Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018, bù trừ với nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ký kiến về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ với nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm, ký tắt dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Nghị định trong ngày 20.4.2020.
Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của Nghị định.
Khoản 3, điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Có nghĩa là nếu chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Nội dung này đang gây ra thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn như bất động sản, công nghệ cao, chứng khoán.
Trước đó, đa số thành viên Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 đã đồng thuận với phương án xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng ký ban hành để áp dụng từ ngày 31.3.
Đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế xác định năm 2017 số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỉ đồng; năm 2018 số chi phí lãi vay được trừ tăng lên 14.041 tỉ đồng. Với thuế suất 20%, số thuế thu nhập doanh nghiệp mà các doanh nghiệp phải nộp tăng lên do quy định khống chế trần chi phí lãi vay là 4.875 tỉ đồng trong 2 năm 2017 và 2018. Ước tính có khoảng 1.000 doanh nghiệp nằm trong diện này.
Trong khi đa số thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu đồng ý hồi tố Nghị định 20, Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Nghị định 20 “không phải là lợi ích chung của xã hội”, do tác động đến khoảng 1.000 doanh nghiệp. Nếu hồi tố, theo Bộ Tài chính sẽ gây ra sự phức tạp trong nghiệp vụ và quản lý cán bộ ngành thuế. Đồng thời, Bộ cho rằng có thể sẽ hụt thu nếu phải hoàn lại tiền.
Lam Thanh