nhà phân tích Teona Lavrelashvili tại Trung tâm Chính trị châu Âu nhận định, một số đồng minh đã sẵn sàng cho một “giải pháp thực tế” để kết thúc chiến tranh.

Sean Hanley, Phó giáo sư về chính trị Trung và Đông Âu tại Đại học College London cho rằng Kyiv có thể lo lắng trước việc một số đồng minh truyền thống đang “lạc nhịp”.

ung-ho-ukrane-2.png
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy chụp ảnh cùng các binh sĩ Ukraine khi ông đến thăm tiền tuyến - Ảnh: Reuters

Theo ông Hanley, việc Slovakia xoay trục sang Nga báo hiệu rằng các đồng minh của Kyiv có thể đang “mệt mỏi” với tình hình tại Ukraine. Họ có xu hướng ưu tiên lợi ích quốc gia hơn các mục tiêu quốc tế.

Căng thẳng với Ba Lan

Kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, Ba Lan là một trong những đồng minh tận tâm nhất của Kyiv. Quốc gia có chung đường biên giới với đất nước đang bị chiến tranh tàn phá đã tiếp đón hàng triệu người tị nạn Ukraine, chuyển giao một loạt vũ khí cho lực lượng vũ trang Kyiv để phòng vệ, cũng như đóng vai trò là trung tâm trung chuyển cho các chuyến hàng vũ khí từ các quốc gia khác tới Ukraine.

Nhưng trong những tuần gần đây, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt khi hai nước láng giềng tranh cãi về việc nhập khẩu ngũ cốc. Ba Lan đã tuyên bố sẽ không gửi vũ khí cho Ukraine và có thể cắt viện trợ cho người tị nạn.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thậm chí còn cảnh báo Tổng thống Volodymyr Zelensky không bao giờ được “xúc phạm” người Ba Lan sau khi nhà lãnh đạo Ukraine nói với Liên Hợp Quốc rằng “vở kịch chính trị” xung quanh việc nhập khẩu ngũ cốc đang tiếp tay cho Moscow.

Ông Morawiecki cho rằng Ukraine có thể sẽ gia tăng quan hệ với Đức trong tương lai. Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan cảnh báo Đức có thể ủng hộ một thỏa thuận với Nga bất cứ lúc nào và điều này có thể làm ảnh hưởng tới Ukraine.

Căng thẳng giữa Warsaw và Kyiv "nóng" lên vào tháng 9 khi Ba Lan tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với ngũ cốc nhập khẩu của Kyiv nhằm bảo vệ nông dân địa phương. Hai quốc gia sau đó liên tục đưa ra những cảnh báo, tranh cãi trên trường quốc tế.

Robert Pszczel, một thành viên cấp cao tại Quỹ Casimir Pulaski - một viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận của Ba Lan - nhận định với Al Jazeera rằng bất chấp “những lời lẽ khó chịu” giữa hai bên, sự hỗ trợ chiến lược quan trọng mà Warsaw dành cho Ukraine sẽ không thay đổi.

Pszczel cho biết, cuộc xung đột gần đây là đỉnh điểm của nhiều rạn nứt đang diễn ra, bao gồm cả sự cố hồi tháng 11, trong đó một tên lửa phòng không đã giết chết hai người ở miền nam Ba Lan. Vào thời điểm đó, Ba Lan và NATO cho biết, một tên lửa của Ukraine có thể đã gây ra thương vong nhưng Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì phát động cuộc chiến. Phía Kyiv sau đó cũng lên tiếng phủ nhận mọi trách nhiệm.

Chuyên gia Lavrelashvili cho rằng không thể so sánh sự ủng hộ Ukraine giữa Ba Lan và Slovakia. “Ở Slovakia, lập trường ủng hộ Điện Kremlin đã thành công hơn trong việc gây ảnh hưởng đến xã hội, tạo ra sự chia rẽ Đông - Tây giữa những người hiện coi Mỹ là một mối đe dọa an ninh”, bà nói.

Trong khi đó, Ba Lan vẫn sẽ không thay đổi quan điểm coi Nga là một thế lực nguy hiểm. Các cuộc thảo luận về Ukraine tại nước này chỉ xoay quanh việc cân bằng lợi ích quốc gia trong khi vẫn tiếp tục một số hình thức hỗ trợ cho Kyiv.

Mỹ có thể ngừng tài trợ cho Ukraine?

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an các nhà lãnh đạo G7 và Tổng thống Zelensky rằng “cam kết của Washington với Ukraine sẽ không suy yếu”.

Tuy nhiên, quốc hội Mỹ cuối tuần trước đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời trong vòng 45 ngày nhằm tránh việc chính phủ liên bang đóng cửa, trong đó, thỏa thuận tài trợ mới cho Ukraine đã bị hủy bỏ, phần lớn là do áp lực từ những thành viên phe Cộng hòa theo đường lối cứng rắn. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết Lầu Năm Góc chỉ có thể hỗ trợ Kyiv thêm vài tuần nếu quốc hội Mỹ không thông qua dự luật viện trợ mới.

Việc ông Kevin McCarthy bị loại khỏi vị trí chủ tịch Hạ viện đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về các gói viện trợ mới cho Ukraine. Đảng Cộng hòa đang nắm Hạ viện Mỹ và vị chủ tịch tiếp theo vẫn có thể hủy bỏ thêm viện trợ cho Ukraine trước khi đề xuất được đưa ra.

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden hôm 3.10 khẳng định “không cho phép viện trợ của Mỹ cho Ukraine bị ngừng lại trong bất kỳ hoàn cảnh nào". Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ tin tưởng rằng quốc hội Mỹ cuối cùng sẽ phê duyệt thêm các gói viện trợ cho Ukraine “trong chừng mực cần thiết”.

Joshua Tucker, Giáo sư chính trị tại Đại học New York (Mỹ), nói với Al Jazeera rằng dự luật tạm thời nói trên sẽ không phản ánh sự thay đổi tổng thể trong nền chính trị Mỹ. Thay vào đó, sự ủng hộ dành cho Ukraine sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào hướng đi mà cựu Tổng thống Donald Trump, người đang dẫn đầu cho đề cử ứng tổng thống 2024 của đảng Cộng hòa. Tucker cho rằng các quan điểm chính trị về Ukraine tại Mỹ hiện chỉ tập trung vào việc liệu chính phủ có chi quá nhiều tiền cho nỗ lực phòng vệ của Kyiv hay không.

Phát biểu ở Diễn đàn An ninh Warsaw tại Ba Lan, cựu Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, tướng Ben Hodges đánh giá rằng, các tuyên bố về việc hỗ trợ Ukraine là vô nghĩa nếu không đưa ra được chi tiết cụ thể.

Ukraine: Phương Tây cần nói rõ sẽ hỗ trợ Kyiv bao lâu?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 9 đã nói với báo The Economist rằng ông cảm nhận được sự suy giảm về ủng hộ từ các lãnh đạo phương Tây. Ông cảnh báo rằng việc không ủng hộ Ukraine đồng nghĩa với việc đứng về phía Nga.

Trong một tuyên bố vào tuần trước, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov lưu ý rằng Mỹ và các đồng minh đã nhiều lần tuyên bố sẽ sát cánh cùng Kyiv "chừng nào còn cần thiết" song vẫn chưa khẳng định sẽ hỗ trợ cho đến khi Ukraine chiến thắng.

Ông Danilov nhấn mạnh rằng, Kyiv cần biết liệu phương Tây sẽ đảm bảo sát cánh cùng Ukraine cho đến khi nước này chiến thắng trong cuộc xung đột, hay sự ủng hộ này sẽ chấm dứt sau một khoảng thời gian nhất định.

Bài liên quan
Xe tăng Mỹ viện trợ Ukraine bị ‘cất kho’
Hãng AP cho biết Ukraine tạm ngừng sử dụng xe tăng chiến đấu Abrams M1A1 do Mỹ viện trợ, một phần vì chúng dễ bị phát hiện bởi máy bay không người lái (UAV) của Nga, hoặc bị tấn công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
3 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự ủng hộ toàn cầu dành cho Ukraine có đang suy giảm?