Con khỉ bị bẫy vì chỉ nghĩ đến mấy củ lạc trong quả dừa chứ không nghĩ rằng mình đang ngu ngốc chui vào bẫy. Còn mấy vị giáo viên như vậy trong đầu chỉ có tư duy làm sao giữ lớp mình quản không có điều tiếng, không bị tụt thi đua chứ không nghĩ gì đến điều to lớn là tương lai của học sinh gặp nạn, về môi trường giáo dục mà thế hệ tương lai gồm có con cháu họ sẽ phải tiếp xúc.

Từ vụ hành hung nữ sinh ở Hưng Yên nghĩ về 'bẫy khỉ' trong nền giáo dục

30/03/2019, 14:26

Con khỉ bị bẫy vì chỉ nghĩ đến mấy củ lạc trong quả dừa chứ không nghĩ rằng mình đang ngu ngốc chui vào bẫy. Còn mấy vị giáo viên như vậy trong đầu chỉ có tư duy làm sao giữ lớp mình quản không có điều tiếng, không bị tụt thi đua chứ không nghĩ gì đến điều to lớn là tương lai của học sinh gặp nạn, về môi trường giáo dục mà thế hệ tương lai gồm có con cháu họ sẽ phải tiếp xúc.

Bẫy khỉ

Trong thời gian gần đây, clip thỏi vàng ở Dubai được lan khá rộng trên thế giới còn ở Việt Nam thì clip được nhiều người quan tâm là những vụ clip đánh người xé đồ.

Về clip ở Dubai, đó là cảnh thách thức cho ai đó lấy được thỏi vàng đặt trong hộp kính với 1 lỗ nhỏ. Việc tìm cách lấy vàng ra thành công chỉ tồn tại trên lý thuyết và gần như bất khả thi trong thực tế. Dù vậy, nhiều người lóa mắt vì vàng vẫn lao vào thử và nhận cái kết không như ý.

Thực ra trò này có cảm hứng từ “monkey trap” (bẫy khỉ). Người Anh chứng kiến cảnh thổ dân Nam Ấn Độ bẫy khỉ một cách kỳ lạ là đục quả dừa một lỗ nhỏ và để ở trong một số thứ khỉ khoái khẩu như vài củ lạc chẳng hạn. Các chú khỉ thò tay vào trong để moi đồ ăn nhưng không thể rút ra được vì tay nắm chặt mấy củ lạc, mà lỗ thì nhỏ. Quả dừa được buộc vào một sợi dây và người thổ dân chỉ cần lại gần trái dừa là tóm được khỉ. Con khỉ bị bắt vì nó chỉ tham lam nghĩ đến miếng ăn trước mắt mà không lường được hậu quả vì miếng ăn đó nó mất luôn cái lợi to lớn lâu dài là sự tự do, thậm chí sinh mạng. Nếu con khỉ thông minh thì có thể đã biết buông bỏ chút lợi ích tầm thường trước mắt, rút tay khỏi trái dừa và leo lên cây sống đời tự do. “Bẫy khỉ” sau này là thuật ngữ chỉ những người vì mắc kẹt trong cái lợi nhỏ mà đánh mất lợi lớn.

Nhiều người khi đọc đến đây sẽ chê những con khỉ là kém thông minh. Đương nhiên, vì nó là khỉ chứ không phải người. Thế nhưng, lại có không ít người trong xã hội hiện giờ mắc vào bẫy khỉ. Chúng ta chỉ nói về chuyện trong ngành giáo dục.

Dư luận đang rất bất bình về chuyện một nhóm 5 nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên tham gia đánh một bạn nữ có hoàn cảnh đáng thương (thiếu sự chăm sóc do cha mẹ đều có thần kinh không bình thường) ngay tại lớp học, làm em này phải nhập viện điều trị. Nhóm nữ sinh đã lột quần áo, đấm đá liên tiếp vào mặt mũi thân thể bạn học và quay clip. Điều đáng nói sự việc xảy ra ngay trên lớp học và kéo dài trong thời gian dài mà không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp. Các học sinh khác cho biết đây không phải lần đầu nạn nhân bị bắt nạt, mà xảy ra rất nhiều lần. Sau khi sự việc trên clip xảy ra cách đây 1 tuần, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh không được thông tin cho bất cứ ai nên đến nay mọi người mới biết.

Liệu có quá khi nghĩ rằng tư duy của giáo viên chủ nhiệm không khác gì tư duy của con khỉ ôm quả dừa? Con khỉ bị bẫy vì chỉ nghĩ đến mấy củ lạc trong quả dừa chứ không nghĩ rằng mình đang ngu ngốc chui vào bẫy. Còn mấy giáo viên như vậy trong đầu chỉ có tư duy làm sao giữ lớp mình quản không có điều tiếng, không bị tụt thi đua chứ không nghĩ gì đến điều to lớn là tương lai của học sinh gặp nạn, về môi trường giáo dục mà thế hệ tương lai gồm có con cháu họ sẽ phải tiếp xúc. Họ vì cái lợi nhỏ bé của bản thân mà vứt luôn cái lớn hơn là sứ mệnh một người thầy vào sọt rác.

Những con khỉ thì không thể có tư duy về những giá trị nhân văn, nhân đạo như con người nhưng phải thừa nhận khỉ là loài giỏi bắt chước. Chúng ta có thể tin là nếu các giáo viên có một vị hiệu trưởng không chú trọng thành tích thì họ cũng sẽ không chạy đua theo thành tích. Và nếu những người quản lý vị hiệu trưởng không chạy đua theo thành tích thì sẽ không đẻ ra các hiệu trưởng chạy theo thành tích.

Khi chạy đua theo thành tích cho bản thân bằng mọi giá thì sẽ trở nên lạnh lùng vô cảm với xung quanh. Điều đáng sợ nhất là sự vô cảm trong ngành giáo dục, trong đội ngũ giáo viên sẽ tác động lên học sinh. Một vụ việc bạo hành như kể trên diễn ra trong một thời gian dài mà không có học sinh nào dám đứng ra bảo vệ lẽ phải thì chứng tỏ suy nghĩ của các em học sinh cũng vô cảm. Và chúng ta biết bạo lực trường học và sự vô cảm không chỉ có ở Hưng Yên. Đó là thất bại của nền giáo dục.

Và vì thế chúng ta đừng cảm thấy khó hiểu chuyện 3 phụ nữ đánh ghen, hành hung, xé áo 1 cô gái gần đường Bà Triệu vốn thuộc loại sầm uất bậc nhất Hà Nội mà không ai đứng ra can ngăn. Dù ngồi ghế nhà trường 12 năm hoặc có thể hơn, nhưng nhiều người trong chúng ta đã quen vô cảm với sự sai trái từ lâu mất rồi. Tại sao?

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
12 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ vụ hành hung nữ sinh ở Hưng Yên nghĩ về 'bẫy khỉ' trong nền giáo dục