Theo Barrons, hiệu ứng tiêu cực do sức mua thấp của Trung Quốc có thể lây lan sang phần còn lại của thế giới. Hàng chục triệu người Mỹ đã chịu cảnh thu nhập của họ bị cắt giảm khi hết hạn phúc lợi.
Phục hồi sản xuất và sức mua khác nhau
Hậu quả kinh tế do đại dịch coronavirus đang ngấm dần với Trung Quốc cho dù nền kinh tế nước này đang khởi động lại mạnh mẽ.
Tại Trung Quốc, chi tiêu của người tiêu dùng đã không thể phục hồi ngay cả khi sản xuất công nghiệp và đầu tư bất động sản đạt mức cao mới. Vấn đề là mọi thứ được sản xuất ra thì cuối cùng đều phải được tiêu thụ. Thế nhưng, nếu người Trung Quốc không chịu mua những gì doanh nghiệp của họ đang sản xuất, thì phải có người khác mua chỗ hàng đó. Cho đến nay, những người mua sắm ở Mỹ và châu Âu vẫn là thị trường màu mỡ cho các nhà sản xuất Trung Quốc ngay cả khi các nhà sản xuất châu Âu đang gặp khó khăn.
Sau khi đại dịch coronavirus xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc, chi tiêu cho thị trường bán lẻ đã giảm khoảng 25% trên cơ sở được điều chỉnh theo mùa từ tháng 12.2019 đến tháng 2.2020, trong khi sản lượng sản xuất giảm khoảng 20%. Con số đó cho thấy sản xuất tại Trung Quốc có giảm nhưng chi tiêu trong nước còn giảm nhanh hơn. Đó cũng giống những gì đã xảy ra ở nền kinh tế Mỹ giữa mức đỉnh vào tháng 2 và mức đáy vào tháng 4 (Sản xuất và tiêu thụ đều giảm 30% ở Châu Âu.)
Tuy nhiên, sự phục hồi của ba nền kinh tế lớn trên thế giới về cơ bản lại khác nhau. Dữ liệu mới nhất cho thấy người Mỹ và người châu Âu đã quay trở lại chi tiêu nhiều như trước đại dịch — nếu không muốn nói là nhiều hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất của họ hoạt động dưới mức công suất.
Riêng ở Trung Quốc, chi tiêu bán lẻ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch ngay cả khi khu vực sản xuất đã tăng trưởng mạnh trở lại. Trên thực tế, chi tiêu bán lẻ trong tháng 7 dường như đã giảm nhẹ so với tháng 6. Sản lượng sản xuất của Trung Quốc tăng trở lại nhanh hơn nhiều so với chi tiêu trong nước, ngược lại với Mỹ, nơi sản xuất lại tụt hậu so với tiêu dùng.
Sự khác biệt này phản ánh các lựa chọn chính sách của chính phủ. Điều này đặc biệt thấy rõ ở Trung Quốc qua những hạn chế về phúc lợi xã hội dành cho hàng trăm triệu công nhân đến từ nông thôn. Ví dụ, thay vì nhận được trợ cấp thất nghiệp, những người công nhân này rời thành phố về quê nhà tự tìm cách mưu sinh. Đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc nhận được trợ cấp từ nhà nước để tiếp tục sản xuất bất kể làm như vậy có tiết kiệm hay không.
Kết quả là tổng chi tiêu của Trung Quốc cho nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong tháng 4 đến tháng 6 chỉ dưới 530 tỉ USD, so với 606 tỉ USD trong quý 2 năm 2019 và gần 640 tỉ USD trong quý 2 năm 2018.
Ngược lại, giá trị xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Trung Quốc trong quý 2 về cơ bản không thay đổi trong nhiều năm qua. Thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc đã tăng vọt nhờ sự kết hợp của nhu cầu trong nước giảm và sản xuất được duy trì. (Giá năng lượng giảm và ít người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài hơn cũng góp phần tạo hiệu ứng)
Thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã phục hồi trở lại bình thường ngay trong khi tổng chi tiêu cho nhập khẩu giảm xuống, đẩy thặng dư thương mại lên cao.
Mỹ và châu Âu chịu khổ
Cán cân thương mại sản xuất của Châu Âu đã chuyển sang hướng khác. Trong khi nhập khẩu giảm, xuất khẩu còn giảm nhiều hơn. Thặng dư hàng hóa sản xuất của châu Âu trong quý II là 50 tỉ euro (60 tỉ đô la), so với mức trung bình trước đại dịch là khoảng 110 tỉ euro.
Thặng dư sản xuất của châu Âu đã giảm do xuất khẩu giảm mạnh so với nhập khẩu. Tương tự, dữ liệu thương mại của Mỹ cho thấy xuất khẩu đã giảm nhiều hơn nhập khẩu, mặc dù khoảng cách đã thu hẹp phần nào trong tháng 6 nhờ xuất khẩu tăng.
Điều này giúp giải thích lý do tại sao sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất của Mỹ lại bị kìm hãm. Ngoại trừ các nhà máy chế biến thịt và lĩnh vực xe hơi có biểu đồ phục hồi the hình chữ V, hầu hết các lĩnh vực khác vẫn ở mức thấp hơn so với tháng 2 dù có một số cải thiện nhỏ trong vài tháng qua. Sở dĩ xe hơi và chế biến thịt tại Mỹ phục hồi nhanh là vì những mặt hàng này không chịu cạnh tranh từ hàng của Trung Quốc vốn không chen chân vào được thị trường Mỹ ở lĩnh vực này.
Thật không may, hiệu ứng tiêu cực do sức mua thấp của Trung Quốc có thể lây lan sang phần còn lại của thế giới. Hàng chục triệu người Mỹ đã chịu cảnh thu nhập của họ bị cắt giảm khi hết hạn phúc lợi (chẳng hạn chuyện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch). Và các chính phủ châu Âu cũng đang tranh luận về việc họ nên sớm chấm dứt các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp để giữ chân người lao động.
Miếng bánh kinh tế toàn cầu ngày càng nhỏ đi, điều đó có nghĩa là các công ty — và các chính phủ hỗ trợ họ — sẽ buộc phải đấu tranh gay gắt hơn nữa chỉ để ngăn doanh số của họ giảm. Điều đó chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột về thương mại đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu vốn hiện hữu từ trước đại dịch.
Anh Tú (theo Barrons)