Những câu chuyện và bài học lịch sử mà ông Trương Tấn Sang dẫn lại và rút ra là những câu chuyện và bài học mà dân Việt thuộc nằm lòng. Việc ông Sang dẫn ra, nhắc lại không hề thừa, nhất là trong thời buổi này khi xã hội đang có nhiều điều đáng suy nghĩ.

Suy nghĩ tiếp về sự thịnh suy, lẽ hưng vong của đất nước

11/01/2018, 06:51

Những câu chuyện và bài học lịch sử mà ông Trương Tấn Sang dẫn lại và rút ra là những câu chuyện và bài học mà dân Việt thuộc nằm lòng. Việc ông Sang dẫn ra, nhắc lại không hề thừa, nhất là trong thời buổi này khi xã hội đang có nhiều điều đáng suy nghĩ.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Ảnh: Internet

Ngày 8.1.2018, báo Thanh Niên đăng bài của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “ngẫm nghĩ về những thời kỳ thịnh, suy của đất nước, về những lẽ hưng vong của thời cuộc” để hiểu về hiện tại, dự báo tương lai.

Thời đại nhà Trần với chiến công ba lần đẩy lùi cuộc xâm lược Nguyên - Mông để lại trong tâm tưởng ông Sang dấu ấn hào hùng. Ông ngây ngất với chiến công qua lời người lính già, tự tin vào điểm tựa vững chắc đó của lịch sử. Và ông trầm ngâm tự hỏi tại sao triều Trần chỉ tồn tại 175 năm? Bài học ông rút ra là ôn lại lời dạy của Hưng Đạo đại vương: giữ được “trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” thì dân giàu nước mạnh, khi không giữ được điều đó thì vận nước suy vi...

Tiếp theo dòng lịch sử mấy trăm năm sau đó, nhà Lê cũng vậy. Khởi đầu oanh liệt bằng cuộc kháng chiến chống quân Minh giành độc lập, nhà Lê rồi cũng sụp đổ. Theo ông Trương Tấn Sang, lý do bởi vì “tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền

Những câu chuyện và bài học lịch sử mà ông Trương Tấn Sang dẫn lại và rút ra là những câu chuyện và bài học mà dân Việt thuộc nằm lòng. Việc ông Sang dẫn ra, nhắc lại không hề thừa, nhất là trong thời buổi này khi xã hội đang có nhiều điều đáng suy nghĩ.

Trong khi đồng ý với ông Trương Tấn Sang về nhiều điều, tôi xin có vài suy nghĩ, ý kiến tiếp nối theo bài của ông.

Ý kiến thứ nhất: Nhà Trần bắt đầu năm 1225. Sau 30 năm chuyển tiếp đất nước từ triều Lý ly loạn và qua phân, nhà Trần đã xây dựng một đất nước hùng mạnh, trên dưới một lòng đánh bại đạo quân xâm lược phương Bắc. Ba mươi năm là thời gian đủ dài cho việc chấn hưng đất nước. Lịch sử cũng trùng hợp với các quan sát hiện tại: ba mươi năm xây dựng đất nước theo con đường đúng đắn, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đều từ một nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề trở nên giàu mạnh, bên trong dân chúng văn minh no ấm, bên ngoài không nước nào uy hiếp được!

Ý kiến thứ hai: Ông Sang có nhắc rằng “Giữ nước là công việc của trăm họ, của muôn dân còn trị quốc chỉ là công việc của một số ít người”. Tôi cũng đồng ý điều này. Tuy nhiên, với kiến thức và tư duy hiện nay, chúng ta có thể nói thêm rằng trị quốc cũng là trách nhiệm của trăm họ. Do xã hội quá đông, dân chúng phải tuyển chọn những người họ tin có tài có đức đứng ra “trị quốc”. Nếu sau từng nhiệm kỳ mà người được tuyển chọn không đạt thành quả mong muốn, dân chúng sẽ tuyển chọn những người có tài có đức khác. Cơ chế này có vai trò chất đệm, khiến đất nước luôn có người tài đức mà không chịu chấn động xã hội quá lớn.

Ý kiến thứ ba: Triều đại thịnh rồi suy, hưng rồi phế. Theo ông Trương Tấn Sang thì “nguyên nhân suy vong chẳng khác nhau là mấy. Đó là do tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền”. Nhà Trần đi vào suy vong từ thời vua Dụ Tông, và 42 năm sau mới chấm dứt. Bốn mươi hai năm này khiến đất nước suy yếu, đạo đức suy đồi, lòng dân chán ngán... chính là một nguyên nhân quan trọng khiến quân Minh xâm lược và đặt được nền đô hộ trên nước ta!

Những thời đại phong kiến Trần, Hậu Lê cách nay hàng mấy trăm năm, và trong khoảng thời gian đó nền văn minh nhân loại đã tìm dược những giải pháp khiến dân chúng không còn phải chịu đựng những người cầm quyền có “tài năng yếu kém, đạo đức suy đồi” lâu như thế nữa. Những ông vua Trần Dụ Tông không thể không nghe theo lời can gián của bậc hiền thần được nữa. Những bậc hiền thần Chu Văn An không phải “chấm tay áo gạt nước mắt” trong cô độc nữa, mà có rất nhiều bậc trí giả, thức thời cùng lên tiếng phản biện. Dân chúng tham gia vào cuộc tranh luận, phản biện qua hệ thống báo chí thông tin công khai, minh bạch. Nếu những lời phản biện không được lắng nghe, chính dân chúng, qua các cuộc ứng cử, bầu cử sẽ phán xét. Dân chúng là người trọng tài công minh không thuộc nhóm lợi ích riêng tư nào, do đó Tổ Quốc chung sẽ có lợi rất lớn!

Ý kiến thứ tư: Tính chính danh, được ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “khi đã nắm quyền tất thảy đều phải xây dựng tính chính danh”. Triều đại vững mạnh là nhờ “tựa được vào lòng dân”. Tôi rất đồng ý với ông rằng “Cứ đem lòng dân mà đo vận nước thì luôn chính xác”.

Như vậy, vận nước vững mạnh khi chính quyền Chính Danh. Sự Chính Danh nào chính thống hơn khi được dân bầu chọn thông qua quyền tự do ứng cử và bầu cử? Phải chăng đó mới là sự Chính Danh có lý, có tình nhất, sự Chính Danh được sự ủng hộ thực lòng của dân chúng nhất, có đủ vị thế và nguồn lực đưa vận nước lên cao?

Xin cám ơn bài viết của ông Trương Tấn Sang gợi ý cho những suy nghĩ tiếp theo này của tôi.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suy nghĩ tiếp về sự thịnh suy, lẽ hưng vong của đất nước