Đã đến lúc cần phải chấn chỉnh lại ngay công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, không chỉ về nghiệp vụ mà còn về tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân...
Tôi từng loay hoay đi tìm lời giải đáp xung quanh những bê bối của ngành dầu khí, một ngành mũi nhọn, vô cùng quan trọng của quốc gia với biết bao kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tin tưởng, giao phó vừa được đưa ra xét xử. Một doanh nghiệp như PVC (Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN), họ đã làm gì, được cấp trên che chắn ra sao để có thể liều lĩnh làm ăn và mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng đến mức như thế được?
Đã vậy, khi những người đứng đầu ngành, từ ông Đinh La Thăng, (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN) cho đến các ông trong ban lãnh đạo Tập đoàn PVN, rồi các ông Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT PVC) và ông Vũ Đức Thuận (TGĐ PVC) khi rời khỏi ngành, với ai còn tuổi công tác thì đều cứ như người hùng hết cả.
Ai cũng thăng tiến kiểu như "cán bộ nguồn kế cận của nước nhà trong tương lai" (ngoài trường hợp điển hình như ông Đinh La Thăng đến 1 nhiệm kỳ sau đó còn được tham gia Bộ Chính trị thì cũng thật khó lý giải; nói gì đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh được ông bộ trưởng Công Thương, bí thư Ban cán sự Đảng Vũ Huy Hoàng "một tay che cả mặt trời" dám đưa vào quy hoạch thứ trưởng sau khi đưa Trịnh Xuân Thanh "lách cửa tiểu ngạch" phù phép đi làm phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang để "thử thách"; như trường hợp ông Vũ Đức Thuận thì đã cao chạy xa bay, rời khỏi bộ đi theo ông Đinh La Thăng sang bộ Giao thông Vận tải. Sau ít năm "nín thở chờ thời" đã quay về làm Chánh Văn phòng bộ thì tệ hại quả thật khôn lường cho Đảng, nhà nước!
Vì sao họ đều thoát và thăng chức như thế? Tôi chỉ có cách "suy đoán thủ công": Họ đã chạy tội trước các cơ quan thanh, kiểm tra, kiểm toán quá siêu!
Với những gì sai phạm ở nơi đây, chúng ta có thể tự suy đoán rất nhanh một điều: Phải chăng họ đã được những ai đó "nhắm mắt cho qua", không phát hiện ra những vi phạm chết người đó, hoặc do trình độ yếu, hoặc do có tiêu cực mà trong đó, hệ thống các cơ quan Thanh tra (của Chính phủ), Kiểm toán (của Quốc hội ) cũng như cơ quan Kiểm tra (của Đảng )..., ngân sách Nhà nước từng chi một khoản không hề nhỏ để họ thực thi công vụ hàng năm. Và, cứ tưởng lực lượng này hùng hậu thế mà sao với chức năng nhiệm vụ được giao, họ đều đã cho qua? Lỗi này cần truy trách nhiệm đến cùng để xem đó như một bài học xương máu cho những người thực thi nhiệm vụ sau này.
Tôi nghĩ, đã có sự méo mó trong các kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán trước đây. Nguyên nhân có thể do các yếu tố chủ quan hoặc cũng có thể là khách quan. Song có thể nhận xét đơn giản: các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán đều chưa làm đúng tinh thần trách nhiệm của mình và để bỏ lọt sai phạm.
Trên báo Người đưa tin.vn mới đây, khi phóng viên P. Thu hỏi giáo sư tiến sĩ Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển về chuyện vì sao có nhiều cơ quan thanh, kiểm tra, kiểm toán từng vào cuộc ở PVN và PVC mà sao không phát hiện ra, trách nhiệm này nên tính sao? Ông Đào đã bày tỏ quan điểm rất đúng. Ông bảo:
"Cần phải dò lại các kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán trước đây xem quá trình thanh, kiểm tra, kiểm toán đó được thực hiện thế nào? Có khách quan, trung thực hay không? Ai là người ký các bản kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán đó? Kết luận đó hiện nay có sự vênh nhau như thế nào với các kết luận điều tra. Như vậy là có thể thấy ngay sai phạm ở mức độ nào, do chủ quan hay khách quan. Các quyết định thanh, kiểm tra, kiểm toán ảnh hưởng rất lớn đến kết luận của các cơ quan khác, quyết định khác, trong đó có cả công tác cán bộ...".
Ông Đào cũng bày tỏ: "Cũng không loại trừ việc đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán nhắm mắt kiểu “Thanh cha (tra) thanh mẹ, thanh dì (gì)/Cứ có phong bì thì bác thanh kiu (thank-you- cảm ơn-PV)”.
Bộ máy của chúng ta (cả Đảng, Nhà nước và Quốc hội) đều có một lực lượng thanh, kiểm tra, kiểm toán rất hùng hậu để họ thực thi công vụ hàng năm. Nhưng qua vụ án ông Đinh La Thăng và 21 bị can thuộc PVN cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô công quỹ, đã từng bị những cán bộ, kỹ sư có trách nhiệm trong cơ quan dũng cảm, kiên trì, lên tiếng tố cáo kéo dài cả chục năm nhưng rồi chẳng hề được ai xem xét. Từ đó đã cho thấy rõ hiệu quả của công tác này chưa cao và "đang có vấn đề" thuộc về "lỗi hệ thống ". Nếu trên dưới mà đều nghiêm và kiên quyết xử lý những sai phạm ngay từ đầu thì đâu đến mức như hôm nay, gần như cả tập thể lãnh đạo cao nhất của PVN một thời phải hầu toà trong đau đớn ...
Đã đến lúc cần phải chấn chỉnh lại ngay công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, không chỉ về nghiệp vụ mà còn về tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân...
Quốc Phong