Khá "bảnh" chẳng phải gã giang hồ cộm cán, cầm đầu băng nhóm nhiều tội ác, đầy quyền lực... Tội trạng mà công an nêu ra ban đầu đối với Khá bảnh cũng thực sự chưa nghiêm trọng lắm. Nhưng vì sao, đến cả lãnh đạo Bộ Công an cũng quan tâm việc xử lý Khá bảnh?

Sức hút Khá 'bảnh' với giới trẻ, vì đâu?

03/04/2019, 10:18

Khá "bảnh" chẳng phải gã giang hồ cộm cán, cầm đầu băng nhóm nhiều tội ác, đầy quyền lực... Tội trạng mà công an nêu ra ban đầu đối với Khá bảnh cũng thực sự chưa nghiêm trọng lắm. Nhưng vì sao, đến cả lãnh đạo Bộ Công an cũng quan tâm việc xử lý Khá bảnh?

Từ video được quay lúc vừa ra tù, Khá bảnh trở thành hiện tượng mạng mới - Ảnh: YouTube NV

Có lẽ ngoại trừ giới trẻ, người viết bài này cũng như nhiều người khác, không quan tâm và theo dõi những clip hoặc “danh phận” của cậu Khá lâu nay. Chỉ biết cậu ta là một hiện tượng mạng xã hội, cực “hot”, và là thần tượng của nhiều cô cậu tuổi teen.

Mới đây, khi Khá bảnh bị công an bắt, rồi đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm... cũng lên tiếng cảnh báo về hiện tượng Khá bảnh, không ít người mới để tâm tìm hiểu nhân vật này là ai.

Khá bảnh từng có tiền án, tiền sự, xăm trổ, thích đánh nhau, chuyên cho vay nặng lãi, và nếu là thần tượng của nhiều bạn trẻ thì quả là điều đáng lo ngại về đạo đức xã hội. Thậm chí, nhiều hình ảnh cho thấy Khá bảnh được nhiều học sinh - thậm chí người lớn, chào đón hân hoan như một người hùng, thì đúng là đáng lo thật.

Nhưng vì sao nhiều người thích Khá bảnh? Đó là điều khiến không ít người băn khoăn. Có nhiều lý giải về điều này, nhưng có lẽ trước hết vì Khá bảnh luôn tỏ ra với cư dân mạng mình là người dám làm dám chịu! Làm sai, nhận sai. Thậm chí, khi bị bắt, Khá Bảnh cũng chỉ khóc ân hận vì những việc làm sai trái của mình, không hề đổ lỗi cho... thằng đánh máy. Khóc, hèn... là chuyện của cậu ta, nhưng đơn giản, không đổ lỗi cho ai.

Sai, nhận sai, không ai trách. Chỉ trách xã hội hiện nay, nhiều người cứ quanh co chối lỗi. Cô giáo chủ nhiệm thì sợ ảnh hưởng thành tích, bất chấp học trò của mình bị đánh hội đồng, chỉ yêu cầu ém nhẹm. CSGT lỡ đánh dân, thì chối do dân tự ngã va vào... gậy cảnh sát... Nhận tiền hối lộ, thì lại nói là chỉ nhận vật... giống tiền.

Khá bảnh cũng được nhiều em tuổi teen thích, vì nói thẳng. Trong 1 clip, câu nói mà những người có học thức, hiểu biết luật pháp không ai ủng hộ: “Xã hội này không có đúng sai, chỉ có kẻ mạnh người yếu”, nhưng các em tuổi teen rất thích.

Vì sao nhiều người vẫn thích cách hành xử đầy côn đồ như câu tuyên bố của Khá Bảnh? Có lẽ, họ chán ngấy chuyện cưỡng hôn trong thang máy chỉ bị xử phạt 200.000 đồng; bỏ bao công sức bắt kẻ trộm chó, giao công an, kẻ gian chỉ bị xử phạt hành chính rồi thả về, đề bạt cán bộ sai rồi đổ thừa vẫn đúng quy trình, gây thất thoát hàng trăm hàng ngàn tỉ đồng rồi bị xử nhẹ... Bởi thế, nhiều người thích cách “tự xử” bằng hành vi côn đồ như Khá bảnh, dù như đã nói, những người tôn trọng pháp luật không ủng hộ.

Như clip đốt xe của Khá bảnh, cậu ta tuyên bố sẽ đốt chiếc xe trị giá hàng chục triệu đồng, và đốt thật, nên các em teen thích rơn. Các em thích chỉ vì thấy Khá bảnh nói là làm, chứ không suy nghĩ rằng những việc làm ấy không nên được ủng hộ. Các em sợ dối trá và quanh co, giấu diếm sự thật, nói một đằng làm một nẻo!

Đừng sợ Khá bảnh, nếu chúng ta dám làm dám chịu, nói thẳng nói thật và làm thật như Khá bảnh hô hào với các em tuổi teen. Tất nhiên, phải làm những chuyện có ích cho dân cho nước, chứ không vô bổ và gây náo loạn xã hội như Khá bảnh. Ai làm được vậy, sức ảnh hưởng thực tế và trên mạng xã hội, có lẽ sẽ là cực lớn.

Đừng lo hiện tượng Khá bảnh, nếu môi trường giáo dục ngày một tốt hơn, xã hội bớt những người dối trá, làm việc lấp liếm, quanh co cãi chày cãi cối, chỉ lo vơ vét về mình. Một xã hội tốt và những con người được giáo dục đàng hoàng, một chính quyền giữ chữ tín, công khai, minh bạch với những cán bộ tận tụy lo cho dân... thì khi ấy, Khá bảnh chỉ là thằng “chíp hôi” đúng nghĩa.

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
31 phút trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức hút Khá 'bảnh' với giới trẻ, vì đâu?